Xuân sớm ở bản người Mông

(PLO) - Nếu với người Kinh hay các dân tộc khác, dịp Tết là những ngày cuối tháng Chạp, đầu tháng Giêng Âm lịch thì ở những bản làng của đồng bào dân tộc Mông trên rẻo cao thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc đã tưng bừng đón tết ngay từ đầu tháng Chạp âm lịch. Đồng bào gọi đây là Tết sớm hoặc Tết của người Mông để phân biệt với Tết Nguyên đán. 
Xuân về trên bản người Mông. Ảnh internet
Xuân về trên bản người Mông. Ảnh internet

Những ngày này, dưới xuôi mới đang là “tháng củ mật”, tháng “nước rút” mong đến Tết thì tại các làng bản người Mông đã nhộn nhịp không khí mừng năm mới. Những ngày này, trên các bản người Mông, hoa đào, hoa mơ, hoa mận đã bưng nở báo hiệu một mùa xuân tươi tốt.

Trên những con đường khấp khểnh đá tai mèo, mấy thiếu nữ tóc thề nhuộm màu thời trang sóng sánh bờ vai trong trang phục váy xòe rực rỡ sắc màu, ánh mắt e ấp trước cái nhìn như táp lửa của nhóm trai bản đang biểu diễn điệu khèn réo rắt xuân tình.

Trên khoảnh đất trống, từng đoàn trẻ con má hồng như táo chín, xúng xính váy áo mới tinh đang túm tụm chơi các trò chơi dân gian như kéo co, ném pao, nhảy lò cò… hoặc hát những câu đồng dao bằng tiếng dân tộc khiến không khí ngày tết càng thêm tưng bừng néo nhiệt…

Rộn rã vui xuân sớm…

Theo quan niệm của người Mông, một năm không có tháng thiếu và không có năm nhuận. Mỗi tháng có 30 ngày đều đặn, ngày thứ 361 là ngày mồng 1 Tết. Vậy nên Tết của người Mông diễn ra trước Tết nguyên đán của người Kinh 1 tháng. Thời điểm này, trong mỗi nhà, thóc lúa, ngô khoai đã đầy bồ, lợn gà, trâu bò đầy sân... sữn sàng cho một cái Tết đoàn viên.

Người Mông coi trọng những vật dụng liên quan đến cuộc sống lao động hàng ngày nên vào ngày 30/11 Âm lịch, mọi dụng cụ, vật dụng lao động sản xuất trong gia đình đều được gia chủ rửa sạch, dán giấy màu đỏ và xếp gọn gàng vào góc bàn thờ. Tết Mông gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Do đặc thù đồng bào Mông ăn Tết theo từng dòng họ nên phần lễ diễn ra tại các hộ gia đình theo đúng phong tục, tập quán truyền thống. Trong ngày tết, các gia đình cũng làm cỗ tết cúng tổ tiên, các vị thần như người miền xuôi; nhiều gia đình còn môt lợn ăn tết.

Trước đây, người Mông không gói bánh chưng. Bây giờ thì có gói, nhưng bánh chưng không nhất thiết có trong bữa cỗ Tết của họ. Với họ, ba món không thể thiếu trong mâm cỗ tết là thịt và rượu và bánh ngô. Trong ngày Tết, nhất thiết mỗi nhà phải có một mâm bánh dầy được làm từ những hạt gạo nếp nương do chính họ làm ra. 

Còn phần hội gồm các hoạt động văn hóa, thể thao như: chọi dê, chọi bò và các môn thể thao dân gian như: kéo co, đẩy gậy, đi khà kheo, đánh sảng, bắn nỏ... Vào những ngày Tết, tuỳ thuộc vào mỗi xóm, bản, người Mông còn tổ chức thi giã bánh dầy. Nhà nào làm được bánh dầy vừa dẻo, vừa thơm, lại đẹp thì sẽ được thưởng. Phần thưởng thường là một bát rượu ngô uống vào say đến mềm môi, nhưng cũng có khi chỉ là tràng vỗ tay cổ vũ cho người thắng cuộc.   

Xuân về trên bản người Mông. Ảnh internet
Xuân về trên bản người Mông. Ảnh internet

Độc đáo các lễ hội dân gian 

Trong dịp Tết của người Mông, tục “Vỗ mông” vẫn được phục dựng và duy trì theo đúng bản sắc văn hóa của đồng bào. Đây được xem là điểm nổi bật, mang đến nhiều điều mới mẻ và những bất ngờ thú vị. Trong các trò chơi dân gian truyền thống của người Mông, tục “Vỗ mông” vốn được xem là đặc sắc nhất. 

Theo phong tục, trong những ngày Tết, các chàng trai, cô gái Mông đưa mắt lựa chọn đối tượng cho riêng mình. Khi những ánh mắt đã tìm gặp được nhau, cô gái sẽ e thẹn tách khỏi đám đông chờ đợi. Chàng trai ngay lập tức tiếp cận, dùng tay vỗ vào mông cô gái và thả lời o­ng bướm. Nếu ưng cái bụng, cô gái sẽ quay lại vỗ nhẹ vào mông chàng trai đáp từ. Cứ như thế, hai bên vừa đi, vừa chơi hội và vỗ qua vỗ lại trao nhau những lời yêu thương cho đến khi vỗ đủ 9 cặp tức là hai bên đã chấp thuận nhau, chỉ chờ đợi người làm mai mối để thành vợ, thành chồng.

Do bị mai một nên ít ai biết được tục “Vỗ mông” không chỉ đơn thuần là trò vui trong ngày xuân mà còn chứa đựng một nét văn hóa rất riêng của người Mông, bởi đó là lời tỏ tình của các chàng trai, cô gái. Vì vậy mà tục “Vỗ mông” từ lâu luôn có sự hấp dẫn, lôi cuốn lạ kỳ đến như vậy.

Xuân về trên bản người Mông. Ảnh internet
Xuân về trên bản người Mông. Ảnh internet

Xưa, Tết của người Mông thường kéo dài cả tháng, cho đến Tết nguyên đán. Thực hiện chính sách tiết kiệm, lành mạnh, tình trạng nghỉ lao động, tổ chức ăn Tết kéo dài tại các bản người Mông đã được xóa bỏ, chỉ còn gói gọn trong 3 ngày để giữ phong tục truyền thống. Tết của người Mông thường gắn với những điệu khèn, câu hát và những lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào vùng cao. Trong đó phải kể đến lễ hội Sải Sán hay Gầu tào (tức hội cầu phúc). 

Hội này tiếng là do một gia đình tổ chức nhưng thật ra đó là một lễ hội của cộng đồng, thậm chí khi làng này dựng nêu, làng khác cũng đến dự hội. Gia đình dựng cây nêu được gọi là chủ nêu, thường là nhà có người đau ốm hay chậm có con thì mùng 2 đi dựng một cây nêu lớn ở bãi cỏ đầu làng cầu phúc.

Hội Gầu tào nhằm tạ ơn tổ tiên về mùa màng, súc vật; cầu cho mọi người sức khỏe, con cháu đông đàn. Hội có thể kéo dài 3 ngày nếu 1 năm tổ chức một lần hoặc 9 ngày nếu 3 năm tổ chức một lần. Hội Gầu tào được coi là lễ hội lớn nhất của người Mông trong năm và nó thể hiện rõ nhất những đặc trưng văn hoá Mông trong ngày Tết. Trong lễ hội này, sau phần lễ là hát giao duyên và các trò chơi yêu thích của người Mông cũng được mở ra. 

Đọc thêm