Xúc động bài thơ khóc thầy của võ sư nổi danh xứ Quảng

(PLO) -Trong làng võ cổ truyền tỉnh Quảng Nam lâu nay vẫn lưu truyền một giai thoại đẹp về tình nghĩa thầy trò. Đó là chuyện về võ sư Nguyễn Bầu (SN 1912, ngụ TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) làm thơ khóc thầy khi thầy qua đời khiến ai nấy cảm động. 
Võ sư Trần Xuân Mẫn trao đổi với PV.
Võ sư Trần Xuân Mẫn trao đổi với PV.

Lão võ sư tài năng xuất chúng

Võ sư Nguyễn Bầu nay đã bước vào tuổi đại thọ, sức khỏe đã suy giảm, thần trí không còn minh mẫn như trước. Dẫu vậy, những câu chuyện đời, chuyện võ của ông vẫn là tấm gương sáng mà đến nay các võ sư trẻ của làng võ Quảng Nam vẫn xem như là tôn chỉ để phấn đấu. 

Theo lời kể của võ sư Trần Xuân Mẫn (Chủ tịch Hội võ thuật cổ truyền Quảng Nam, một trong những học trò của võ sư Nguyễn Bầu), lão võ sư Nguyễn Bầu là nhà vô địch Quảng Nam một thời, là một trong số ít “cây đại thụ” còn lại của làng võ Quảng Nam và của cả nước Việt Nam.

Võ sư Bầu vốn xuất thân từ chốn sông nước. Cuộc đời của ông là những tháng ngày lênh đênh khắp các vùng sông nước tỉnh Quảng Nam cùng cha mẹ làm nghề đánh cá. Do điều kiện cuộc sống đặc biệt nên ông có tính tình phóng khoáng, nghĩa hiệp và tấm lòng bao dung. 

Với tố chất thiên phú về võ thuật kết hợp sự khổ luyện, ông nhanh chóng nổi danh trong làng võ Quảng Nam. Mỗi lần nghe tin võ sư Nguyễn Bầu thượng đài, nhân dân khắp nơi kéo về xem cho bằng được, nhất là họ muốn xem tuyệt chiêu “hốt ngựa” của ông.

Một trận đấu để lại nhiều dấu ấn nhất trong cuộc đời võ thuật của võ sư Nguyễn Bầu là trận thượng đài năm 1943 tại thị xã Hội An (nay là TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam). Trong dịp đó, đương kim vô địch tỉnh Quảng Ngãi - võ sĩ Đoàn Khánh Dư được xem là “không có đối thủ”. Với ngón đòn “Hồng sư đại náo sơn lâm”, võ sĩ Dư toàn thắng suốt 2 đêm liền, không có võ sĩ nào vượt qua được. 

Võ sĩ Nguyễn Bầu lúc ấy cũng tham gia thi đấu với bài “Rọi quyền soi thế” nhưng cũng chỉ cầm chừng được đối thủ trong ít hiệp. Bấy giờ, sư tổ của ông là thầy Tư Phụng (tức võ sư Trần Khương) liền tức tốc truyền dạy cho ông tuyệt chiêu bí truyền “Thanh long oai giáng hạ”. 

Với tố chất thông minh, chỉ trong một thời gian ngắn tiếp cận, võ sư Nguyễn Bầu đã lĩnh hội toàn bộ chiêu võ mới và dễ dàng khắc chế, hóa giải thế “Hồng sư đại náo sơn lâm” của võ sĩ Đoàn Khánh Dư và giành chiến thắng. Cũng bắt đầu từ trận đấu “danh chấn” ấy, giới võ cổ truyền khắp nơi bái phục, phong cho ông biệt danh “Hổ xám rừng xanh”.

Vị võ sư tài hoa xuất chúng Nguyễn Bầu nổi tiếng là bởi ông có sức mạnh phi thường với đôi tay cực kỳ mạnh mẽ. Xưa nay giới võ thuật vẫn lưu truyền về câu chuyện võ sư Nguyễn Bầu dù đã trên 50 tuổi vẫn một mình lặn xuống đáy sông xúc cát đổ đầy một chiếc thuyền lớn. Sau đó, cũng một mình ông đẩy chiếc thuyền đi trên cát, trong khi việc này bình thường cần phải có 5 người làm mới xuể. 

Rồi đến những năm tuổi đã ngoài 70, trong khi các võ sư cao tuổi khác chọn con đường nghiên cứu về triết lý võ thuật thì võ sư Nguyễn Bầu vẫn tiếp tục tham gia biểu diễn võ thuật. Dù tuổi cao nhưng nhờ thường xuyên luyện tập nên cơ thể ông vẫn tráng kiện hơn người.

Trong các kỳ Đại hội võ cổ truyền toàn quốc diễn ra tại Bình Định, Hà Nội hay Nghệ An…võ sư Nguyễn Bầu thường biểu diễn bài Siêu đao, làm nức lòng người hâm mộ và giành được huy chương vàng. 

Trong hội diễn võ thuật toàn quốc năm 1999 tại tỉnh Quảng Ngãi, lúc đó dù đã 77 tuổi, ông vẫn khiến giới võ lâm kinh ngạc bằng bài múa Siêu Xung Thiên với cây đại đao nặng gần 5kg. Trong hội diễn đó ông đã giành huy chương vàng về cho đoàn Quảng Nam.

Chân dung lão sư Nguyễn Bầu thời còn thượng đài. Ảnh tư liệu võ thuật Quảng Nam.
Chân dung lão sư Nguyễn Bầu thời còn thượng đài. Ảnh tư liệu võ thuật Quảng Nam.

Bài thờ lay động lòng người 

Dù có biệt danh “hổ xám rừng xanh” nhưng ẩn sau vẻ cứng rắn, mạnh mẽ ấy của võ sư Nguyễn Bầu là một trái tim nhân hậu, đầy tình cảm. Nhắc đến “cây đại thụ” của làng võ, người đời nhớ đến hình ảnh một cụ già rưng rưng nước mắt đọc bài thơ tiễn đưa trong ngày an táng sư của phụ mình. 

Kể về giai thoại này, võ sư Mẫn cho biết, thời trai trẻ, võ sư Nguyễn Bầu theo học võ với thầy Lưu Thanh Bình. Tuy là thầy trò trong nghiệp võ nhưng về tuổi tác, võ sư Bầu chỉ nhỏ hơn thầy Bình vài tuổi. Dù vậy, với tinh thần tôn sư trọng đạo, ông luôn tỏ lòng kính trọng, yêu thương và vâng lời thầy Bình như với cha mẹ mình.

Ngoài các buổi cùng nhau luyện tập, ông cùng các môn sinh khác tận tâm chăm lo sức khỏe của thầy, nhất là những khi thầy ốm đau, bệnh tật. Tình cảm chân thành ấy cũng được người thầy đón nhận và đáp lại khiến mối ân tình giữa thầy và trò mỗi ngày thêm bền chặt.

Đến khi thầy Bình qua đời (đầu năm 1990), võ sư Nguyễn Bầu đã gần 80 tuổi. Với tình cảm đặc biệt dành cho sư phụ mình, võ sư Bầu đã cảm tác một bài thơ. 

“Hỡi ôi!

Đường công danh càng nhìn quảng đại

Nghĩa thầy trò nghĩ lại khó quên

Vái cùng sư phụ linh thiêng

Chứng lòng đệ tử đáp đền ơn xưa

Đường hoạn lộ chưa vừa sở nguyện

Dẫu cửa quyền trọn tiếng chăn dân

Ơn cha sanh hóa ra thân

Công thầy giáo huấn cũng gần như nhau

Khoa “Võ môn” dẫu nhào qua khỏi

Trương vi rồng học hỏi nơi ai (?!)

Đẹp mình với vẻ cân đai

Công thầy tô điểm từ ngày ấu xuân

Cõi hư vô nay gần phước thánh

Xin chu toàn đèn hạnh “môn sinh”

Cảnh thiêng, xin gởi chút tình

Rót chung “ly hận” giật mình đưa thương…”

Tại đám tang thầy Bình, võ sư Nguyễn Bầu đọc bài thơ trên với lời lẽ chân thành, âm điệu thống thiết như rút cả ruột gan và rưng rưng nước mắt khiến những người dự tang đều nghẹn ngào xúc động.

Nói về tình nghĩa thầy trò trong võ thuật, nhiều bậc cao niên trong làng võ cho biết, tình cảm này luôn được mọi người coi trọng và tôn vinh là tình cảm thiêng liêng, không thể nhầm lẫn, đó là những tình cảm thầy trò, bằng hữu, đồng môn khắng khít. 

Theo quan niệm đó, muốn học được một nghề, người ta đều trải qua sự dạy dỗ, đào luyện của thầy, nhiều khi vô cùng gian nan, khó nhọc.  Tục ngữ Việt Nam có câu: ”Không thầy đố mày làm nên”, dụng ý nhấn mạnh vai trò quyết định của người thầy trong quá trình giáo dục. Công lao của người thầy đối với học trò từng được các hiền sĩ ví như công lao sinh thành, dưỡng dục của bậc cha mẹ. 

Bởi vậy, chuyện thầy – trò thân mến nhau trong làng võ là chuyện thường tình. Thế nhưng tình cảm thầy trò sâu đậm đến độ đủ để làm nên bài thơ xúc động như võ sư Nguyễn Bầu thì thật hiếm có. Vì thế, bài thơ khóc thầy là một giai thoại đẹp, là tấm gương cho những thế hệ võ sĩ đi sau noi theo.

“Qua từng câu chữ, ý thơ thể hiện những tiếc thương, suy tư trĩu nặng của lão võ sư già từng kinh qua bao thăng trầm cuộc sống. Cảm phục thay một lão võ sư già vẫn nhất mực tôn quý thầy mình, quả là hiếm có trên đời”, một võ sư ngậm ngùi nói. 

Trao đổi với chúng tôi, lão võ sư, nhà nghiên cứu văn hóa, võ thuật Võ Kiểu, nguyên Tổng thư ký Liên đoàn quyền thuật miền Trung cho biết: “Võ sư Nguyễn Bầu hiện đã 104 tuổi, thuộc lớp võ sư gạo cội, vang bóng xứ Quảng thời xưa. Ông có nhân cách đáng ngưỡng mộ, tài hoa xuất chúng, được các thế hệ võ sĩ tôn kính và học tập noi theo”.

Đọc thêm