Yếu tố then chốt để 'đi đến nơi về đến chốn an toàn'

(PLO) -Cuối mỗi ngày, cuối mỗi năm là thời điểm sum họp của những bước chân xa xứ, cha mẹ đón con, vợ ngóng chồng, con chờ cha... Thế nhưng, con số 8.279 người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) trong năm 2017 đồng nghĩa với việc 8.279 con người không còn có cơ hội trở về nhà, để lại sau lưng biết bao bi kịch gia đình, tổn thất xã hội. 
Yếu tố then chốt để 'đi đến nơi về đến chốn an toàn'

9h15 ngày 31/12/2017 tại Cầu Mây, xóm Kiều Chính, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên xảy ra vụ TNGT giữa xe ô tô mang BKS 29B - 141.98 loại 45 chỗ, xe chở công nhân Công ty Sam Sung và xe mô tô mang BKS 20G1-367.56. Hậu quả làm 2 cháu nhỏ (sinh năm 2006, 2009) chết tại chỗ.

14h44 ngày 2/1/2018, tại Km1+500 đường Cầu Mè - Công viên nước Hà Phương thuộc địa bàn thôn Mè Thượng, xã Phương Thiện, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng giữa xe ô tô 4 chỗ biển kiểm soát 23A - 046.54 và tổ công nhân Công ty TNHH Phương Anh - Hà Giang đang thi công dải phân cách công trình đường Cầu Mè - Công viên nước Hà Phương. Hậu quả làm 2 người chết tại chỗ và 3 người bị thương nặng được đưa đi cấp cứu sau đó tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang.

Đây là hai vụ TNGT điển hình trong những ngày cuối cùng của năm 2018 và mở đầu của năm 2018. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, từ 16/11/2016 đến 15/11/2017, toàn quốc xảy ra hơn 20.000 vụ TNGT, làm chết gần 8.2789 người, bị thương hơn 17.000 người. Như vậy, trung bình mỗi ngày có hơn 22 người chết và hơn 46 người bị thương.

“Cặp bài trùng” với TNGT đó là ý thức của người tham gia giao thông. Trong năm 2017, theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia ý thức của người tham gia giao thông vẫn chưa được cải thiện nhiều, thậm chí tình trạng chống lại cảnh sát giao thông khi thi hành nhiệm vụ trên các tuyến đường có chiều hướng gia tăng với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. “Trong thời gian trên, 51 vụ đã xảy ra làm 3 cảnh sát hy sinh, 6 người bị thương”, theo ông Hùng. 

Mới đây, tại cuộc họp giao ban trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự ATGT, nhiệm vụ xây dựng văn hóa giao thông cho toàn xã hội đã được đặc biệt nhấn mạnh. Cụ thể, đó là việc phải kiên trì xây dựng văn hoá giao thông cho toàn xã hội, đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT; thực hiện giáo dục ATGT chính khoá cả 3 cấp học phổ thông; tuyên truyền văn hoá giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, bằng các loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại; tiếp tục vận động nhân dân đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn chất lượng khi đi mô tô, xe máy và xe đạp điện... 

Với vai trò là Thủ đô của cả nước, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, năm 2018, Hà Nội sẽ thực hiện các giải pháp nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt là thanh, thiếu niên. 

Hy vọng rằng trong năm nay, với những động thái quyết liệt, văn hóa giao thông sẽ là yếu tố then chốt để đưa những con người “đi đến nơi về đến chốn”.

Đọc thêm