Đăng ký khai tử cần linh động hơn

 Với những quy định hết sức thông thoáng, Nghị định 158/CP về đăng ký và quản lý hộ tịch tạo điều kiện tối đa cho công dân trong việc đăng ký khai tử, tuy nhiên trong nhiều trường hợp nếu không linh động, việc đăng ký khai tử cũng trở nên khó khăn.

Với những quy định hết sức thông thoáng, Nghị định 158/CP về đăng ký và quản lý hộ tịch tạo điều kiện tối đa cho công dân trong việc đăng ký khai tử, tuy nhiên trong nhiều trường hợp nếu không linh động, việc đăng ký khai tử cũng trở nên khó khăn.

Lấy đâu ra chứng nhận?

Bị bệnh tim nên trong một chuyến bắt xe khách về Đồng Nai, bà H.T ở Đống Đa, Hà Nội đã đột quỵ và mất trước khi được đưa tới bệnh viện. Tuy nhiên, khi làm thủ tục khai tử, cán bộ tư pháp yêu cầu người nhà phải lấy biên bản xác nhận của chủ phương tiện giao thông, có ít nhất chữ ký của hai hành khách đi cùng trên chuyến xe đó. Không nhớ biển số cũng như các đặc điểm của xe, trong khi hành khách sau khi xe về bến đã “mỗi người một ngả”, gia đình bà T. không biết làm cách nào để có được cái biên bản xác nhận việc chết này (theo quy định phải có biên bản thay cho Giấy báo tử mới được đăng ký khai tử).

Một trường hợp khác theo điểm k khoản 2 Điều 22 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP quy định: "Đối với người chết tại nhà ở nơi cư trú, thì văn bản xác nhận việc chết của người làm chứng thay cho giấy báo tử". Tuy nhiên, việc tìm người làm chứng trong nhiều trường hợp nhất là khai tử quá hạn cũng rất khó khăn. Nhiều trường hợp do người thân mất quá lâu, chính bản thân họ cũng không biết chính xác thời điểm chết. Bởi vậy, việc tìm người làm chứng để xác nhận việc chết đó gần như là không thể.

Hiện nay, nhiều người dân vẫn xem nhẹ việc đi đăng ký khai tử cho người thân. Ở những vùng sâu, vùng sông nước, vùng vạn đò, thực tế không đăng ký khai tử còn rất phổ biến. Tuy nhiên trong những trường hợp cần thiết phải cần đến giấy khai tử để chia thừa kế, hưởng các chế độ chính sách (xem bài ra ngày 22/10 trên Pháp luật Việt Nam) thì việc làm này mới thực sự có ý nghĩa. Nhiều người vì không xác định được thời điểm chết của người thân mình nên có nguy cơ mất quyền lợi.

Tạo thuận lợi tối đa cho dân

Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu, Trưởng Văn phòng Luật sư Bảo Châu và cộng sự cho rằng, trong những trường hợp nếu có giấy tờ hợp pháp chứng minh việc chết, hoặc cán bộ tư pháp biết rõ mười mươi việc chết đó thì không cần phải có người làm chứng.

Tuy nhiên, bà Châu cũng cho rằng, việc xác định thời điểm chết trong nhiều trường hợp là rất quan trọng. Nếu cán bộ tư pháp làm ẩu sẽ “sai một ly đi một dặm”, nhất là trong những vụ kiện về chia thừa kế. Cho nên, phải đề cao trách nhiệm của cán bộ Tư pháp.

Trong điều kiện ở nhiều vùng nhân thức của người dân về đăng ký hộ tịch còn hạn chế thì cán bộ Tư pháp cần chủ động trong việc phối hợp với thôn, xóm, tổ dân phố tổ chức đăng ký khai tử cho người chết. Những người có thẩm quyền như Giám đốc bệnh viện, Trại giam, người đứng đầu cơ sở giáo dưỡng, UB cấp xã…cần chủ động trong việc cấp giấy báo tử cho người thân của người chết và giải thích, hướng dẫn họ đi đăng ký khai tử.

Thủ tục đăng ký khai tử

1. Người đi khai tử phải nộp Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay cho Giấy báo tử theo quy định tại Điều 22 của Nghị định này.

2. Sau khi kiểm tra các giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký khai tử và Giấy chứng tử, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người đi khai tử một bản chính Giấy chứng tử. Bản sao Giấy chứng tử được cấp theo yêu cầu của người đi khai tử.

(Điều 21 Nghị định 158/CP về đăng ký và quản lý hộ tịch)

Việt Hòa

Đọc thêm