Biên giới huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) mùa này ngút ngàn một màu xanh trùng điệp, từ đỉnh Cao Ba Lanh uy nghi, linh thiêng, tỏa xuống các khu rừng quế, hồi đặc sản, đến ruộng bậc thang lúa lên xanh mướt, xen lẫn với những vạt dong riềng mơn mởn... Nhưng có lẽ ấn tượng hơn cả là rặng thông, tre đang vươn mình dọc các bãi sông, suối biên giới hiền hòa. Các búp tre mạnh mẽ đầy sức sống như ý chí kiên cường của đồng bào các dân tộc Bình Liêu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ biên giới quê hương giàu mạnh.
Đảng trong lòng dân
64 hộ đồng bào Dao ở bản Phai Lầu (xã Đồng Văn) đang náo nức đón chào Tết cổ truyền Nguyên Đán. Những quẩy lá dong, nếp nương thơm phức đã sẵn sàng cho các nồi bánh chưng sắp đỏ lửa trong mỗi gia đình. Theo trưởng bản Tằng Văn Phúc, Tết năm nay có ý nghĩa đặc biệt đối với bà con bởi hai lẽ: Thứ nhất, đường biên giới đã được phân định rõ ràng sau bao nhiêu năm kiên trì đấu tranh, bảo vệ. Thứ hai, 11 hộ trong bản được đón Tết trong những căn nhà “Đại đoàn kết” khang trang. “Cám ơn Đảng, ơn bộ đội đã cho chúng tôi cuộc sống hôm nay”- Trưởng bản Phúc xúc động.
|
Cán bộ vận động quần chúng ở Đồn biên phòng cửa khẩu Hoành Mô |
Với nỗ lực của người dân và sự giúp đỡ của những người lính quân hàm xanh đồn BP Hoành Mô, bản Phai Lầu không còn lo cái đói nữa. Tết năm nay, nhiều nhà trong bản còn sắm được cả tivi, xe máy. Đến thăm gia đình chị Phồn Pẩu Dẩu, tôi mới cảm nhận hết niềm vui những người nghèo ở bản Phai Lầu. Một năm sau khi dọn vào ngôi nhà mới vững chãi do BĐBP xây tặng, cuộc sống của hai vợ chồng cùng 5 người con đã có nhiều thay đổi.
Chị kể: “Thoát khỏi căn lều trình đất, dột nát, vợ chồng yên tâm, tập trung lo phát triển sản xuất, vay vốn chăn nuôi, trồng dong riềng. Thu nhập từ cây dong riềng và đàn lợn đảm bảo cho cả nhà có cái ăn, cái mặc và các cháu được theo học đầy đủ”.
Gia đình chị Dẩu là một trong số gần 40 hộ nghèo ở Bình Liêu được nhận nhà Đại đoàn kết do cán bộ, chiến sĩ đồn BP Hoành Mô chủ trì cùng với các đơn vị biên phòng Quảng Ninh và nhân dân địa phương xây dựng trong cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”.
Trung tá Vũ Duy Ba, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên đồn BP Hoành Mô cho biết: Trong quá trình làm nhà cho bà con, anh em đã kết hợp tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho người dân, xây dựng nếp sống mới cho các bản đồng bào dân tộc. Qua đó, làm thay đổi tư duy, nhận thức về phương thức sản xuất cho bà con. Những tập tục lạc hậu trước kia như: không có nhà vệ sinh, nuôi gia súc gần nhà đã được loại bỏ. Người dân các bản giáp biên đã tích cực khai hoang, phục hoá, làm ruộng bậc thang, ứng dụng hiệu quả mô hình VACR vào đồng ruộng.
Trên biên giới Bình Liêu, đội ngũ cán bộ tăng cường giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy tại 6 xã biên giới (Vô Ngại, Tình Húc, Lục Hồn, Đồng Tâm, Hoành Mô, Đồng Văn) của đồn BP Hoành Mô trở thành những tấm gương đảng viên làm kinh tế giỏi. Tiêu biểu là Thiếu tá Trương Hồng Quân, cán bộ biên phòng tăng cường xã Lục Hồn, người đầu tiên đưa giống ngô mới lên trồng thí điểm ở bản Ngàn Cầm, sau đó nhân rộng trong toàn huyện. Nhờ trồng ngô, nhiều gia đình đã thoát nghèo, có hộ thu nhập tới 100 triệu đồng/năm như: ông Duy Quang Phú ở xã Đồng Tâm, ông Lương Vương ở xã Tình Húc...
Chị Tằng Nhì Mùi, Hội phụ nữ xã Đồng Văn hồ hởi khoe: “Nhà mình và nhiều chị em khác thoát nghèo rồi. Bà con gửi trọn niềm tin vào Đảng qua các anh BĐBP đang ngày đêm “bốn cùng” với bản làng, giúp chúng tôi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình. Đời sống đã ổn định, đồng bào đã biết quý đất, quý rừng và gắn bó với mảnh đất biên cương Tổ quốc. Đồng bào không còn đốt rừng, khai phá tài nguyên bừa bãi hoặc tiếp tay cho bọn buôn lậu vận chuyển hàng hóa qua biên giới. Nhiều gia đình đi làm thuê tại nơi xa đã dần trở về quê hương bản quán, ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất”.
Lòng dân biên giới thêm sắt son với Đảng khi chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ tại Khu Kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Hoành Mô - Đồng Văn, làm thay đổi diện mạo vùng dân cư biên giới gồm 23 thôn, bản với 6.830 người (chiếm 24,4% dân số huyện Bình Liêu). Với 35 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, năm 2010, tổng kim ngạch XNK qua cửa khẩu Hoành Mô đạt trên 25 triệu USD. Hoạt động dịch vụ thương mại nội địa cũng đã được mở rộng, nâng cấp theo mô hình gắn các điểm dân cư với hệ thống 2 chợ trung tâm tại Hoành Mô và Đồng Văn. Từ một khu vực với hộ đói nghèo chiếm đại đa số thì nay về cơ bản không còn hộ đói, số hộ nghèo chiếm khoảng 20%.
Cho đến thời điểm hiện tại, trong KKTCK có 22 dự án đầu tư với tổng số vốn 252 tỷ đồng, bao gồm các dự án về giao thông, trường học, y tế, chợ, thuỷ lợi, nhà công sở, công trình cấp nước. Từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, 15 thôn bản trong KKTCK đã có đường ô tô đến trung tâm; đường giao thông liên xã được thảm nhựa. 70% dân số được sử dụng hệ thống lưới điện quốc gia; 64% số hộ được sử dụng nước sạch; trên 200km kênh mương được kiên cố hoá, đảm bảo tưới tiêu cho 85% diện tích gieo trồng.
Lũy thép lòng dân
Tôi còn nhớ buổi lễ phát động trồng tre bảo vệ biên giới do đồn BPCK Hoành Mô tổ chức tại bãi Phai Lầu 1 và Phai Lầu 2 cách đây 3 tháng. Buổi lễ đã thực sự là ngày hội của huyện Bình Liêu biểu dương sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Chỉ trong một buổi sáng, hơn 100 khóm tre đã được cán bộ, nhân dân và học sinh trồng kín các điểm dễ bị sạt lở dọc suối biên giới Phai Lầu.
Hôm nay, những khóm tre ở Phai Lầu đã vươn cao vững vàng nơi phên dậu. Hơn thế nữa. quân dân huyện Bình Liêu còn trồng thêm được 500 khóm tre và hàng nghìn cây thông, cây keo tại nhiều điểm trên biên giới. Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Hướng khẳng định: “Đây là cách làm đầy sáng tạo của đồn BP Hoành Mô trong giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trên địa bàn đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia trong tình hình mới và xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển”.
Thật bất ngờ, người đề xuất ý tưởng trồng tre bảo vệ biên giới là Trưởng bản Tằng Văn Phúc thuộc lớp đảng viên trẻ người Dao đầu tiên ở Phai Lầu. Hơn chục năm sát cánh cùng BĐBP vận động bà con bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới, anh Phúc nắm rõ từng dấu hiệu đường biên giới thuộc địa bàn bản mình. Tuy nhiên, trên khu vực bãi suối Phai Lầu sau mỗi mùa lũ lại bị xói mòn, nhất là những đoạn bên kia xây kè làm thay đổi dòng chảy trên suối biên giới. Kiến nghị của trưởng bản Phúc lập tức được cấp ủy, chỉ huy đồn BP Hoành Mô tiếp thu và xây dựng thành kế hoạch trồng tre bảo vệ biên giới.
Theo Thượng tá, Đồn trưởng Đỗ Ngọc Điệp, trên 42,778km đường biên giới đơn vị quản lý đi qua nhiều sông suối phức tạp, nhiều khu vực nhạy cảm dễ bị mất dấu do tác động của thiên nhiên, địa hình và con người. Đồn đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND huyện Bình Liêu vận động nhân dân các xã đẩy mạnh trồng cây xanh dọc đường hành lang biên giới, nhất là khu vực đầu nguồn sông Tiên Yên và các sông, suối biên giới. Việc đưa Nghị định thư phân giới cắm mốc (PGCM) biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc và các Hiệp định liên quan (chính thức có hiệu lực từ ngày 14-7-2010) vào cuộc sống, mở ra cơ hội mới cho công cuộc phát triển của các xã biên giới huyện Bình Liêu với khu Phòng Thành (Quảng Tây, Trung Quốc) mở rộng hợp tác, phát triển kinh tế, tăng cường giao lưu hữu nghị.
Niềm tin về đường biên giới hữu nghị, ổn định lâu dài chính là động lực giúp đồn BP Hoành Mô và huyện Bình Liêu tiếp tục duy trì các đội tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc tại các xã biên giới và tổ chức cho nhân dân tại 25 bản giáp biên ký cam kết thực hiện phong trào “quần chúng tự quản đường biên cột mốc và giữ gìn ANTT xóm, bản biên giới”.
Trung úy Nguyễn Kiến Hùng, Đội trưởng VĐQC Văn Đạt là người suốt 3 năm qua lăn lộn tại các bản giáp biên, củng cố cơ sở chính trị và xây dựng các điểm sáng kinh tế- văn hóa- xã hội. Gặp Đạt và các chiến sĩ đội vận đồng quần chúng đang khảo sát tại bản Bắc Phe (xã Lục Hồn) để giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng điểm sáng toàn diện trên biên giới. Anh cho biết: “Sự tin tưởng của đồng bào 6 dân tộc anh em trên phên dậu Bình Liêu vào sự lãnh đạo của Đảng, vào tương lai tươi sáng của đất nước ngày càng được củng cố, tạo ra các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, hướng tới thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng”.
Không ồn ào, tấp nập như ở cuộc sống ở miền xuôi, nhưng tiếng nô đùa hồn nhiên, ngộ nghĩnh của các em nhỏ tại các điểm trường tiểu học, tiếng mõ trâu lốc cốc xuống núi, điệu Then thật thanh bình vọng về từ những phiến đá thần ở núi Cao Ba Lanh thiêng liêng và những chàng trai, cô gái người Dao, người Sán Dìu, Sán Chỉ trên đường đi làm nương về, như làm trỗi dậy sức sống mới trên biên giới Bình Liêu.
Nguồn: Báo Biên Phòng