Đằng sau vụ phá sản của Air Berlin

(PLO) -Sau gần 1 tháng đệ đơn xin phá sản do làm ăn thua lỗ, ngày 11-9, hãng hàng không Air Berlin thông báo, các chuyến bay của Air Berlin từ thành phố Berlin và Duesseldorf đến các thành phố của Mỹ và các nước vùng Caribe sẽ ngừng hoạt động kể từ ngày 25-9.
Hãng hàng không lớn thứ 2 của Đức Air Berlin
Hãng hàng không lớn thứ 2 của Đức Air Berlin

Việc tiếp tục cắt bỏ thêm nhiều tuyến bay đường dài nhằm giảm quy mô đội bay và chi phí hoạt động trong thời gian tìm kiếm nhà đầu tư mới của hãng hàng không Air Berlin được dư luận và giới chuyên môn quan tâm. 

Bởi Chính phủ Đức từng tuyên bố, cấp cho Air Berlin khoản tín dụng khẩn cấp trị giá 150 triệu euro để duy trì các chuyến bay theo kế hoạch đến cuối tháng 11-2017. Trong tuyên bố đưa ra ngày 15-8, hãng hàng không Air Berlin cho biết, đã nộp đơn xin phá sản lên tòa án Berlin - Charlottenburg do làm ăn thua lỗ triền miên.

Ngay sau khi Air Berlin nộp đơn xin bảo hộ phá sản, Chính phủ Đức đã quyết định hỗ trợ khoản tín dụng 150 triệu euro để hãng này duy trì hoạt động trong vòng 3 tháng. Khoản vay này giúp bảo vệ tạm thời công ăn việc làm của hơn 7.200 nhân viên Air Berlin.

Bộ trưởng Kinh tế Brigitte Zypries đã phản bác lại những chỉ trích của lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Đức (FDP), ông Christian Lindner, liên quan đến khoản tín dụng 150 triệu euro dành cho Air Berlin. Theo bà Brigitte Zypries, chính phủ đã hành động nhanh chóng và dứt khoát để giải quyết khủng hoảng và những chỉ trích của ông Christian Lindner là “quá gay gắt và vô căn cứ”.

Bởi việc tuyên bố phá sản của Air Berlin sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động vận tải hàng không ở Đức, nhất là đối với những hành khách đã đặt vé trước. Và đó là một trong những lý do chính khiến Chính phủ Đức phải cấp cho Air Berlin khoản tín dụng khẩn cấp kể trên.

Đây là cái kết buồn đối với hãng hàng không danh tiếng một thời như Air Berlin. Giới chuyên gia cho rằng, Air Berlin không thể thắng trong cuộc cạnh tranh với các hãng hàng không giá rẻ ở Đức và nước ngoài. Giới kinh doanh cho rằng, tình hình kinh doanh của Air Berlin bắt đầu đi xuống từ năm 2008 và thảm hại nhất là 2 năm qua, khi thua lỗ 447 triệu euro trong năm 2015 và 780 triệu euro năm 2016, khiến hàng hãng không này phải gánh khoản thua lỗ hơn 1,2 tỷ euro.

Máy bay của Hãng hàng không Air Berlin tại sân bay ở Berlin
Máy bay của Hãng hàng không Air Berlin tại sân bay ở Berlin

Theo giới chuyên môn, 1 năm trước (tháng 9-2016), Air Berlin bắt đầu thực hiện kế hoạch tái cơ cấu với việc cắt giảm đội bay từ 144 máy bay xuống còn 75 chiếc, đồng thời cắt giảm 1.200 nhân sự trong tổng số 8.600 nhân viên nhằm tiết giảm tối đa chi phí, nhưng vẫn không cứu vãn được tình thế.

Đưa ra tuyên bố phá sản sau khi Etihad Airways ngừng rót vốn được coi là nguyên nhân trực tiếp khiến Air Berlin có thảm cảnh hiện nay, nhưng giới chuyên môn lại có nhận định khác. Bởi theo họ nguyên nhân sâu xa và quan trọng nhất đến từ việc Air Berlin không thế cạnh tranh với Lufthansa và đặc biệt là các hãng hàng không giá rẻ ở châu Âu như Ryanair, EasyJet…

Và khi Air Berlin bị đẩy tới đường cùng cũng là lúc Lufthansa lộ rõ ý đồ sáp nhập khi tuyên bố sẵn sàng đàm phán để mua cổ phần của hãng hàng không lớn thứ hai nước Đức. Theo giới truyền thông, hãng hàng không số 1 của Đức là Lufthansa đã thông báo muốn tiếp nhận một phần Air Berlin và đang trong quá trình đàm phán.

Giới chuyên gia nhận định, việc thâu tóm tài sản của Air Berlin sẽ giúp Lufthansa củng cố vị thế của mình tại thị trường trong nước, tăng sức cạnh tranh đối với đối thủ là các hãng hàng không giá rẻ đến từ nước ngoài. 

Ngày 13-9, Air Berlin tiếp tục phải hủy thêm hơn 30 chuyến bay sau khi 150 phi công vẫn cáo ốm. Trước đó (12-9), Air Berlin thông báo, nhiều sân bay ở Đức như Berlin Tegel, Dueseldorf, Hamburd và Cologne đã phải hủy bay khi phi công đồng loạt cáo ốm. 

Theo giới truyền thông, ở thời hoàng kim, Air Berlin từng có đội máy bay hơn 150 chiếc và khoảng 10.000 nhân viên trên khắp thế giới, nhưng ngày 15-8, hãng hàng không lớn thứ hai của Đức, và thứ sáu ở châu Âu, đã phải nộp đơn xin phá sản sau khi cổ đông chính của họ là Etihad Airways tuyên bố không tiếp tục hỗ trợ thêm bất kỳ nguồn tài chính nào. Ban lãnh đạo Etihad Airways (nắm 29% cổ phần của Air Berlin) đã bày tỏ sự thất vọng trước chiến lược phát triển kinh doanh của Air Berlin nên đã quyết định rút lui. 

Đọc thêm