Dành thời gian cho cha mẹ, không chỉ ở những ngày Tết!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngày cận Tết, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19, trên các diễn đàn lại nổ ra tranh cãi xung quanh việc có nên về quê ăn Tết? Có người cho rằng Tết phải về quây quần với cha mẹ, người thì cho rằng không nhất thiết phải về quê, bởi con cái có hiếu không chờ Tết mới về thăm cha mẹ.
(ảnh minh họa).
(ảnh minh họa).

Tết xa quê vì dịch

Khoảng hơn một tuần trước Tết Dương lịch, Phương nhận được tin nhắn của mẹ: “Năm nay có về được không con?”. Đọc đi đọc lại tin nhắn mà cô không biết nhắn lại như tế nào. Bởi kế hoạch của cô là ở lại TP Hồ Chí Minh chứ không về quê ở Phú Thọ đến Tết được. Mãi đến ngày hôm sau, cô mới gọi điện trực tiếp nói chuyện, giải thích lý do không thể về.

Hiện tại, số ca nhiễm ở cả TP Hồ Chí Minh lẫn quê của Phương đều có xu hướng tăng. Tình hình dịch kéo dài, có thể phức tạp hơn trong thời gian tới khi dòng người từ các thành phố lớn về quê vào kỳ nghỉ lễ cuối năm. Phương cũng lo lắng rằng mình có thể nhiễm COVID-19 bất cứ lúc nào và khi trở về quê, cô sẽ làm ảnh hưởng đến cha mẹ và những người thân của mình. Hơn nữa, thời gian nghỉ lễ hơn một tuần cũng gây khó khăn nếu cô phải cách ly từ 7-14 ngày khi trở về nhà.

Ngoài ra, điều khiến Phương lo lắng nhất là nếu dịch bệnh ở quê bùng phát nghiêm trọng hơn cô sẽ bị mắc kẹt, không thể trở lại với công việc sau kỳ nghỉ Tết.

“Nếu năm nay ở lại TP Hồ Chí Minh thì đây là năm thứ 2 liên tiếp mình không thể về quê đón Tết cùng gia đình”, Phương chia sẻ.

Sợ con gái ở lại thành phố một mình, nhớ nhà ngày Tết, mẹ cô dự định gửi một số thức ăn, quà quê như bánh chưng, thịt, dưa củ muối, thịt chua… để con dùng trong hơn một tuần nghỉ lễ, cũng mong con cái ở xa không thiếu thứ gì, đặc biệt trong những ngày như lễ Tết.

Tương tự Phương, Mai Trang ( quê Tuyên Quang), hiện đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh, cũng quyết định không về quê đón Tết năm nay. Nghĩ rằng con gái ngại về vì năm nay khó khăn tiền bạc, lần nào gọi điện mẹ cô cũng nói khéo “Chỉ cần con về là vui rồi, về mẹ lo hết, lúc nào đi mẹ đưa thêm tiền cho”.

Thế nhưng công ty cho nghỉ 9 ngày thôi, về nhà cách ly 7 ngày cũng coi như đã hết lễ. Trong khi đó dịch đang phức tạp, Trang sợ có vấn đề gì sẽ khó quay lại TP Hồ Chí Minh kịp làm việc. Công việc của cô là làm quản lý nên nếu không đi làm sẽ ảnh hưởng tới nhiều người.

Từ Tết Dương lịch, Trag đã mua sắm một số quần áo, đặc sản để gửi xe khách về tặng bố mẹ và anh chị. Cô dự định đợi ra Tết, tình hình dịch đỡ căng thẳng hơn sẽ xin nghỉ phép để thoải mái về thăm nhà.

Báo hiếu cha mẹ không phải không chờ Tết mới về

Cũng là người con xa quê lâu năm, anh Minh Tuấn đang sinh sống tại Nha Trang, quê Thanh Hóa cho biết, khoảng cách xa là một trở ngại không nhỏ với gia đình anh mỗi khi có ý định về thăm nhà. Những năm trước đây, không phải năm nào anh cũng về ăn Tết với gia đình.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới quyết định đó của gia đình anh: có năm là do tính chất công việc phải làm xuyên Tết, có năm là do không kịp mua vé tàu xe để hồi hương, cũng có năm do điều kiện kinh tế khó khăn nên gia đình anh cân nhắc ở lại để tiết kiệm...

“Thực tâm, nếu hỏi bất cứ người con xa quê nào rằng có muốn sum họp với gia đình để đón Tết không? Tôi dám chắc gần như tất cả đều nói "có". Nhưng mong ước và hoàn cảnh thực tế lại hoàn toàn khác nhau. Bản thân tôi cũng vô cùng trân quý những giây phút hiếm hoi được ở bên cha mẹ.

Thế nhưng, thay vì phải dành ra số tiền gấp hai, ba lần ngày thường để mua vé tàu, xe; chen lấn, xô đẩy, giành giật từng chỗ ngồi; vất vả tay xách nách mang mỗi khi Tết đến... tôi chọn cách sắp xếp thời gian nghỉ phép trong năm, thong thả về thăm nhà những dịp không phải lễ Tết”, anh Tuấn cho hay.

Theo anh Tuấn tính toán, với số tiền bỏ ra để về đúng dịp Tết, anh sẽ có thể về được đôi ba lần nhỏ trong năm. Như vậy, gia đình anh lại có thể thường xuyên thăm nom cha mẹ hơn thay vì cả năm mới gặp một lần. Và hơn hết, cha mẹ không phải xót xa khi nhìn đứa con vất vả cả năm trời ở nơi xa xôi, nay lại hớt hơ hớt hải về ăn Tết mà như đánh trận. Với anh, bữa ăn nào bên cha mẹ cũng đều ấm cúng, thiêng liêng cả, chứ chẳng riêng gì tối 30 Tết, bất cứ khi nào con cháu về thì với cha mẹ cũng sẽ là Tết.

Còn chị Ngọc Hương cho biết, vợ chồng chị hiện cũng có thu nhập trên dưới 50 triệu mỗi tháng. Tuy nhiên, gia đình chị thường không về ăn Tết ngay mà ở lại Hà Nội để tận hưởng những ngày Tết yên ắng, khác xa với sự ồn ã ngày thường. Sau đó, khoảng mồng ba, gia đình mới về quê vì lúc đó đi lại thoải mái, giá lại rẻ hơn. Khoản tiền tiết kiệm so với về trước Tết dành thêm biếu bố mẹ được nhiều hơn.

Anh Ngọc Hùng lại có quan điểm khác, vợ chồng anh ở Sài Gòn, mỗi năm thu nhập khoảng hơn một tỷ đồng, đã có hai căn nhà ở thành phố. Anh quê miền Trung, vợ người miền Bắc. Mỗi lần Tết đến, về quê hai bên, tiền vé và chi tiêu hết khoảng cỡ 70 - 80 triệu đồng, có năm vé đắt còn mất khoảng 100 triệu để cả gia đình về hai quê, mà việc đi lại rất vất vả mà gia đình gặp nhau cũng không nói chuyện, chia sẻ được nhiều.

Năm nay một phần ảnh hưởng của dịch, một phần anh đã có tính toán khác, không về Tết nữa. Theo đó, số tiền để dành về quê ăn Tết, anh sẽ dành để đặt vé đưa ông bà hai bên nội ngoại đi chơi vào dịp hè. Ông bà được đi chơi, ở resort 5 sao mà trước giờ không được ở, lại vừa được gần gũi con cháu. Dịp Tết này, nhà anh dành biếu ông bà vài chục triệu, còn lại để vợ chồng đi du lịch coi như dịp nghỉ xả stress.

Còn trong năm, được nghỉ lễ hoặc dịp nghỉ phép, anh sẽ sắp xếp xin nghỉ thêm vài ngày nữa để về quê chơi. Theo anh Hùng, phương án này giải quyết được hài hòa các vấn đề. Gia đình anh vẫn được về quê hàng năm gặp gia đình, được đưa ông bà đi chơi đó đây thay vì suốt ngày quê với ruộng còn cuối năm vẫn có quà cáp biếu ông bà.

Theo quan niệm lâu đời nay, Tết là dịp để gia đình sum vầy nhưng khi cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi, thì quan điểm này cũng được suy nghĩ khác đi. Xét cho cùng, với các bậc cha mẹ, mỗi khi con cái về quê thì đã là Tết rồi. Vì thế, hãy dành nhiều thời gian để về bên cha mẹ khi có thể, không nhất thiết là ngày Tết.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống người dân trên toàn thế giới trong 2 năm qua. Do đó, điều quan trọng nhất là giúp mọi người có thể giữ được niềm vui ngày Tết bên gia đình, mà vẫn đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bản thân và cộng đồng là làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19. Chúng ta cần thích ứng hiệu quả với hoàn cảnh, không chỉ là văn hóa, mà còn thể hiện trách nhiệm đối với sự phát triển của đất nước. Khi dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, thì tất cả vẫn phải cảnh giác cao độ.

Đọc thêm