"Đánh vào túi tiền" chưa đủ "lực" để chặn ngoại tình?

Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp, trong đó đề xuất phạt tiền người đang có vợ hoặc có chồng mà kết hôn, chung sống với người khác…, mức cao nhất 1 triệu đồng. Dù hành vi ngoại tình luôn bị lên án, nhưng dư luận xã hội lại không nhất trí với mức phạt này. Phải chăng lý do là nó quá thấp?.

Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp, trong đó đề xuất phạt tiền người đang có vợ hoặc có chồng mà kết hôn, chung sống với người khác…, mức cao nhất 1 triệu đồng. Dù hành vi ngoại tình luôn bị lên án, nhưng dư luận xã hội lại không nhất trí với mức phạt này. Phải chăng lý do là nó quá thấp?.

"Đánh vào ví tiền chưa đủ"

Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan chức năng cho rằng mức phạt hiện hành thấp (áp dụng theo Nghị định 87/2001/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân gia đình ban hành năm 2001, mức phạt tương ứng với các hành vi nêu trên là 100.000- 500.000 đồng), chưa đủ mức răn đe nên cần thiết phải tăng nặng.

Dự thảo Nghị định đã được xây dựng theo hướng, người đã có gia đình mà chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 1.000.000 đồng. Mức phạt này cũng áp dụng với người chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn, chung sống với người mà mình biết rõ là đang có vợ/chồng nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài phạt tiền, dự thảo còn buộc người vi phạm phải chấm dứt các quan hệ hôn nhân trái pháp luật.

Ngay sau khi dự thảo được đưa ra lấy ý kiến, nhiều luồng dư luận đã hình thành. Các luật gia và cán bộ làm công tác gia đình thì cho rằng, phạt bao nhiêu cũng bằng thừa, vì hậu quả của ngoại tình không thể chỉ nhìn nhận dưới mỗi góc độ kinh tế.

Theo Luật Hình sự, tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (ngoại tình) có thể bị phạt tù, tối đa đến ba năm. Tuy nhiên, để thực hiện chế tài này cũng có một số điều kiện nhất định như: gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm; đã có quyết định của Tòa án tiêu hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Nhưng trong thực tế, việc thực thi điều luật này không nhiều, trong đó nguyên nhân chủ yếu là không chứng minh được hậu quả nghiêm trọng do hành vi ngoại tình gây ra.

Còn với số đông người dân trong xã hội, dù lên án hành vi ngoại tình nhưng họ lại không nhất trí với mức phạt này. Lý do là nó quá thấp, so với những thiệt hại về tinh thần và vật chất do hành vi ngoại tình gây ra cho hạnh phúc gia đình, cũng như sự bình yên của xã hội.

Không nên bình luận về mức phạt cao hay thấp

Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, ông Hoa Hữu Vân – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VH-TT&DL đã nêu quan điểm của mình như trên. Theo ông Vân, việc xử phạt thế nào, mức tiền bao nhiêu tất nhiên là phải tuân theo pháp luật về xử phạt hành chính, chứ không thể "muốn cao là cao, muốn thấp là thấp".

Tuy nhiên, ông Vân cũng cho rằng, hậu quả việc ngoại tình để lại không thể đo đếm bằng con số, hay tiền bạc. Và, tất nhiên là nó tệ hại hơn mức tiền phạt một triệu đồng nhiều lần.

Đã có nhiều năm lăn lộn với công tác gia đình ở tỉnh Hải Dương, bà Nguyễn Hà Phương - Phó Trưởng phòng Nếp sống văn hóa gia đình, Sở VH-TT&DL cho rằng việc nâng mức phạt nên cao hơn quy định trong NĐ 87 là đúng, vì tính theo mức phát triển của cuộc sống số tiền đó giờ đã ít giá trị.

Tuy nhiên, cũng giống như ông Hoa Hữu Vân, bà Phương rất băn khoăn việc làm thế nào để phạt, vì để phát hiện được ngoại tình đã quá khó, nói gì đến phạt. Kể từ khi NĐ 87 có hiệu lực, trên địa bàn tỉnh Hải Dương chưa có vụ xử phạt vi phạm hành chính nào liên quan đến ngoại tình.

“Người đi phạt phải có nghiệp vụ như thế nào, chiêu thức gì chứ có phải lúc nào cũng đi rình người ta, chứng minh ngoại tình rồi phạt đâu. Nhất là thời buổi bây giờ nhà nghỉ mọc lên san sát, phương tiện thông tin thuận lợi, họ ngoại tình giấu diếm với nhau thế nào, có khi vợ/ chồng cũng chẳng hay nữa là mình”, bà Phương nhận định.     

Từ thực tiễn công việc của mình, bà Nguyễn Hà Phương cho rằng không nên đặt vấn đề phạt nhiều hay ít, phạt hay không phạt, mà giải pháp chính là tuyên truyền trang bị kiến thức cho phụ nữ/đàn ông để họ biết gìn giữ hạnh phúc gia đình,  không “đẩy” đối tác của mình đi ngoại tình. Bởi ngoại tình là vấn đề phần nhiều do tư tưởng, tình cảm quyết định.  

Hồng Minh

Đọc thêm