Làng nghệ thuật ca trù xứ Bắc trong mấy năm gần đây không còn xa lạ với cái tên Nguyễn Huệ Phương, 11 tuổi. Bắt đầu đi diễn từ năm mới 7 tuổi đến nay, Huệ Phương đã có bốn năm gắn bó với nghề “làm dâu trăm họ”.
|
"Đào nương" nhí Nguyễn Huệ Phương |
“Con nhà tông...” Nguyễn Huệ Phương vừa tròn 11 tuổi (em sinh ngày 25/11/2000), đang học lớp 5D trường Tiểu học Kim Đồng (Quận Ba Đình). Phương tham gia câu lạc bộ (CLB) ca trù Thăng Long ngay từ khi còn chưa mấy người biết đến. Huệ Phương là thành viên nhỏ tuổi nhất và cũng là “đào nhí” nhỏ nhất trong môn nghệ thuật ca trù vốn rất khó tính này. Thường hay xuất hiện trong các gánh hát là những cụ ông, cụ bà “bóng đã xế chiều”. Nhưng với niềm đam mê, Huệ Phương đã mang đến cho ca trù những nét mới mẻ và gần gũi hơn với mọi lứa tuổi. Mẹ của Huệ Phương là Đào nương Phạm Thị Huệ (Chủ nhiệm CLB ca trù Thăng Long). May mắn có được điểm tựa vững chắc ấy, Phương đã có được cơ hội tiếp xúc với ca trù từ nhỏ. Ngay từ 6 tuổi em đã cùng mẹ lặn lội về nhà nghệ nhân Ngyễn Thị Chúc (80 tuổi cách Hà Nội hơn 40km) xin theo học ca trù. Sau nhiều tháng kiên trì, không ngại khó khăn Huệ Phương đã lần đầu tiên hát được bài “Hồng tuyết”. Dưới sự dìu dắt của cụ Chúc và mẹ Huệ, một năm sau Huệ Phương đã có những thành quả không nhỏ trên sân khấu ca trù. Huệ Phương nhớ lại buổi biểu diễn sinh hoạt đầu tháng của CLB ca trù Thăng Long tại Kim Mã (mùa đông 2006) em chia sẻ: “Buổi đầu tiên được biểu diễn chính thức em thấy lo lắng và hồi hộp lắm. Nhưng rồi cũng được mọi người hoan nghênh. Thật vui và đáng nhớ”.
|
Những thành công nhỏ Năm 2007 đánh dấu những bước trưởng thành đáng kể của Huệ Phương. Ca trù ngày càng nhận được sự quan tâm từ cộng đồng hơn nên Huệ Phương có nhiều cơ hội đi biểu diễn trong những chương trình lớn nhằm quảng bá và tôn vinh ca trù. Như chương trình Liên hoan các câu lạc bộ ca trù toàn quốc, Đàn và hát nhạc dân ca thiếu nhi, Thành cổ Hà Nội, Tôn vinh ca trù nhân dịp ca trù được công nhận di sản phi vật thể thế giới... Vừa qua trong Liên hoan “Thanh thiếu nhi hát dân ca và biểu diễn nhạc cụ dân tộc” lần thứ IV của TP Hà Nội em cùng các ca nương trẻ đã đem về cho CLB Thăng Long giải 2 và 3 với tiết mục Hát nói Nu Na Nu Nống và Múa hát bỏ bộ. Không chỉ biểu diễn tại thành phố Hà Nội, Huệ Phương đã được đi đến nhiều vùng đất để quảng bá ca trù. Ấn tượng nhất là các chuyến đi về Thái Bình (năm 2007) Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... Mỗi lần đi biểu diễn dù vất vả nhưng em vẫn cảm thấy vui và đầy ý nghĩa. Huệ Phương tâm sự: “Em muốn nhiều người biết và yêu thích ca trù. Em chỉ cần hôm nào đi biểu diễn có nhiều khán giả là vui lắm. Đặc biệt lần biểu diễn cho các anh chị sinh viên ở KTX Mễ Trì- trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, có rất nhiều anh chị sinh viên. Hôm đó em cảm thấy mình hát tốt hơn mọi khi”. Bạn Chu Thị Loan (sinh viên trường ĐH KHXH&NV) tham gia chương trình tại KTX Mễ Trì (thuộc ĐH KH Tự nhiên) cho biết: “Mình có xem ca trù một vài lần rồi nhưng chưa khi nào thấy có em bé mới 10 tuổi biểu diễn ca trù hay vậy. Thật sự ấn tượng”. Với một niềm đam mê âm nhạc truyền thống và thái độ học tập nghiêm túc nên Huệ Phương đã có khá nhiều kiến thức về ca trù với 11 bài từ bài “tương đối dễ” như Hồng tuyết hay bài khó như Cung bắc. Chỉ được dạy hát, song Huệ Phương còn tự học gõ phách, đánh trống chầu và múa ca trù. Muốn hát được ca trù đòi hỏi một sự luyện tập hết sức công phu và nghiêm túc. (Nhiều lời bài hát thường sử dụng bằng tiếng Hán Nôm). Nhưng với Huệ Phương học cũng không khó lắm. Chỉ cần yêu thích một chút và chăm chỉ vài ngày là học được ngay. Ngoài ra Huệ Phương còn là một học sinh giỏi văn của trường nên em thường góp vài bài văn, bài thơ nho nhỏ làm quà cho CLB biểu diễn.
|
Huệ Phương trong một lần biểu diễn |
Dù phải bận học văn hóa nhưng Huệ Phương vẫn dành thời gian cho niềm đam mê của mình. Mỗi tháng em đều đặn tham gia hàng chục chương trình biểu diễn ca trù lớn bé. Nhờ vậy mà Huệ Phương đang trở thành một ngôi sao nhỏ tuổi sáng giá và hiếm hoi của ca trù. Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc nhận xét về cô học trò nhỏ của mình: “Con bé nhỏ mà sáng dạ lắm. Nó chỉ học vài ba ngày là thuộc hết cả một bài hát cổ khá dài. Chắc chắn càng lớn nó sẽ càng hát mặn mà hơn. Thật là may mắn quá khi có những đứa trẻ yêu ca trù. Như vậy, nguyện vọng giữ nghề của tôi có thể thành hiện thực rồi”.
Ca trù được vinh danh Ngày 16/4/2010, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra buổi lễ đón nhận bằng ghi danh dân ca quan họ Bắc Ninh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại và ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp do Bộ VH,TT&DL cùng ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức. Trước đó, hai di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam là quan họ và ca trù đã được UNESCO vinh danh tại kỳ họp lần thứ 4 của ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra tại Abu Dhabi - Thủ đô Tiểu vương quốc Arập thống nhất. Đây là lần thứ ba, giá trị truyền thống của Việt Nam được thế giới công nhận sau nhã nhạc Cung đình Huế và cồng chiêng Tây Nguyên. Bà Catherine Muller Martin, Trưởng đại diện UNESCO tại Hà Nội trao bằng ghi danh cho đại diện của di sản quan họ và ca trù Việt Nam. Đồng thời bà cũng nhấn mạnh đến các giá trị văn hóa nghệ thuật của Việt Nam đa dạng, phong phú, thuộc nhiều vùng miền đã làm nên bản sắc văn hóa của Việt Nam. Bà cũng hoan nghênh các nghệ nhân Việt Nam đã bảo đảm duy trì được nguồn lực để bảo vệ và phát huy nền dân ca đặc sắc này. Việc ủy ban Liên Chính phủ công nhận quan họ và ca trù của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới cũng là thúc đẩy hướng cộng đồng vào việc tài trợ để lưu giữ, phát huy nền văn hóa của nhân loại.
B.H
|
Theo Bích Thảo
GĐ&XH
GĐ&XH