Đội ngũ nhà giáo có vai trò quyết định đối với chất lượng giáo dục, nhưng làm sao để có được một đội ngũ nhà giáo có chất lượng vẫn là vấn đề khó khi khâu đào tạo giáo viên trong hệ thống các trường sư phạm đang còn nhiều bất cập.
“Đẻ” ra rồi… để đó
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện trong 133 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước, có 14 trường ĐHSP và 39 trường CĐSP. Ở các trường ĐHSP hiện có 4.490 giảng viên; trong đó: 5,2% có chức danh giáo sư, phó giáo sư; 13,7% có trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học và 48,7% có trình độ thạc sĩ.
|
Cần sớm xây dựng Chiến lược phát triển ngành Sư phạm |
Ở các trường CĐSP hiện có 3.543 giảng viên; trong đó: 0,07% có chức danh giáo sư, phó giáo sư; 0,93% có trình độ tiến sĩ và 36,89% có trình độ thạc sĩ. Nhưng trừ hai trường ĐHSP trọng điểm, tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư, có trình độ tiến sĩ của các trường ĐHSP và CĐSP đều thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của các trường ĐH, CĐ trong toàn hệ thống giáo dục ĐH cả nước.
Theo PGS TS Trần Hữu Tá, nguyên Chủ nhiệm Khoa Văn trường ĐHSP TP.HCM, cách đây ba thập kỷ, hệ thống các trường sư phạm được “đẻ” ra ào ạt thì đến nay số đông lâm vào tình trạng “suy dinh dưỡng” là vì việc “chăm nuôi” quá kém. Cơ sở, phòng ốc của nhiều trường CĐ sư phạm tồi tàn, trang thiết bị lạc hậu, đội ngũ giáo viên được tập hợp thiếu chọn lọc…
Ông Trần Xuân Nhĩ, phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập nêu thực tế hiện nay khâu đào tạo của các trường sư phạm có nhiều bất cập. Về mặt quản lý, chúng ta cần phải đưa ra tiêu chí để giáo viên đào tạo ra sao. Hiện nay, giáo viên học lý thuyết nhiều hơn thực hành. Đây chính là lỗi của khâu đào tạo. Bên cạnh đó, nguyên nhân không kém phần quan trọng là “đầu vào” của ngành sư phạm trong mùa tuyển sinh năm nay vẫn tiếp tục thấp thê thảm, thậm chí có những thí sinh trúng tuyển nhưng có môn chỉ đạt 1 điểm…
Không thể thiếu thầy giỏi
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ kiến nghị: Việc cho phép các cơ sở giáo dục ĐH được mở mã ngành đào tạo chưa thực sự xuất phát từ nghiên cứu, khảo sát nhu cầu nhân lực giáo dục. Thời gian tới phải tiếp tục nghiên cứu mô hình trường hoặc khoa sư phạm cho giai đoạn 2010-2020, đáp ứng yêu cầu đào tạo và bồi dưỡng giáo viên trong quá trình hội nhập quốc tế.
GS-TSKH Lê Ngọc Trà, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục TP.HCM: Cần bắt đầu từ cỗ máy cái “Mọi cuộc cải cách giáo dục nếu không bắt đầu từ các trường sư phạm thì sẽ kém hiệu quả; phải xem đầu tư cho các trường sư phạm là đầu tư cho cải cách giáo dục chứ không phải đầu tư cho ĐH, CĐ bình thường. Nếu giáo dục không phải là hàng hóa thì đào tạo giáo viên càng không thể là lĩnh vực mang tính chất thị trường”. |
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã ký quyết định phê duyệt Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến 2020. Theo đó, 7 đề án trọng tâm sẽ được thực hiện trong toàn bộ chương trình.
Do đó, trong 7 đề án thực hiện chương trình phát triển sư phạm, Bộ chú trọng đến việc phát triển đội ngũ giảng viên này với mục tiêu là đến năm 2015, 100% giảng viên ĐHSP đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất 20% đạt trình độ tiến sĩ; năm 2020, ít nhất có 45% giảng viên đại học sư phạm đạt trình độ tiến sĩ. Đồng thời đến năm 2015, 50% giảng viên CĐSP đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất 5% đạt trình độ tiến sĩ; đến năm 2020, ít nhất 80% đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất 25% trình độ tiến sĩ.
Đủ số lượng, cơ cấu giảng viên tại các trường, khoa sư phạm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tỷ lệ sinh viên/giảng viên các trường ĐH, CĐSP không quá 20/1 vào năm 2020. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ sẽ đẩy mạnh thực hiện Đề án đào tạo tiến sĩ cho giảng viên các trường, khoa sư phạm theo chương trình đào tạo 20.000 tiến sĩ và chú trọng việc đào tạo giáo viên dạy tích hợp, dạy môn ghép, giáo viên dạy ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh…
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục tập trung đầu tư nguồn lực cho 2 trường ĐHSP trọng điểm ( ĐHSP Hà Nội và ĐHSP TP. Hồ Chí Minh) thành các cơ sở đào tạo có trình độ cao làm nòng cốt nghiên cứu và thực hiện những chủ trương lớn của ngành. Đồng thời đầu tư phát triển trường ĐHSP, khoa ĐHSP ở Cần Thơ, Đà Lạt, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Thái Nguyên, Tây Bắc để cùng với các trường ĐHSP trọng điểm tập trung đào tạo giáo viên trình độ cao và bồi dưỡng giảng viên các trường ĐH, CĐ; đầu tư phát triển các trường ĐHSP kỹ thuật, CĐSP kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp…
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: Không thể mờ nhạt hơn nữa “Đến giờ, chẳng những chúng ta lo về chất lượng đội ngũ nhà giáo hiện có mà nhìn về tương lai, rất có thể chất lượng đội ngũ nhà giáo còn thấp hơn nữa nếu không có những giải pháp đúng và thực hiện một cách quyết liệt. Điều khiến tôi cũng như cán bộ, giảng viên trăn trở là, nội dung đào tạo nghề nghiệp ở các trường sư phạm rất mờ nhạt. Các trường sư phạm đang thực sự bất cập trong việc bồi dưỡng cho giáo sinh về năng lực giáo dục trẻ em vì các bộ môn tâm lý, giáo dục học, phương pháp học còn bị hạn chế cả về thời lượng và chất lượng. Đồng thời, nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức kiến tập, thực tập. Nếu trường sư phạm không thể hiện rõ tính chuyên nghiệp của một trường nghề làm sao có thể đào tạo ra những nhà chuyên nghiệp trong nghề thầy?”. |
Uyên Na