Đào tạo luật sư phải gắn với sử dụng

 Bước vào thời kỳ hội nhập, nhiều doanh nghiệp, thậm chí Chính phủ đã bị “lép vế’, chịu phần thua thiệt trong những vụ tranh chấp thương mại quốc tế, mà một phần do Việt Nam không có luật sư (LS) đủ khả năng tư vấn pháp luật quốc tế. Do vậy, Đề án Đào tạo LS phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008-2010 (Đề án 544) được ban hành như một giải pháp cấp bách để lấp “chỗ trống” này.

Bước vào thời kỳ hội nhập, nhiều doanh nghiệp, thậm chí Chính phủ đã bị “lép vế’, chịu phần thua thiệt trong những vụ tranh chấp thương mại quốc tế, mà một phần do Việt Nam không có luật sư (LS) đủ khả năng tư vấn pháp luật quốc tế. Do vậy, Đề án Đào tạo LS phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008-2010 (Đề án 544) được ban hành như một giải pháp cấp bách để lấp “chỗ trống” này.

Học viện Tư pháp tổ chức Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm đào tạo luật sư tại Hoa Kỳ
Học viện Tư pháp tổ chức Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm đào tạo luật sư tại Hoa Kỳ

Đào tạo “từ nóc”

Đó là một cách đánh giá về Đề án 544 bởi trong tình trạng cần gấp đội ngũ LS đủ sức hành nghề tầm quốc tế, đề án nhằm vào việc đưa một số LS và chuyên gia pháp luật đi đào tạo ở nước ngoài, để “nâng cấp” họ lên thành những “chuyên gia pháp luật am hiểu pháp luật và tập quán thương mại quốc tế, giỏi kỹ năng hành nghề LS quốc tế, có khả năng được cấp chứng chỉ hành nghề LS của nước hoặc bang được đào tạo”.

Nhưng cũng chính mục tiêu đó khiến đề án bị đánh giá là “có tham vọng lớn”. Cùng với điều kiện tuyển học viên cao, kinh phí hỗ trợ thấp, thậm chí phải tự túc (đối với những học viên không phải cán bộ, công chức) trở thành những nguyên nhân khiến sau 3 năm triển khai, Đề án chỉ gửi được 8 chuyên gia pháp luật (không có LS nào) đi đào tại Viện Luật quốc tế Hoa Kỳ, bang Washington DC. Đồng thời, giới thiệu 4 học viên tự túc khác (3 LS và 1 chuyên gia pháp luật) tham gia chương trình đào tạo thử nghiệm thạc sỹ luật mùa hè của trường Berkeley (Hoa Kỳ).

Bên cạnh đó, ở những nước có nghề luật phát triển, không có cơ sở đào tạo nghề luật, nghề LS nào nhận đào tạo theo chương trình do Việt Nam thiết kế hoặc có nhận thì chi phí rất cao, lại không hoàn toàn đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của Đề án. Song với một số khó khăn, vướng mắc do thiếu tính khả thi nhưng Đề án vẫn được đánh giá là “có phát huy hiệu quả và cần tiếp tục được thực hiện”, coi như bước chuẩn bị nếu không “5-10 năm tới không có LS, chuyên gia pháp lý đáp ứng yêu cầu xã hội” như nhận định của ông Lương Văn Cừ (Phó Cục trưởng Cục A83 – Bộ Công an).

Mặc dù theo khẳng định của đại diện Công ty Luật YKVN, các công ty Luật của Việt Nam cũng có nhu cầu và có đủ khả năng để thực hiện các hoạt động liên kết với các cơ sở nước ngoài để bồi dưỡng, đào tạo cho các LS, nhưng nếu tham gia vào các Đề án do Chính phủ hoặc Bộ Tư pháp “bảo trợ” như Đề án 544 vị thế của học viên sẽ “rất lớn, nhận được nhiều sự chào đón, hỗ trợ, ủng hộ từ đơn vị đào tạo. Họ được cập nhật kiến thức, trải nghiệm trong thời gian thực tập để có đủ khả năng ứng dụng vào công việc”. Đây chính là “điểm mạnh” của Đề án mà các học viên đã từng tham gia Đề án kiến nghị cần tiếp tục phát huy khi tiếp tục thực hiện Đề án trong giai đoạn tới.

Không có môi trường không phát huy được hiệu quả

Tuy nhiên, sử dụng học viên sau đào tạo để phát huy hiệu quả và không lãng phí mới là vấn đề quan trọng. Đại diện của Công ty Luật VILAF Hồng Đức nhấn mạnh, “hiện những học viên được tham gia đề án chứ có cơ hội để được sử dụng kiến thức và kỹ năng đã học được”. Bởi mức độ sử dụng học viên sau đào tạo “phụ thuộc vào tính chất công việc”

Từ kinh nghiệm thực tế cho thấy, khó khăn về trình độ ngoại ngữ để cử đi học có thể khắc phục được, nhưng điều “khó khắc phục” chính là tạo “môi trường để học viên sau đào tạo hành nghề. Họ sẽ không phát huy được gì nếu được đào tạo bằng tiếng Anh nhưng hành nghề trong môi trường tiếng Việt và đào tạo LS nhưng về lại là những cán bộ, công chức bình thường”. Ông Nguyễn Thanh Tú (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế - Bộ Tư pháp) “hiến kế” là phải có các LS, chuyên gia pháp lý của Việt Nam làm việc tại các tổ chức quốc tế để khi cần họ sẽ giúp đỡ về mặt pháp lý cho doanh nghiệp, Chính phủ Việt Nam.

Nhấn mạnh đến vai trò của các công ty, hãng luật lớn trong nước trong việc tham gia đào tạo “chuyên sâu và liên tục”, đại diện của Công ty Luật YKVN cho rằng, tạo điều kiện và khai thác nguồn lực từ các công ty, hãng luật lớn trong nước để tham gia đào tạo LS hội nhập là giải pháp “tiết kiệm, nhanh chóng” và quan trọng là “tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp cho các học viên sau đào tạo cũng như khuyến khích hoạt động LS tiệm cận với môi trường hành nghề quốc tế”.

Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh, đào tạo LS phục vụ yêu cầu hồi nhập phải tập trung, bài bản từ đầu, có mục tiêu để phục vụ cho hoạt động tư vấn pháp lý của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức cụ thể. “Đào tạo LS hội nhập chung cho nhu cầu của toàn xã hội ngay là dàn trải”. Song song với đào tạo LS hội nhập “cấp tốc” như Đề án này là các hoạt động đào tạo căn bản, trong đó có hướng lựa chọn sinh viên Luật xuất sắc, đào tạo liên thông để có một đội ngũ LS thực sự tự tin hành nghề trong môi trường pháp lý quốc tế./.

Huy Anh

Đọc thêm