Cổ tự trăm tuổi với tập tục “đánh kẻ tiểu nhân” ở Sài Gòn

(PLVN) - Được xây dựng từ gần 300 năm trước, Hội Quán Ôn Lăng (đường Lão Tử, phường 11, quận 5) là điểm đến linh thiêng trong cộng đồng người Hoa ở TP HCM. Nơi đây nhiều năm qua được biết đến với tập tục có một không hai - “đánh kẻ tiểu nhân”, mang ý nghĩa cầu may mắn, bình an đồng thời xua đuổi những điều xui xẻo, những “kẻ tiểu nhân” đi theo quấy rối mình.
 Hội quán Ôn Lăng được cộng đồng người Hoa xây dựng năm 1740.
Hội quán Ôn Lăng được cộng đồng người Hoa xây dựng năm 1740.

Hội quán cổ xưa nhất Nam Bộ

Theo các tài liệu ghi chép, vào cuối thế kỷ 17, có một nhóm người Hoa thuộc phủ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) đã di cư sang Việt Nam và định cư tại vùng Chợ Lớn ngày nay. Những ngày đầu trên vùng đất mới, cuộc sống của họ gặp không ít khó khăn, trở ngại. Để có nơi sinh hoạt tín ngưỡng và đỡ đần nhau trong cuộc sống, năm 1740 nhóm người này đã chung sức xây lên một hội quán có tên là Hội Quán Ôn Lăng.

Ban đầu hội quán thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và nhiều vị thần theo tín ngưỡng dân gian của dân tộc Hoa. Sau này, hội quán thờ thêm Quan Âm Bồ Tát nên còn được gọi là chùa Quan Âm. Hội Quán Ôn Lăng được xây dựng theo kiến trúc đền miếu cổ Trung Hoa với bộ khung chịu lực bằng gỗ, mái ngói lợp ống, chân mái được viền bằng ngói xanh. Cách tạo hình và trang trí mái ngói mang đậm nét phong cách người Phúc Kiến, với những bờ nóc uốn cong có gắn các mảng tượng gốm trang trí.

Hội quán cất theo nhà hình chữ nhật, ở giữa bao gồm tiền điện, trung điện, chính điện và dãy nhà ngang rộng, sáng sủa, thoáng mát, nhiều gian thờ là hậu điện. Có cả thảy ba cửa vào tiền điện. Nơi cửa chính, ở hai bên là đôi kỳ lân đá uy nghi, trên vách mặt tiền có hai bức phù điêu bằng gỗ chạm bông thếp vàng và phù điêu đắp nổi. Phần kiến trúc dưới mái hiên cũng được chạm trổ tinh xảo bằng các hình bông sen, tượng kỳ lân và các dây hoa...

Tục dùng dép đánh hình nhân trong nghi thức “đánh kẻ tiểu nhân”.
Tục dùng dép đánh hình nhân trong nghi thức “đánh kẻ tiểu nhân”. 

Cho đến ngày nay, hội quán còn lưu giữ nhiều cổ vật có từ thời vua Quang Tự, (nhà Thanh), như trống, đỉnh gang, lư hương... Đặc biệt, có một chuông lớn đề năm Đạo Quang Ất Dậu Niên (1825). Ngoài ra, hội quán có nhiều hoành phi và câu đối với nội dung ca ngợi công đức của thần và bày tỏ ước nguyện của con người. Điều đặc biệt nữa, do sân hội quán bị đường phố cắt ngang, cho nên phần đất còn lại phía bên kia đường, người ta cho xây một hồ phóng sinh, mang hơi hướng thiên nhiên giữa lòng phố thị.

Từng đề cập về công trình tín ngưỡng này, học giả Vương Hồng Sển viết: “Đường Lão Tử, có Ôn Lăng Hội Quán của người Phước Kiến, thờ Bà Thiên Hậu. Vị trụ trì chùa nầy cho biết rằng “Ôn Lăng” là một địa danh thuộc phủ Tuyền Châu. Ngoài cửa chùa có chạm vào đá hai câu liễn do Trạng nguyên cập đệ Ngô Lỗ cúng năm Tân Sửu (1901) đời Quang Tự…

Khi từ tạ ra về, hoà thượng đưa ra cửa, dạy thêm cho biết rằng: “Để tưởng niệm Châu Ngươn Chương, thủy tổ nhà Minh, nên chùa thường dùng màu đỏ (châu, chu) sơn cột và trính, còn trên ngạch cửa, có chạm hai mắt lồi ra, tượng trưng “Nhựt”, “Nguyệt”, hai chữ ấy ráp lại tức “Minh” vậy”.

Hội quán gồm hai điện thờ chính được bố trí lần lượt trước sau, cách nhau một sân thiên tỉnh (giếng trời). Tiền điện thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, phối tự hai bên tả hữu là Phước Đức chính thần (ông Bổn) và Bà chúa Thai Sinh. Hậu điện thờ Bồ Tát Quan Âm và phối tự một bên là Quan Công, Bao Công, một bên là Thành Hoàng, Tương Đàn Lão gia. Trong đó, Thiên Hậu Thánh Mẫu là vị phù hộ cho những người đi sông nước và làm ăn xa. Quan Thế Âm Bồ Tát lại phù hộ buôn may bán đắt, bình an, sức khỏe cho gia tộc thịnh vượng.

Vì Hội Quán Ôn Lăng thờ nhiều vị thần tiên theo tín ngưỡng Trung Hoa nên người ta đến đây để cầu nhiều thứ, từ cầu tài lộc, cầu mệnh, cầu duyên, bình an may mắn đến sức khỏe, trí tuệ… Điều đặc biệt nhất, nhiều năm qua nơi đây được nhiều người biết đến với tập tục kỳ lạ - “đánh kẻ tiểu nhân” - một trong những tập tục truyền thống lâu đời của người Hoa. Tập tục du nhập từ Hong Kong (Trung Quốc), được cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn, TP HCM lưu truyền cho đến nay.

Tập tục thường diễn ra trước khu vực thờ Bạch Hổ.
Tập tục thường diễn ra trước khu vực thờ Bạch Hổ. 

Theo các chuyên gia nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng, tập tục diễn ra từ tháng Giêng và kéo dài cho đến đầu tháng Hai âm lịch, trong đó lễ chính là vào ngày vía thần Bạch Hổ. Bởi theo quan niệm dân gian của người Hoa, thần Bạch Hổ cũng là khắc tinh của “tiểu nhân”. Để linh ứng, tập tục “đánh kẻ tiểu nhân” phải được diễn ra trước khu vực thờ Bạch Hổ. Lễ vật cúng bao gồm thịt heo, huyết heo, trứng vịt (tất cả đều là thịt sống), rượu trắng… để dâng lên ngay khi thần Bạch Hổ mở miệng.

Nếu trước đây tập tục này diễn ra ở Hội Quán Ôn Lăng chỉ gói gọn trong cộng đồng người Hoa thì những năm gần đây, nhiều người Việt cũng bắt đầu làm quen và gửi gắm nhiều niềm tin vào đó. Với mong muốn cầu được may mắn, bình an đồng thời xua đuổi những điều xui xẻo, những “kẻ tiểu nhân” đi theo quấy rối mình, những năm gần đây, đông đảo người dân đến cúng bái và thực hành tập tục này.

Điểm khác biệt của một buổi lễ thực hành tập tục “đánh kẻ tiểu nhân” so với những tập tục khác là người hành lễ sẽ dùng giày dép đập liên tiếp vào những hình nhân tượng trưng cho những “kẻ tiểu nhân” đang theo quấy rối, cho đến khi các hình nhân kia tan tát. Nhằm để chắc rằng “kẻ tiểu nhân” đã bị đánh, sau này không nói năng bừa bãi, không thể hại người được nữa… Ngoài ra còn kèm một số nghi lễ khác.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thái Hòa, chuyên gia nghiên cứu tín ngưỡng trong các hội quán người Hoa, tập tục “đánh kẻ tiểu nhân” trước đây thường diễn ra vào ngày Kinh trập, đây cũng là ngày vía của thần Bạch Hổ. Kinh trập là một trong 24 tiết khí của các lịch Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên. Ngày bắt đầu tiết Kinh trập thường diễn ra vào khoảng ngày 5 hay 6 tháng 3 dương lịch, trước ngày Tết Thanh minh đúng một tháng.

Dân gian quan niệm rằng, vào ngày này các loại côn trùng, sâu bọ và những điều xấu xa - “tiểu nhân” đều thức tỉnh và làm hại con người. Vì vậy cần phải “đánh” để tránh “tiểu nhân” làm hại. Lễ vật thường thấy là nhang, đèn, giấy tiền, hình nhân… Người muốn “đánh” sẽ ghi tên tuổi, địa chỉ của mình lên tờ giấy. Người đánh sau khi khấn vái thì dùng giấy tiền quạt lên món đồ nhằm mục đích xua đuổi sâu bọ, xua đuổi những điều xấu xa, những kẻ “tiểu nhân” muốn làm hại.

Cuối nghi thức, người “đánh” sẽ bỏ hình nhân xuống nền đất rồi dùng dép đánh vào đó, vừa đánh vừa cầu khấn thần Bạch Hổ… Nếu như ở Trung Quốc trước đây, tập tục này mang ý nghĩa cầu may, cầu phúc và thường đi theo các bước như: bái thần, bẩm cáo, đánh tiểu nhân, tế Bạch Hổ, hóa giải, cầu phúc, tiến bảo, bốc quẻ cầu may thì hiện nay, tập tục này đơn giản hơn rất nhiều.

Nét đẹp đang bị biến tướng

Từ thuở ban sơ, tập tục mang ý nghĩa là một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng truyền thống gốc Hoa và người thực hành tập tục này với cái tâm thiện lương nguyện cầu những điều may mắn, tốt đẹp cho mình cho người thì sau này tập tục ít nhiều đã biến tướng. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thái Hòa, những năm gần đây, tập tục này có chiều hướng mang tính vụ lợi của những người cúng thuê, cúng mướn. Nhiều người cúng thuê lạm dụng sự cả tin của người dân mà bày vẽ, mang màu sắc mê tín dị đoan, làm biến đổi tập tục nhằm vụ lợi.

“Vì thế, có những người muốn “đánh tiểu nhân” nhưng không phải “đánh” vào những điều xấu xa, xui rủi mà “đánh” trực tiếp vào tên tuổi của những người cụ thể mà họ va chạm trong cuộc sống, hay những đối thủ trong làm ăn… Chính những điều này đã làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của tập tục”, chuyên gia Nguyễn Thái Hòa cho biết.

Mặc dù đã có nhiều ý kiến khuyến cáo người dân nhưng thực tế thời gian qua cho thấy, Hội Quán Ôn Lăng vẫn là nơi tập trung đông đảo lực lượng cúng thuê, cúng mướn. Vào những ngày cao điểm có tới vài chục người cúng thuê, còn dịch vụ “đánh tiểu nhân” thuê thì diễn ra thường xuyên. Tập tục này đang bị những người cúng thuê, cúng mướn lạm dụng, bày vẽ với màu sắc huyền bí, mê tín dị đoan nhằm trục lợi người dân vì đôi khi chính bản thân người đi khấn thuê, cúng mướn cũng không hiểu ý nghĩa của tập tục này.

Chia sẻ về thực trạng này, đại diện Ban quản trị Hội Quán Ôn Lăng cho hay, để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân khi đến chùa, hội quán thường xuyên nhắc nhở người dân không nhất thiết phải thuê người cúng mà có thể tự thực hiện theo hướng dẫn của những người có kinh nghiệm trong hội quán, tránh trường hợp bị người bên ngoài bày vẽ vừa tốn kém mà làm cho tập tục biến đổi, mất đi ý nghĩa.

Vào những ngày cao điểm như Tết Nguyên đán, mùng 7 tháng Giêng, rằm tháng Giêng và ngày vía ông Hổ là đông đảo nhất, những ngày này hội quán phải tăng cường lực lượng bảo vệ để giữ an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ và bảo vệ an toàn cho người dân vào cúng viếng. Tuy nhiên đối với lực lượng khấn thuê, cúng mướn vẫn là bài toán nan giải.

Đọc thêm