Hoa sen và thuyết luân hồi của Phật giáo

(PLVN) - Sen là loài hoa vô cùng gần gũi với người Việt. Hành trình của hoa sen đi từ thiên nhiên: “Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh, bông thắm lại chen nhị vàng” đến tiềm thức của con người để trở thành biểu tượng Phật giáo như một căn duyên. Vào chùa lễ Phật, tượng Phật tọa tòa sen rất uy nghiêm nhưng cũng thật gần gũi khiến lòng người cân bằng, thanh thản…
Truyền thuyết của Phật giáo kể lại rằng, tại vườn Lâm Tì Ni, vào lúc Đản sinh, mỗi bước trong bảy bước đi đầu tiên của Đức Phật đều có hoa sen hiện ra nâng đỡ
Truyền thuyết của Phật giáo kể lại rằng, tại vườn Lâm Tì Ni, vào lúc Đản sinh, mỗi bước trong bảy bước đi đầu tiên của Đức Phật đều có hoa sen hiện ra nâng đỡ

Cuộc đời sen là một minh họa cho thuyết luân hồi của nhà Phật

Truyền thuyết của Phật giáo kể lại rằng, tại vườn Lâm Tì Ni, vào lúc Đản sinh, mỗi bước trong bảy bước đi đầu tiên của Đức Phật đều có hoa sen hiện ra nâng đỡ. Khi vừa thành đạo, Ngài phân vân trước con đường giáo hóa chúng sinh.

Giáo lý giải thoát tế nhị, thâm sâu, ly dục, vô ngã, đi ngược với tập quán ham muốn và suy tư chấp trước của con người, làm sao để con người có thể tiếp nhận giáo lý ấy? Nhưng sau khi nhìn ngắm hồ sen, qua tuệ nhãn của mình, Đức Phật thấy rằng giữa cuộc đời này có nhiều hạng căn cơ khác nhau. Có căn cơ thấp như khi sen còn trầm luân dưới đáy bùn, có căn cơ cao như khi đã vươn lên thành hoa sen xòe nở đón nhận ánh sáng mặt trời.

Tương tự, nếu có những người mãi đắm chìm trong dục vọng thì cũng có những người căn cơ cao có thể đón nhận được giáo lý uyên thâm mà Đức Phật đã chứng ngộ. Do đó, Đức Phật quyết định lên đường chuyển vận bánh xe Chánh pháp…

Hoa sen trong cõi vô thường (ảnh minh họa)
Hoa sen trong cõi vô thường (ảnh minh họa) 

Tại sao khi nói đến Phật giáo là nói đến hoa sen? Căn duyên nào đã đưa hoa sen từ thiên nhiên trở thành một biểu tượng của Phật giáo? Trả lời câu hỏi này, tác giả Phú Xuân trong bài viết của mình trên Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 95 bày tỏ quan điểm rằng, từ 5.000 năm trước, người Ai Cập cổ đại đã thể hiện lòng sùng kính đối với hoa sen và dùng sen trong nhiều nghi thức tế lễ. Tại Ấn Độ, hình ảnh hoa sen mọc trên bùn đã được coi là biểu tượng của đạo đức và thể hiện cho sức mạnh tinh thần.

Các văn bản cổ Ấn Độ đã nhắc tới hoa sen tám cánh như một biểu tượng của sự hài hòa trong vũ trụ. Là một tôn giáo sử dụng nhiều ngôn ngữ biểu trưng, Phật giáo đã phát triển nhiều ý nghĩa biểu tượng của hoa sen. 

Sen ẩn sâu dưới bùn xa lìa trần thế gọi là u vi, giống như cuộc đời của người tu hành luôn tránh xa những điều trần tục, cuộc đời ấy là sự dâng hiến âm thầm, là nỗ lực vươn đến sự giải thoát chứ không khoe khoang. Sen khiêm tốn không khoe tài đua sắc với các loài hoa khác trên đồng nội gọi là ẩn vi, thể hiện sự khiêm nhường như cuộc đời tu hành của người Phật tử.

Họ không đua chen danh lợi, những tiếng tăm hay của cải vật chất chỉ là phù du. Lá sen ngửa rộng lên trời với những thớ mạch như nét vẽ của thiên nhiên gọi là tế vi. Tất cả mặt phải của lá đều hướng lên tượng trưng cho sự thành tâm.

Tương ứng, người Phật tử có nhiều pháp môn tu tập, đều quy về một hướng giải thoát. Mọi thành phần của sen đều có công dụng, hoặc để chữa bệnh, hoặc để ăn, được gọi là tinh vi, cũng giống như thân, khẩu, ý của một người Phật tử biết thúc liễm thân tâm luôn luôn có công dụng cứu người giúp đời… 

Nhờ tất cả các đức tính cao quý đó mà sen gần gũi Đức Phật, biểu thị được ý Phật. Cuộc đời sen còn như là một minh họa cho thuyết luân hồi của nhà Phật. Dưới mặt nước trầm mặc sau mùa sen tàn lụi tưởng chừng chôn dấu đời sen mãi mãi. Nhưng không, dưới ấy không có gì mất đi, chỉ là sự chuẩn bị cho một kiếp mới hiển hiện. Sen tàn, sen nở, sen tàn cũng chỉ là vòng luân hồi thường tình như quan niệm Phật giáo bấy lâu...

Đạo Phật là “đạo hoa sen”

Có người cho rằng đạo Phật là “đạo hoa sen”, quan điểm này không phải là không có lý bởi, trong Phật giáo hoa sen là biểu tượng của sự thuần khiết và sinh hóa hồn nhiên (svayambhu).

Theo kinh Lalitavistara, phần tâm linh của con người thì vô nhiễm, giống như hoa sen mọc trong bùn mà không bị hôi tanh bởi bùn. Còn theo Phật giáo Mật tông thì trái tim con người giống như đóa sen hàm tiếu, khi Phật tính phát triển bên trong thì đóa sen sẽ nở. Đây chính là ý nghĩa của việc Phật ngồi trên tòa sen.

Trong Phật giáo Tantra, đóa sen biểu thị cơ quan sinh dục nữ và đó chính là nguyên lý âm trong vũ trụ. Trong thai tạng giới Mạn-đà-la, đóa sen trắng ở trung tâm Mạn-đà-la, biểu thị tử cung (Thai tạng) của thế giới….

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngự trên tòa sen
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngự trên tòa sen  

Biểu tượng hoa sẽ trong Phật giáo được thể hiện rất uyển chuyển với nhiều màu sắc và dáng vẻ khác nhau. Mỗi cách thể hiện tượng trưng cho một ý nghĩa riêng biệt. Sen trắng tượng trưng cho sự thuần hóa của nhân tính, bồ đề tâm hay còn gọi là giác tâm, thường có 8 cánh ứng với Bát chính đạo; là đặc trưng của phái Mật tông và là đoá sen của các vị Phật.

Hoa sen trắng có 8 cánh nằm trên vòng tròn viền trắng, nền màu xanh lá mạ là huy hiệu của gia đình Phật tử. Ba cánh hoa dưới tượng trưng cho Tam bảo - Phật, Pháp, Tăng. Năm cánh hoa phía trên của tượng trưng cho 5 đức hạnh theo thứ tự từ trái qua phải, từ ngoài nhìn vào là: trí tuệ, hỉ xả, tinh tấn, thanh tịnh, từ bi. 

Sen đỏ tượng trưng cho bản chất nguyên thuỷ của trái tim, là đoá hoa của tình yêu, đam mê và sự năng động; đây là loại sen của Quan Thế Âm. Sen xanh là biểu tượng của trí tuệ, tri thức của chiến thắng của tinh thần đối với các cảm quan; đây là loại sen của Văn Thù Sư Lợi, hiện thân của trí tuệ viên thành.

Sen hồng là loại sen tối thượng, thường được dành cho các vị tối cao, là đoá sen của những vị tu theo giáo phái nguyên thủy. Sen tím thẫm là đóa sen huyền diệu, biểu thị những ảnh tượng của phái Mật tông.

Các đoá hoa có thể đang còn e ấp hoặc đã được nở bung hết. Chúng có thể được nâng đỡ bởi một cọng hay ba cọng hoa (tượng trưng cho ba phần của Garbhabatu: Vairocana, hoa sen và vajra) hoặc năm cánh hoa tượng trưng cho năm tri thức của Vajradhatu…

Hoa sen trong Phật giáo còn thể hiện ở trong những biểu tượng khác như khi lễ Phật, hai bàn tay chắp lại làm thành hình hoa sen chưa nở, kiểu lễ này gọi là "Liên hoa hợp chưởng"; bộ áo cà sa của tỳ khưu được gọi là "Liên hoa y" hay "Liên hoa phục"; cõi cực lạc của A-di-đà còn được gọi là "Liên bang", là một cõi có nhiều hoa sen; hoa sen trắng có 8 cánh nằm trên vòng tròn viền trắng, nền màu xanh lá mạ là huy hiệu của gia đình Phật tử.

Ba cánh hoa dưới tượng trưng cho Tam bảo - Phật, Pháp, Tăng. Năm cánh hoa phía trên của tượng trưng cho 5 đức hạnh theo thứ tự từ trái qua phải, từ ngoài nhìn vào là: trí tuệ, hỉ xả, tinh tấn, thanh tịnh, từ bi. 

 

Đạo Phật truyền vào Việt Nam cũng làm phong phú thêm cho ý nghĩa biểu tượng của hoa sen đối với người Việt. Hoa sen trong công trình Phật giáo ở Việt Nam có thể kể đến như: Chùa Một Cột, Hà Nội có biểu tượng một bông hoa sen mọc trên hồ; Tháp Cửu phẩm liên hoa có ở chùa Bút Tháp, Bắc Ninh là một tổ hợp kết cấu gỗ dạng tháp, có chín tầng chồng lên nhau. Mỗi tầng có một đài sen rộng chừng 2 m, cao 50 cm.

Cả tháp cao 7,8 m, phía ngoài tháp các cánh sen bằng gỗ sơn đỏ tạo thành tầng tầng lớp lớp so le nhau, tháp có thể quay tròn quanh một trục, có gắn tượng Phật và chạm những cảnh dân gian hay lấy đề tài trong Phật thoại; Chùa Tây Phương, Hà Tây có các đầu cột được làm thành hình bông hoa sen hoặc làm thành cả hồ sen; Chùa Kim Liên, Hà Nội có tổng mặt bằng được cô gọn lại thành hình tượng một bông sen….

Hoa sen là loài hoa mang trong mình biểu trưng của Phật giáo, mang những phẩm chất tốt đẹp của Phật giáo. Hoa sen sinh ra gắn liền với lịch sử Phật giáo nói chung và hơn hai ngàn năm Phật giáo Việt Nam nói riêng. Việc hoa sen được lựa chọn để trở thành quốc hoa của Việt Nam cũng một phần từ những ý nghĩa thiêng liêng này.  

Đọc thêm