Đất chuyên trồng lúa nguy cơ bị bỏ hoang

Vụ chiêm xuân 2010, trong khi năng suất lúa bình quân của cả huyện An Lão đạt khoảng 8-9 thúng thóc trên sào, ở khu đồng Dăm, xã Quang Trung chỉ 2-3 thúng thóc/sào. Năng suất lúa ở đồng Dăm bị sụt giảm so với khu vực khác kéo dài 3-4 năm nay và ngày càng nghiêm trọng.

Vụ chiêm xuân- 2010, trong khi năng suất lúa bình quân của cả huyện An Lão đạt 64-65 tạ/ha, khoảng 8-9 thúng thóc trên sào, thì ở khu đồng Dăm, xã Quang Trung, người dân  thu hoạch chỉ 2-3 thúng thóc/sào. Năng suất lúa ở đồng Dăm bị sụt giảm so với khu vực khác kéo dài 3-4 năm nay và ngày càng nghiêm trọng.

Cánh đồng “2 không”
Bác Đỗ Thị Lụa, ở thôn Câu Hạ A, xã Quang Trung cho biết: năm 1994 gia đình bác được giao ruộng ở khu đồng này. Từ năm 2004 đến nay, khi toàn bộ phần diện tích đất ruộng bên ngoài được giao cho các doanh nghiệp việc sản xuất trên phần diện tích đất còn lại khó khăn gấp bội mà năng suất vẫn giảm, từ 8 thúng/sào xuống 2 thúng/sào.  Bởi toàn bộ hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất của cánh đồng này  gần như “biến mất”. Chị Đỗ Thị Loan,  cũng ở thôn Câu Hạ A, có 4 sào ruộng tại đồng Dăm bổ sung: khu đồng Dăm hiện giống như  “cái hầm”, cả 4 mặt bị vít chặt, 3 mặt là tường rào của cơ sở sản xuất, một mặt là trang trại.

Cánh đồng Dăm

Cánh đồng này có hệ thống mương thủy lợi chạy dọc đường 10, từ ngã 3 Quang Thanh đến Công ty ô tô Hoa Mai. Khi giao đất cho các doanh nghiệp, phần diện tích đất kênh mương không được “chừa” ra. Các doanh nghiệp xây dựng bịt, lấn cả tuyến mương. Phần diện tích ruộng còn lại của đồng Dăm không còn hệ thống tiêu thoát nước; đường vào cũng không. Trước kia có con đường dẫn thẳng từ ngã 3 Quang Thanh vào cánh đồng. Nay người dân phải đi từ ngã 3 Quang Thanh ngược lên phía xã Quốc Tuấn,  qua đường mương mới tới khu ruộng. Nhưng con đường này gồ ghề, nhỏ hẹp và luôn lầy lội, có đoạn  mặt đường chỉ  50-70cm, xe cải tiến cũng không thể vào được. Người dân phải gánh lúa đi bộ gần 100 m từ ruộng ra ngoài đường. Quy trình sản xuất cũng bị đảo lộn. Chị Nguyễn Thị Hạnh cho biết: nước trong ruộng chỉ có cách tiêu thoát kiểu bốc hơi tự nhiên. Do vậy có khi đến trà phun thuốc trừ sâu, nhưng nước lên to phun không được.

Hoạt động của những cơ sở sản xuất liền kề cũng tác động xấu đến năng suất lúa. Cán bộ phụ trách sản xuất của xã Quang Trung Vũ Đức Dương cho biết: Cánh đồng hiện còn khoảng 3 mẫu, chủ yếu là đất nông nghiệp, gần 30 hộ dân của thôn Câu Hạ A đang sản xuất. Do mặt bằng sản xuất của các cơ sở đều cao hơn mặt ruộng,  khu ruộng trở thành túi chứa nước. Không chỉ có nước, cát của Công ty lọc tĩnh điện cũng tràn xuống ruộng làm chết 100 m2 lúa của 2 hộ dân. Sự việc xảy ra vào tháng 3-2010, sau đó doanh nghiệp  nạo vét cát nhưng lúa vẫn tiếp tục chết. Hiện nay, nước, cát từ hoạt động của công ty vẫn tiếp tràn ra ruộng của người dân, làm cho đường ra cánh đồng vốn  nhỏ hẹp, lại thêm lầy lội, đi lại khó khăn.

Đáng chú ý, tình trạng những cánh đồng sản xuất bị phá vỡ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, diện tích đất canh tác bị manh mún do việc giao đất làm công trình xây dựng đường, cầu, khu tái định cư và cơ sơ sản xuất công nghiệp, thường thấy ở Quang Trung.

Khó lường trước tác động ?!

Phó chủ tịch UBND xã Đỗ Văn Chuyên cho biết: Những năm vừa qua, xã Quang Trung có nhiều diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi mục đích khác. Song việc quy hoạch, giao đất chưa tính đến những tác động ảnh hưởng sản xuất đối với diện tích đất nông nghiệp còn lại. Ngoài khu vực cánh đồng Dăm, trên địa bàn xã còn có những khu vực khác như khu ruộng thôn Câu Đông. Toàn bộ hệ thống mương nội đồng của khu ruộng này bị Khu tái định cư đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng chia cắt. Rồi cơ sở sản xuất của Quang Minh chiếm dụng mương thoát nước của khu ruộng. Đáng chú ý, khu ruộng Câu Đông là nơi chứa nước thải của các làng chung quanh. Ngoài ra, khu đồng Cát Tiên đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng, do trụ cầu Thanh An nằm ở vị trí lấp luôn cửa cống Cát Tiên… Tại sao những ảnh hưởng lại không nhìn nhận sớm để phòng ngừa và giảm thiểu những tác động xấu? Việc lập quy hoạch, quyết định giao đất cho doanh nghiệp đều được xem xét trên cơ sở thực địa với sự tham gia của chính quyền địa phương.

Anh Chuyên cho biết: Các doanh nghiệp khi lấy đất thường lấy theo mặt thẳng song song với đường, không quan tâm phần diện tích đất còn lại. Khiến cho phần diện tích ruộng còn lại thường bị gấp khúc, chéo méo, manh mún rất khó cho tổ chức sản xuất. Tình trạng chồng lấn quy hoạch giữa việc giao đất cho các doanh nghiệp nên chính quyền địa phương rất khó kiểm soát những tác động, ảnh hưởng xấu của công trình xây dựng đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất. Nên khi tường bao các nhà máy dựng lên, chính quyền mới thấy được tác động. Khu tái định cư dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng là ví dụ. Khu tái định cư được bố trị tại xứ đồng của thông Câu Đông, lúc đầu dự kiến có quy mô hơn 20 ha, sau đó điều chỉnh còn 7,9ha. Sau nhiều lần điều chỉnh về quy mô, mặt bằng xây dựng khu tái định cư nằm lọt giữa cánh đồng. Xã có thắc mắc, kiến nghị vấn đề này, được trả lời giai đoạn 2 sẽ thu hồi tiếp. Những hộ dân ở đồng Dăm cũng nhận được câu trả lời là thu hồi ở những hộ phía ngoài trước và những hộ có ruộng bên trong thu hồi sau. Nhưng khi nào được thu hồi? Sẽ không thể thực hiện bởi phần diện tích còn lại của đồng Dăm nằm trong hành lang bảo vệ nước ngọt của sông Đa Độ,  không thể chuyển đổi sản xuất công nghiệp. Vậy làm thế nào để duy trì sản xuất ở khu đồng này. Những thiệt hại người dân phải chịu, việc khắc phục hậu quả này thuộc về ai?

Liên tục trong 4 năm qua, mỗi lần/tuần, người dân có ruộng ở đầm Dăm lại kéo lên trụ sở UBND xã kiến nghị, thường có 7-10 người/lần. Xã dự kiến đào rãnh để hạn chế nước thải từ cơ sở sản xuất liền kề đổ ra ruộng của người dân, đào cống thoát nước dài khoảng 50m ra cống thoát nước của cơ sở sản xuất An Khánh; đổ cát san lấp con đường mương cho bớt lầy lội. Tổng kinh phí phục vụ cho công tác này vào khoảng 100 triệu đồng. Trong khi đó, nguồn ngân sách của xã rất khó khăn, hiệu quả kinh tế cho đầu tư này rất hạn chế. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Hơn nữa, hướng giải quyết này chỉ có thể áp dụng với đồng Dăm, còn khu đồng Câu Đông, khu đồng Cát Tiên,…

Tình trạng đất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đất chuyên trồng lúa bị bỏ hoang hoá, không sản xuất được do bị ảnh hưởng bởi việc giao đất, cho thuê đất để xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh và các khu đô thị mới xảy ra không chỉ ở Quang Trung (An Lão). Nguyên do việc giao đất, cho thuê đất còn phân tán, manh mún, chưa tuân thủ quy hoạch, kế hoạch được duyệt. Cần đổi mới hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bằng cách: áp dụng công nghệ thông tin vào việc lập quy hoạch sử dụng đất dựa trên việc xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng sử dụng đất, cơ sở dữ liệu tiềm năng đất đai, phân tích các chỉ tiêu về kinh tế xã hội, môi trường để tìm phương án quy hoạch hợp lý.

Nguyên MaI

Đọc thêm