Dấu ấn văn hóa Việt của Kinh tộc Tam Đảo trên đất Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ thế kỷ 16, những cư dân Việt vùng đất Hải Phòng đã theo con nước đi đánh cá và tới khu vực các đảo Vạn Vĩ, Vu Đầu, Sơn Tâm (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) định cư.
Cảnh trong lễ hội của Kinh tộc Tam Đảo (Ảnh: An ninh thế giới).
Cảnh trong lễ hội của Kinh tộc Tam Đảo (Ảnh: An ninh thế giới).

Suốt từ đó cho đến nay, hàng chục thế hệ người Việt đã sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, tuy nhiên, cũng trong ngần ấy thời gian chưa bao giờ họ đánh mất tiếng mẹ đẻ và những nét văn hóa đặc trưng của quê hương.

Người Kinh Tam Đảo

Người Kinh Tam Đảo hay Kinh tộc Tam đảo là tên gọi đặc trưng được dùng để chỉ cộng đồng thiểu số người Việt (còn gọi là người Kinh) di cư theo đường biển từ miền Duyên hải của Việt Nam vào đầu thế kỷ 16 đến định cư trên 3 hòn đảo nhỏ là Vạn Vĩ, Vu Ðầu và Sơn Tâm. Lúc đầu đây vốn là hoang đảo, ngày nay chúng đã trở thành ba thôn thuộc địa phận thị trấn Giang Bình, huyện cấp thị Đông Hưng, địa cấp thị Phòng Thành Cảng của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Theo những người Kinh sinh sống tại đây, ngay từ trong gia phả, tài liệu và văn tự còn ghi lại rằng, cách đây từ 500 năm đến vùng đất tam đảo này vào năm Hồng Thuận thứ ba thời nhà Lê sơ (1511). Được biết, vùng đất Tam Đảo - Đông Hưng (trước kia là Phúc Yên) từ thời Lê, đến trước thời Tự Đức nhà Nguyễn vẫn là lãnh thổ Việt Nam, sau này theo Hiệp ước Pháp - Thanh (1895) họ trở thành người nước khác trên chính quê hương mình.

Trong hành trình đó họ có khoảng hơn 100 người trong số 12 dòng họ khác nhau, bao gồm: Tô, Đỗ, Nguyễn, Hoàng, Vũ, Bùi, Cao, Ngô, La, Cung, Khổng và Lương. Họ đều có gốc tích từ vùng đất Đồ Sơn (Hải Phòng), còn lại số ít người Kinh trong đó có nguồn gốc từ một vài địa phương ven biển của Việt Nam di cư đến. Lịch sử 12 dòng họ khi gặp bão tố đã trôi dạt về Tam Đảo và khai hoang lập nghiệp tại đây được lưu lại thành câu ca: “Ngồi rỗi kể chuyện ngày xưa/ Cha ông truyền lại là người Đồ Sơn”.

Trang phục truyền thống của Việt Nam được trưng bày tại bảo tàng ở Tam Đảo (Trung Quốc).

Trang phục truyền thống của Việt Nam được trưng bày tại bảo tàng ở Tam Đảo (Trung Quốc).

Người dân ở đây ngày nay vẫn kể cho nhau nghe một câu chuyện truyền thuyết về ông cha khi tới vùng đất mới. Cụ thể, trong một lần đánh cá do mải đuổi theo đàn cá song, cha ông của họ đã lưu lạc đến Tam Đảo, lúc đó là một hòn đảo hoang vắng.

Mãi đến những năm 60 của thế kỷ trước, Vạn Vĩ vẫn còn những rừng rậm, thân cây mấy người ôm không xuể... Bởi vậy, ngày nay ở những ngôi làng này các kiều bào vẫn có thuộc lòng câu ca dao: “Quê tôi là ở Đồ Sơn/ Theo đàn cá sú (song) mới lên đầu dồi” (Bạch Long Vĩ ở TP Đông Hưng).

Thời gian thấm thoát, đến nay, các dòng họ này đã có đời thứ 11-12. Họ được coi là cộng đồng người Kinh chủ yếu và còn mang nhiều bản sắc văn hóa Việt Nam nhất tại Trung Quốc với tư cách là một trong 56 dân tộc của đất nước này. Tại Quảng Tây nói riêng và Trung Quốc nói chung, tên gọi “Kinh tộc Tam Đảo”,có nghĩa là “Ba hòn đảo của người Kinh”, hiện vẫn được dùng tương đối phổ biến để chỉ cộng đồng người Kinh này cũng như để chỉ địa bàn sinh sống tập trung của họ tại ba hòn đảo nói trên. Với lịch sử định cư trải qua hơn 500 năm, sẽ chẳng ai có thể nghĩ rằng sẽ tìm được một nét người Việt trên vùng đất này, tuy nhiên, những người dân ở đây vẫn gìn giữ được tiếng mẹ đẻ và đủ những tập tục truyền thống của cha ông để lại.

Ngôi làng Bắc Bộ giữa đất Trung Quốc

Khác xa với thành phố Đông Hưng ồn ào náo nhiệt, khung cảnh của cổng làng Vạn Vĩ với lũy tre, giếng nước, đình làng... bình yên như một làng quê Bắc Bộ của Việt Nam. Nhiều đoạn đường làng trên bờ tường tranh cổ động có cả chữ Trung Quốc và tiếng Việt.

Ở đây, từ người già đến lớp trẻ đều có thể nói được tiếng Việt. Thậm chí, chính quyền còn hỗ trợ người dân học tiếng Việt bởi nhờ truyền thống gia đình nên người dân học nhanh, thuận lợi hơn. Ngoài ra, sau này họ còn là nguồn thông dịch viên dồi dào trong việc giao thương giữa thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) và thành phố Đông Hưng. Những người Hán làm dâu, rể của ngôi làng này sau nửa năm, đến một năm cũng đã có thể nói chuyện được bằng tiếng Việt. Nhưng do vốn từ hạn chế nên khi trao đổi, Việt kiều tại Vạn Vĩ khi nói vẫn phải “pha” thêm tiếng Hoa.

Kinh tộcTam Đảo vốn nói tiếng Kinh và sử dụng phổ biến chữ Nôm, nhưng từ lâu họ cũng nói tiếng Quan thoại và sử dụng chữ Hán. Tuy nhiên, về ngữ pháp, người Kinh không nói ngược như dân Hán mà vẫn nói xuôi theo lối giao tiếp của người Việt.

Đình Hát thôn Vạn Vĩ ở Quảng Tây - Trung Quốc (Ảnh: Báo Tin tức).

Đình Hát thôn Vạn Vĩ ở Quảng Tây - Trung Quốc (Ảnh: Báo Tin tức).

Đã trải qua nhiều đời sinh sống trên đất khách nhưng người Việt vẫn giữ những phong tục tập quán truyền thống của cha ông để lại. Ví như từ ngày 20 đến 30 tháng Chạp, con cháu sẽ đi tảo mộ ông bà, cha mẹ. Trong ngày 30 Tết, người Kinh ở đây cũng sẽ giết heo, gà, vịt đủ dùng cho cả ngày mùng 1 Tết để không sát sinh, lấy may mắn đầu năm. Cũng như cha ông, người Việt tại Tam Đảo vẫn duy trì việc cúng cơm trong những ngày Tết.

Cũng như ở Việt Nam, vào ngày mùng 2 Tết, con gái đi lấy chồng phải về chúc mừng năm mới cha mẹ đẻ và phải mang theo gà, bánh chưng, hoa quả. Sau đó, ông bà sẽ mừng tuổi cho con cháu. Các dòng họ ở Tam Đảo có số ngày ăn Tết khác nhau, đối với họ Tô ăn Tết sau 3 ngày là hóa vàng.

Đồng thời, để tưởng nhớ công ơn vị thần đã che chở cho bà con Kinh tộc, người dân Vạn Vĩ vẫn gìn giữ truyền thống hội đình vào ngày 9/6 (Âm lịch) hằng năm và kéo dài trong vòng một tuần. Cũng phong tục này, người dân Trà Cổ (Móng Cái, Quảng Ninh) tổ chức hội vào ngày 1/6 (Âm lịch).

Đặc biệt, ngày nay ở thôn Sơn Tâm, những người con Hải Phòng lưu lạc vẫn giữ gìn được lễ hội chọi trâu lâu đời vào ngày 10/8. Đến nay, những người con Đồ Sơn trên đất Quảng Tây vẫn thuộc nằm lòng câu ca: “Dù ai buôn đâu, bán đâu/ Mùng 10 tháng 8 chọi trâu thì về. Dù ai buôn bán trăm nghề/ Mùng 10 tháng 8 thì về chọi trâu”. Ngoài ra, còn nhiều lễ hội khác mang dấu ấn người Việt vẫn còn được duy trì.

Không chỉ lưu giữ những điều đó, người Việt ở Quảng Tây vẫn lưu giữ được lối hát đối đáp giao duyên nghe du dương và trữ tình, kiểu như hát Quan họ ở miền Bắc Việt Nam bây giờ. Lối hát đúm hát đối này thường được tổ chức vào ngày Tết, ngày Hội. Nhạc cụ cổ truyền của người Kinh vẫn được họ gìn giữ và sử dụng thường xuyên như đàn nhị, sáo trúc, trống, cồng và đàn bầu là một nhạc khí chỉ riêng Kinh tộc có mà thôi. Người Kinh ở đây vẫn lưu giữ một kho tàng văn học dân gian truyền khẩu phong phú với ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích...

Về ẩm thực, người Kinh ở Tam Đảo vẫn làm nước mắm từ cá biển để chấm và nêm thức ăn như người Việt ở Việt Nam. Một trong những món ăn ưa thích của họ là bánh đa, bún riêu, bún ốc với hương vị đặc trưng của Việt Nam.

Phụ nữ Việt ở Vạn Vĩ thích áo dài và mặc áo dài hằng ngày. Đặc biệt, họ mặc áo dài truyền thống của Việt Nam với tà dài, quần ống suông, nón lá. Dịp hội làng hay ngày lễ, Tết, họ thường mặc áo dài đủ sắc màu và hát những bài hát Việt Nam.

Cuộc sống của người Việt ở làng Tam đảo giờ đã có nhiều thay đổi. Người dân không chỉ đánh cá mà còn biết làm giàu từ nguồn lợi dồi dào của biển, kinh doanh du lịch và giao thương buôn bán.

Đọc thêm