1. Em đấy ư?. Người phụ nữ kiêu bạc, vững vàng sau chiếc vô lăng taxi mà tôi hằng ngưỡng mộ. Ngày ấy, cách đây hơn 5 năm, vì lý do sức khỏe nên phương tiện di chuyển để đi làm của tôi phải chuyển từ xe máy sang taxi, và trong một lần đứng vẫy ven đường, tôi đã “vớ” được em.
|
Hình minh họa |
Có tìm thấy được sự yên tâm cũng như dáng vẻ kiên định cứng cỏi của em khi lái xe mà tôi đã dặn em ngày nào cũng đón đưa tôi đi làm.
“Đời em khổ lắm” – khi đã gắn bó với nhau hơn trên những chặng đường, em kể với tôi về cuộc đời mình. Chồng em chết vì tai nạn giao thông khi đứa con gái em vừa mới bập bẹ biết đi, biết nói. Bao nhiêu năm, thiếu vắng trụ cột gia đình, em bươn chải đủ thứ nghề nuôi con. Nhưng có lẽ nghề lái xe taxi là hợp với em nhất, hợp với cái tính ngang bướng, có chút gì kiêu bạc của em, nên em trụ lại lâu nhất. “Được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều cảnh người, cảnh đời, em thấy mình khuây khỏa hơn, chứ không còn cám cảnh thân mình như trước” – em tâm sự.
Bẵng mấy tháng đi công tác xa nhà, tôi lại trở về và ngồi cạnh em trên chiếc taxi. Trông em có vẻ mệt mỏi, mắt thâm, môi tai tái, thỉnh thoảng gồng người như cố ghìm cơn nôn ọe. Trả lời cho ánh nhìn dò hỏi của tôi, em thông báo: “Em đang có bầu, anh ấy của em kém những năm tuổi, cũng cùng nghề, nhưng chúng em yêu nhau lắm”. Rồi mắt em tự dưng như có làn mây xứ lạnh kéo qua: “Gia đình anh ấy cản mới ghê chứ, vì em hơn tuổi, lại là gái nạ dòng con bìu con díu. Nhưng chúng em yêu nhau!”. Em nghiêng sang tôi như sẻ chia nụ cười hạnh phúc…
Sáng nay, sau chừng ấy năm tôi gặp lại em. Chính xác hơn là gặp người đàn bà lam lũ, xộc xệch oằn lưng đạp chiếc xe thồ chở nặng rau. Trên người đàn bà đó chỉ còn lại nụ cười của em ngày xưa. Không đợi tôi hỏi, em nói luôn: “Chị còn nhớ em, thế là em mừng lắm rồi. Chứ người yêu của em quên em rồi, sau khi tặng lại cho em hai đứa con. Già rồi, tay lái không vững vàng nữa, em về quê trồng rau. Tài sản lớn nhất của em bây giờ là ba đứa con, ba cái tàu há mồm”. Nói rồi em cười, vẫn nụ cười của cô tài xế ngày ấy, nhưng đã nhuốm nhiều đắng cay của cuộc đời, bạc bẽo của phận người…
2. “Ôi, đàn bà!” – người bạn đầy nhạy cảm của tôi đã thốt lên như vậy khi đứng trước những hình người phụ nữ không đầu trong một triển lãm của mỹ thuật sắp đặt, mà chính bạn là người kéo tôi đi bằng được vì niềm đam mê nghệ thuật, vì muốn được ngắm nhìn sự tôn vinh của những người nghệ sĩ với cái đẹp. “Ôi, hóa ra phụ nữ thì không cần có đầu (óc) à?.
Thảo nào, ngày bé mình cứ ngêu ngao hát hùa theo lũ trẻ cùng phố “anh yêu em từ chân đến cổ, còn cái đầu vứt… nó đi” – giờ mới hiểu thằng người lớn nào mớm lời cho con trẻ mà đểu giả thế không biết. Ờ mà cũng phải thôi, nhan nhản trên mạng thông tin các em người đẹp bán dâm để mua nhà, sắm xe, xì căng đan lộ hàng đủ trò để hạ bệ nhau. Phụ nữ là “hàng”, có “hàng” mới là phụ nữ.
Thế thì những người phụ nữ có đầu (óc) để làm gì nhỉ?. Chắc là để cho cánh đàn ông đứng từ xa chiêm ngưỡng, suýt xoa: Ôi, người hành tinh khác!...” – những suy nghĩ của bạn tuôn ra như thác đổ, nhấn chìm tôi trong dòng xoáy của một sự thật: Đàn ông tôn sùng đàn bà, nhưng đồng thời cũng xem họ như một món hàng để bán – để mua – để nâng niu – để quăng quật. Những người đàn ông, không loại trừ một ai. Có nghĩa là sẽ có cả chồng mình, người yêu mình. Buồn thay!.
3. Một lần đi trên đường, thấy cô gái mặc áo phông có chữ “open”. Người tếu táo thì bảo: “Em kia đã được “mở”, được “bóc tem”. Kẻ nghiêm túc phản bác: “Đó là giải phóng, là cởi trói, là thoát khỏi định kiến giới. Thế kỷ 21 rồi!”. Ừ, đúng. Thế kỷ 21 rồi, sao vẫn mãi đau đáu, ôi đàn bà!.
Hà Nhân