Đấu giá biển số xe ô tô: Mức khởi điểm từ 20 triệu đồng/biển số

(PLVN) - Trước thực tế xã hội rất nhiều người có nhu cầu sở hữu “biển số đẹp” nhưng còn vướng mắc liên quan đến một số quy định pháp luật, Chính phủ đang xây dựng để trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Biển số xe đẹp hay không còn phụ thuộc vào quan niệm của mỗi người. (Ảnh minh họa)
Biển số xe đẹp hay không còn phụ thuộc vào quan niệm của mỗi người. (Ảnh minh họa)

Còn một số vướng mắc pháp lý

Thực tế xã hội trong nhiều năm qua cho thấy rất nhiều người có nhu cầu sở hữu những biển số xe theo sở thích, thường gọi là “biển số đẹp” tùy theo quan niệm của từng người. Chính vì xuất phát từ nhu cầu của người dân, Bộ Công an đã hai lần phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép đấu giá và thu lệ phí cấp biển số tự chọn (năm 1993 và năm 2008). Nhưng do báo chí và dư luận xã hội còn nhiều ý kiến trái chiều nên Chính phủ đã yêu cầu ngừng triển khai việc thu lệ phí cấp biển số tự chọn và đấu giá biển số.

Hiện nay, theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, biển số xe được coi là tài sản, là cơ sở pháp lý quan trọng làm tiền đề cho việc nghiên cứu, thực hiện công tác cấp biển số xe thông qua đấu giá. Tuy nhiên, quá trình xây dựng Đề án thực hiện công tác cấp biển số xe thông qua đấu giá, các quy định của một số đạo luật (Giao thông đường bộ, Đấu giá tài sản, Dân sự, Ngân sách nhà nước, Quản lý, sử dụng tài sản công...) vẫn còn một số vướng mắc pháp lý.

Trong đó, hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá; nếu việc đấu giá biển số thực hiện theo Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định về thu tiền cấp quyền lựa chọn sử dụng kho số phục vụ quản lý nhà nước thì cơ quan tổ chức đấu giá sẽ phải thành lập Hội đồng định giá hoặc thuê các tổ chức thẩm định giá để làm căn cứ xác định giá khởi điểm. Điều này rất khó khả thi do giá trị của biển số chỉ có giá trị ảo, phụ thuộc vào sở thích, nhu cầu của từng cá nhân, khó tìm được giá tương đương mà không có căn cứ, dữ liệu để xác định giá trị của quyền biển số.

Bởi giá trị của biển số gồm 2 phần: giá trị vật chất của biển số ô tô khi cấp đổi cho chủ phương tiện sẽ thu lệ phí là 100.000 đồng theo quy định của Thông tư 229/2016/TT-BCA ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính, quyền tài sản của biển số); đối với biển số chỉ có thể đấu giá từng biển số cho cá nhân theo sở thích, nhu cầu của từng cá nhân và giá trị đấu giá của biển số sẽ do thị trường quyết định, gắn chặt với công tác đăng ký, quản lý phương tiện vì biển số là tài sản công phục vụ quản lý nhà nước (tài sản đặc biệt).

Như vậy, theo quy định của pháp luật, không thể xác định được giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá. Trong khi việc đấu giá các tài sản công đặc thù (quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, tần số vô tuyến điện, kho số viễn thông và tên miền Internet) đều có Nghị định của Chính phủ hoặc Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể cách thức để xác định giá khởi điểm.

Hay về sử dụng nguồn thu từ đấu giá biển số ô tô, theo quy định hiện hành, Bộ Công an được Chính phủ giao thống nhất quản lý, đăng ký xe ô tô đồng nghĩa với việc các khoản thu từ đấu giá biển số sẽ nộp về ngân sách trung ương. Tuy nhiên, Bộ Công an đã phân cấp đăng ký, quản lý ô tô cho Công an cấp tỉnh và Công an cấp huyện, đồng nghĩa với địa phương phải chuẩn bị cơ sở vật chất và gắn trách nhiệm cho địa phương trong lĩnh vực đăng ký, quản lý xe nói riêng nhưng chưa có văn bản quy định về sử dụng tiền thu được từ đấu giá biển số, cơ chế trích lại % số tiền thu được từ đấu giá biển số cho ngân sách địa phương (UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị trích lại % tiền thu được cho ngân sách địa phương). Việc phân chia nguồn thu từ đấu giá biển số phân bổ cho ngân sách địa phương để có nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông là cần thiết.

Chính phủ đang xây dựng dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá để trình Quốc hội. (Ảnh minh họa)

Chính phủ đang xây dựng dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá để trình Quốc hội. (Ảnh minh họa)

Để triển khai hiệu quả việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá phải giải quyết sửa đổi đồng bộ 5 vấn đề trên quy định tại các Luật chuyên ngành gồm: Luật Quản lý tài sản công; Luật Giao thông đường bộ; Luật Đấu giá tài sản; Luật Ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để sớm triển khai thực hiện, căn cứ khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Không được phép chuyển nhượng biển số trúng đấu giá

Theo dự thảo Nghị quyết, biển số ô tô đưa ra đấu giá là biển số nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký mà có quan Công an dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, 6 tháng hoặc 1 năm; các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu đấu giá có thể tùy chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá để tham gia đấu giá.

Cơ quan Công an sẽ đăng công khai kho số đấu giá tại nơi đăng ký trên Trang thông tin đấu giá trực tuyến và trên trang thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông để người dân biết. Trường hợp các biển số qua kỳ đấu giá không thành thì hệ thống sẽ tự động chuyển về kho số không đấu giá để cấp theo hình thức ngẫu nhiên trên hệ thống đăng ký, quản lý xe cho người dân.

Không đưa ra đấu giá đối với biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách Nhà nước, xe của Quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, xe của doanh nghiệp Quân đội làm kinh tế, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức đó hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Cũng theo dự thảo Nghị quyết, người trúng đấu giá được sử dụng biển số trúng đấu giá, khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu được chuyển nhượng (bán, cho tặng, thừa kế) biển số trúng đấu giá theo xe nhưng người được chuyển nhượng xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác.

Về nghĩa vụ, người trúng đấu giá không được phép chuyển nhượng biển số trúng đấu giá (trừ trường hợp chuyển nhượng biển số trúng đấu giá theo xe).

Giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá được dự thảo Nghị quyết quy định theo vùng. Cụ thể, vùng 1 (gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) 40.000.000 đồng; vùng 2 (gồm các địa phương còn lại): 20.000.000 đồng.

Dự thảo Nghị quyết còn nêu rõ, trường hợp bán cho người duy nhất khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: khi hết thời hạn đăng ký tham gia mà chỉ có 1 người đăng ký tham gia đấu giá, 1 người tham gia cuộc đấu giá, 1 người trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm khi đấu giá lần đầu. Số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương./.

Đọc thêm