Dấu hiện cạnh tranh không lành mạnh khi lấy tên dự án của người khác làm nhãn hiệu?

 Việc đăng ký tên dự án của doanh nghiệp khác làm nhãn hiệu của mình là xâm phạm bí mật thương mại, có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh...

Việc đăng ký tên dự án của doanh nghiệp khác làm nhãn hiệu của mình là xâm phạm bí mật thương mại, có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh...

Nhà máy Xi măng Trung Sơn
Nhà máy Xi măng Trung Sơn

Lấy tên dự án của người khác làm nhãn hiệu

Dự án xây dựng nhà máy xi măng tại xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình được triển khai từ năm 1995. Năm 2003, UBND tỉnh Hòa Bình cho phép hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng Trung Sơn, công suất 1,2 triệu tấn/năm, do Cty CP tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh (Cty Bình Minh) làm chủ đầu tư. Dự án này nằm trong quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xi măng Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2020. Do đó, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 535/TTg-CN cho phép đầu tư dự án này.

Cty Bình Minh đầu tư xây dựng nhà máy với mục tiêu đến tháng 3/2011 sẽ xuất xưởng xi măng mang nhãn hiệu Trung Sơn. Nhưng trong lúc nhà máy đang được xây dựng thì một sản phẩm xi măng mang tên “Trung Sơn” đã xuất hiện trên thị trường khi Cty TNHH Xuân Mai có nhà máy sản xuất xi măng cách nhà máy xi măng Trung Sơn đang xây dựng khoảng nửa cây số đã nhanh tay đăng ký nhãn hiệu xi măng có danh từ “Trung Sơn” tại Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) và được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền cho nhãn hiệu “Trung Sơn – Xi măng pooc lăng hỗn hợp – Hoà Bình – Việt Nam” cho Cty Xuân Mai vào năm 2005.

Năm 2010, dự án nhà máy xi măng Trung Sơn hoàn tất và sản phẩm chuẩn bị đưa vào thị trường thì Cty Bình Minh phải đối mặt với thực tế là tên dự án, sản phẩm dự kiến đã bị Cty Xuân Mai “chiếm” mất. Vì vậy, Cty Bình Minh yêu cầu Cục SHTT hủy bỏ văn bằng bảo hộ độc quyền đã cấp cho Cty Xuân Mai. Theo Cty Bình Minh, dự án nhà máy xi măng Trung Sơn được triển khai từ năm 1995. Việc nhận Trung Sơn- vốn không liên quan đến dự án của Cty Xuân Mai làm tên sản phẩm của Cty này là cạnh tranh không lành mạnh.

Cạnh tranh không lành mạnh?

Sau khi xem xét đơn của Cty Bình Minh, Cục SHTT nhận thấy, dự án xi măng Trung Sơn được triển khai với trình tự, thủ tục được UBND tỉnh Hòa Bình và Chính phủ thực hiện công khai, đúng pháp luật. Đây là dự án được Nhà nước thừa nhận chính thức và nằm trong quy hoạch sản xuất xi măng của ngành xây dựng. Do đó, “Xi măng Trung Sơn” là một chỉ dẫn thương mại dưới dạng tên thương mại của Cty Bình Minh. Yếu tố tạo nên sự khác biệt của tên thương mại là danh từ “Trung Sơn”, thuộc đối tượng được bảo hộ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Cục SHTT cũng kiểm tra và xác định, chỉ dẫn thương mại “Dự án xi măng Trung Sơn” của Cty Bình Minh đã được xác lập trước ngày nộp đơn đăng ký nhãn hiệu có từ “Trung Sơn” của Cty Xuân Mai. Hơn nữa, việc Cty Xuân Mai đăng ký nhãn hiệu có từ “Trung Sơn” trùng với thành phần quan trọng nhất trong chỉ dẫn thương mại “Dự án xi măng Trung Sơn” mà Cty Bình Minh xác lập từ trước là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho Cty Bình Minh. Vì thế, ngày 8/12/2010 Cục SHTT đã ra Quyết định 2470, hủy bỏ từ “Trung Sơn” trong văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cấp cho Cty Xuân Mai.

Không đồng ý, Cty Xuân Mai khởi kiện và yêu cầu Tòa hủy Quyết định 2470 và TAND tỉnh Hòa Bình đã thụ lý đơn khởi kiện của Cty Xuân Mai từ ngày 17/8/2011.

Cũng liên quan đến việc sử dụng danh từ “Trung Sơn” trong nhãn hiệu hàng hóa của doanh nghiệp, UBND xã Trung Sơn đã đồng ý để Cty Bình Minh sử dụng tên địa danh của địa phương làm nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm xi măng được sản xuất tại nhà máy xi măng Trung Sơn. Điều này có thể khiến yêu cầu của Cty Xuân Mai về việc sở hữu danh từ này trong nhãn hiệu hàng hóa của Cty ngày càng khó thực hiện.

Luật sư Trần Việt Hùng, VPLS Trí Việt:

Yếu tố tranh chấp là danh từ “Trung Sơn” và câu hỏi ở đây là Cty Xuân Mai có được sử dụng danh từ này làm nhãn hiệu hàng hóa hay không? Tôi cho rằng, cần phải xem xét thực tế sử dụng cụm từ có chứa yếu tố tranh chấp. Cụm từ “Xi măng Trung Sơn” đã được thể hiện trong hồ sơ dự án sản xuất xi măng của Cty Bình Minh trước khi nhãn hiệu của Cty Xuân Mai được cấp bằng bảo hộ, là một chỉ dẫn thương mại cho sản phẩm hình thành trong tương lai. Do đó, dù chưa đăng ký sở hữu trí tuệ nhưng đây cụm từ có chứa thông tin chỉ dẫn thương mại này cũng được bảo hộ như là tên thương mại. Vì thế, việc Cục SHTT loại bỏ yếu tố gây nhầm lẫn về chỉ dẫn thương mại này khỏi nhãn hiệu đã được bảo hộ là hợp lý.

Hơn nữa, nếu không loại bỏ yếu tố gây nhầm lẫn trên thì người tiêu dùng có thể sẽ tưởng sản phẩm mang tên Trung Sơn là của nhà máy xi măng Trung Sơn. Điều này không có lợi cho người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Xuân Bính

Đọc thêm