Dấu hiệu bất thường từ án hình sự hóa

 Theo chỉ đạo của Lãnh đạo VKSNDTC, Vụ 1A đã có ý kiến phản hồi vụ  án liên quan đến Vũ  Đắc Lý, nhưng vẫn với những lập luận thiếu thuyết phục

Theo chỉ đạo của Lãnh đạo VKSNDTC, Vụ  1A đã có ý kiến phản hồi  vụ  án liên quan đến Vũ  Đắc Lý; nhưng vẫn với những lập luận thiếu thuyết phục.

Báo PLVN ngày 22/9/2010 có bài “Viện Kiểm sát phải theo lao” phản ánh tình trạng hình sự hóa tranh chấp dân sự đang tái bùng phát trở lại, đặc biệt là ngay giữa thủ đô Hà Nội và ở những cơ quan tiến hành tố tụng cao nhất.

Điển hình của vấn nạn hình sự hóa là 3 vụ án do Cơ quan điều tra (CQĐT) Bộ Công an khởi tố, VKSNDTC kiểm sát điều tra. Đó là vụ án Vũ Đắc Lý, do C15 (cũ) khởi tố, Vụ 1A kiểm sát điều tra; vụ tranh chấp hợp đồng đại lý giữa Công ty Tân Á và Công ty Thành Luân ở Nam Định do C14 (cũ) khởi tố, Vụ 1A kiểm sát điều tra và vụ tranh chấp tài khoản chứng khoán tại Công ty chứng khoán Bảo Việt do C15 khởi tố, Vụ 1 kiểm sát điều tra.

 
Trong kỳ họp Quốc hội hồi tháng 10/2010, Ủy ban Tư  pháp của Quốc Hội cũng đã đề cập đến vấn  đề này và yêu cầu VKSNDTC phải báo cáo trước Quốc hội về tình trạng hình sự hóa tranh chấp dân sự 5 năm trở lại đây, đặc biệt là 3 vụ án nêu trên.

Ngày 12/1/2011, Vụ 1A có Công văn số 61/VKSNDTC-V1A gửi Báo PLVN, phản hồi về vụ  án Vũ Đắc Lý mà Báo PLVN đã phản ánh trong bài báo “Viện Kiểm sát phải theo lao”. Theo ý của VKSNDTC tại văn bản này thì VKS không phải là cơ quan đi “giải quyết hậu quả” mà việc khởi tố của CQĐT là đúng và việc “miễn trách nhiệm hình sự” của VKSNDTC cũng là đúng pháp luật. Nhưng, những nội dung mà VKSNDTC nêu trong công văn này lại không nói như vậy.

Trở  lại vụ án, việc phạm tội của ông Lý được VKSNDTC mô tả  như sau: Ngày 8/12/2005, Cty đường sắt Hà Thái ký hợp đồng với Cty Lý Hùng  do ông Lý làm giám đốc, cho phép Cty Lý Hùng sử dụng nền đường sắt vào việc vận chuyển vật liệu và không được cho thuê lại. Ông Lý đã đầu tư tiền và cải tạo con đường này để sử dụng. Lúc đó có xe của Cty CP tư vấn đầu tư phát triển hạ tầng cũng đi vào con đường này, nhưng nhân viên của ông Lý đã chặn lại, không cho đi qua vì lý do đây là đường “độc quyền” của Cty Lý Hùng theo thỏa thuận với Cty đường sắt Hà Thái, đơn vị quản lý con đường này.

Cần  đường để vận chuyển vật liệu, nên Cty CP tư vấn đầu tư phát triển hạ tầng đã thỏa thuận trả tiền để sử dụng đường với mức 50 triệu đồng nhưng ông Lý không đồng ý mà đòi đủ 100 triệu đồng và Cty CP tư vấn đầu tư phát triển hạ tầng phải chấp nhận mức chi phí này. Tuy nhiên, họ đã báo cho Điều tra viên của CQĐT Bộ Công an “bắt quả tang” ông Lý khi ông nhận 100 triệu đồng theo thỏa thuận trên. Sự việc là như vậy nhưng ông Lý bị quy là “tội phạm theo kiểu xã hội đen”, bị khởi tố về tội “cưỡng đoạt tài sản” và bị giam 4 tháng.

Sau khi kết thúc điều tra, VKSNDTC đã chuyển hồ  sơ để VKSND huyện Hoài Đức (Hà Nội), nơi xảy ra vụ  việc thực hiện việc công tố tại tòa. Nhưng, cả VKS và Tòa án huyện Hoài Đức đều cho rằng, không có dấu hiệu của việc đe dọa sẽ dùng vũ lực đối với chủ sở hữu 100 triệu đồng nhằm chiếm đoạt số tiền này, nên hành vi của ông Lý không thể là tội phạm, không có căn để truy tố, buộc tội.

Lẽ  ra, với bản chất sự việc nêu trên thì VKSNDTC phải công nhận bắt giam, truy tố oan ông Lý. Song VKSNDTC đã chọn giải pháp “miễn trách nhiệm hình sự” (nghĩa là có tội nhưng được tha) theo Khoản 1, Điều 25 Bộ luật Hình sự. Đây là cách chối bỏ trách nhiệm do làm oan sai đối với công dân mà cách này được áp dụng rất nhiều lần tại chính VKSNDTC, trong đó có vụ tranh chấp giữa Cty Tân Á và Cty Thành Luân, vụ án xảy ra tại vũ Trường New Century (chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh trong các số báo tiếp theo).

Vụ  việc này có dấu hiệu lạm dụng quyền lực của một số người tiến hành tố tụng, được thể  hiện rất rõ trong các tình tiết của vụ án. Tại sao điều tra viên biết “hành vi phạm tội” sẽ  xảy ra để bắt quả tang nếu không có một sự  thỏa thuận trước với “bị hại”. Nếu là tội phạm, tại sao bị hại không báo cho Công an huyện Hoài Đức, có trụ sở gần đó mà báo ra tận Bộ Công an? Nếu hành vi trên là tội phạm thì CQĐT huyện Hoài Đức phải điều tra, nhưng sao C15 lúc đó lại vào cuộc…

Những dấu hiệu không bình thường này đã không được VKSNDTC xử lý mà lại phê chuẩn khởi tố, bắt giam ông Lý để rồi phải giải quyết bằng một quyết định đình chỉ không có căn cứ.

Xung quanh ý kiến của VKSNDTC, PLVN trao đổi với Luật sư Chu Mạnh Cường:

- Thưa  ông, VKSNDTC cho rằng, việc Cty Lý  Hùng và Cty quản lý  đường sắt Hà Thái ký  hợp đồng thuê nền  đường là vô hiệu nên việc  ông Lý yêu cầu Cty khác phải nộp tiền mới cho sử  dụng đường là phạm tội, là đúng hay sai?

- Nếu thỏa thuận thuê nền đường như trên là  hợp đồng dân sự vô hiệu thì thỏa thuận góp tiền để được sử dụng chung đường cũng là hợp đồng dân sự vô hiệu. Việc làm đó không bao giờ là tội phạm cả.  Chả  ai ép Cty CP tư vấn đầu tư phát triển hạ  tầng phải góp tiền để sử dụng đường cả, họ có thể đi đường khác. Không có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực, hành vi uy hiếp tinh thần để chiếm đoạt tài sản thì không cấu thành tội “cưỡng đoạt tài sản”.

- VKSNDTC cho rằng, số tiền 100 triệu  đồng đã trả lại cho bị hại là hậu quả được khắc phục, nên hành vi không còn nguy hiểm nữa. Vì thế đã ra quyết định “tha tội” cho ông Lý, ông nhận định thế nào về vấn đề này?

- Có  hàng nghìn vụ án mà các bị can, bị cáo  đã khắc phục hết hậu quả nhưng họ vẫn có  tội mà không được “miễn” với lý do đã khắc phục hậu quả. Lập luận như vậy là không đúng với quy định của Khoản 1, Điều 25, Bộ luật Hình sự.  

Điều luật này quy định, sự chuyển biến của tình hình làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm nữa nghĩa là có sự thay đổi của tình hình thực tế hoặc chính sách hình sự khiến cho việc xử lý hình sự đối với hành vi phạm tội là không cần thiết nữa thì “tha tội” cho người phạm tội. Ông Lý bị coi là “xã hội đen” thì việc khắc phục hậu quả chứ trả thêm gấp đôi thì nếu có tội vẫn phải nghiêm trị. Cách lý giải này là cách để chối bỏ trách nhiệm mà thôi.

- Xin cảm ơn ông.

Bình Minh    

Đọc thêm