Đầu tư công ở Bộ Giao thông Vận tải: Công trình, dự án nào “ngốn” hết 16.000 tỷ?

(PLVN) - 10 tháng qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mới chỉ “tiêu” được 9.400/26.000 tỷ đồng vốn được giao theo kế hoạch năm. Như vậy, từ nay đến trước Tết Dương lịch, Bộ GTVT sẽ phải giải ngân hết 16.000 tỷ đồng còn lại?

Một số dự án đã “hấp thụ” vốn

Một số ý kiến cho rằng, Bộ GTVT đang quá lạc quan với kế hoạch giải ngân trong những tháng còn lại của năm, bởi 10 tháng đầu năm nay, số giải ngân của toàn ngành đạt rất thấp so với dự kiến. Tuy nhiên, trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Duy Lâm - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) khẳng định: “Con số nói trên là hoàn toàn có cơ sở để thực hiện, dù vốn đầu tư công còn lại đang là 16.000 tỷ đồng”.

Thưa ông, vì sao kế hoạch vốn đã được đăng ký và xây dựng khá chi tiết đối với nhiều dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Bộ mà thực tế triển khai lại chậm như thế?

 - Theo Luật Đầu tư công mới ban hành, việc triển khai các dự án phải trải qua nhiều khâu về mặt thủ tục như báo cáo đánh giá tác động môi trường, phê duyệt khung giá đền bù… bắt buộc phải có ý kiến của nhiều bộ, ngành, địa phương liên quan nên việc triển khai mất thêm thời gian, tiến độ giải ngân chậm lại.

Đối với các dự án cũ đã, đang triển khai thì một số nơi đang vướng mắc giải phóng mặt bằng hoặc một số công trình nằm ở những địa phương có diễn biến thời tiết bất lợi nên tiến độ thi công bị ảnh hưởng. Riêng các dự án đã hoàn thành, có công trình phải chờ đợi nhà thầu hoàn thành các thủ tục nội nghiệp mới ra được hồ sơ làm căn cứ nghiệm thu, thanh toán…

Tất cả những lý do nêu trên đã khiến cho kế hoạch giải ngân các dự án giao thông 10 tháng của năm 2019 chậm hơn so với kế hoạch đã định.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Duy Lâm: “Cao tốc Bắc - Nam và một số công trình cấp bách sẽ sử dụng hết 16.000 tỷ vốn đang tồn đọng”
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Duy Lâm: “Cao tốc Bắc - Nam và một số công trình cấp bách sẽ sử dụng hết 16.000 tỷ vốn đang tồn đọng”

Căn cứ nào để Bộ GTVT dám chắc chắn rằng, từ nay đến cuối năm nay sẽ cơ bản giải ngân hết 16.000 tỷ  đồng, thưa ông?

- Trong con số nêu trên có khoảng hơn 7.000 tỷ là cho Dự án cao tốc Bắc - Nam. Cụ thể, có 4.000 tỷ là phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, đã chuyển cho các địa phương giải ngân và dự kiến sẽ hoàn thành từ nay đến hết tháng 1/2020. 3.000 tỷ còn lại phục vụ xây lắp các dự án được dùng từ nguồn ngân sách cũng sẽ thuận lợi vì từ nay đến hết năm 2019 sẽ đấu thầu và khởi công toàn bộ các dự án này.

Theo quy định, sau khi ký hợp đồng với các PMU, các nhà thầu sẽ được tạm ứng hợp đồng ngay nên công tác giải ngân cho các dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam được dự báo sẽ diễn ra thuận lợi trong năm nay.

Khoảng 8.000 tỷ đồng còn lại cho các dự án, công trình cấp bách thì hồ sơ,  thủ tục đã hoàn thành và đang bước vào giai đoạn triển khai thi công trên thực tế nên cũng không có gì trở ngại trong công tác giải ngân vốn.

Xem xét trách nhiệm PMU chậm “tiêu” tiền

Ngoài các quy định của pháp luật về đầu tư công mà Bộ phải thực hiện nghiêm, có nguyên nhân chủ quan nào từ phía các cơ quan thuộc Bộ GTVT - chẳng hạn như các ban quản lý dự án (PMU) làm khó khiến việc tạm ứng hợp đồng hay thanh, quyết toán công trình của nhà thầu bị chậm, kéo theo giải ngân chậm, thưa ông?

- Thủ tục và tiến độ thanh, quyết toán công trình do các PMU trực tiếp thực hiện được 2 đơn vị thuộc Bộ là Vụ Tài chính và Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông kiểm tra, giám sát một cách thường xuyên.

Dưới góc độ tham mưu về lĩnh vực kế hoạch - đầu tư, chúng tôi cũng sẽ ghi nhận những thông tin, phản ánh này nếu có căn cứ. Ngoài ra, với vai trò là đơn vị chủ trì đánh giá, xếp hạng năng lực các PMU hàng năm, chúng tôi sẽ tập hợp thông tin từ các đại diện chủ đầu tư và kết quả thực hiện các công trình dự án thực tế để làm căn cứ chấm điểm và sẽ công bố công khai.

Các PMU nghề chính của họ là quản lý dự án mà điều hành dự án không  chạy, thanh, quyết toán, giải ngân không đạt kết quả thì vị trí của PMU đó trong bảng xếp hạng chắc chắn không cao. Thậm chí, theo cảnh báo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, PMU nào làm không tốt, sẽ không được giao thêm dự án và lãnh đạo ở đó sẽ bị xem xét điều chuyển.

Các PMU đã đăng ký nguồn vốn cho các dự án trong năm, nhưng thực tế không giải ngân hết phần vốn theo kế hoạch, Bộ GTVT sẽ giải quyết như thế nào?

- Bộ sẽ tính tới phương án điều hòa nguồn vốn đã bố trí trước đó. Tôi lấy ví  dụ như vốn phục vụ giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam đã giao cho từng địa phương, nhưng địa phương nào giải ngân chậm thì chúng tôi sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền để chuyển đến nơi đang có nhu cầu vốn thực sự.

Cụ thể, hiện nay việc giải ngân đoạn qua Bình Thuận đang rất tốt với khoảng  800 tỷ và tỉnh này đang có nhu cầu thêm vốn thì chúng tôi sẽ xin chủ trương điều hòa nguồn này từ các tỉnh phía Bắc đang giải ngân chậm để phục vụ việc giải ngân ở Bình Thuận, với tổng cộng con số phải giải ngân ở đây là gần 1.000 tỷ đồng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Một PMU tồn cả ngàn tỷ

“PMU6 là một trong số các PMU thuộc Bộ GTVT đang tồn đọng vốn đầu tư công lên tới con số ngàn tỷ. Một số dự án chưa giải ngân được của đơn vị này là các cầu yếu giai đoạn 2 (332 tỷ đồng), Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu (448 tỷ đồng), đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (426 tỷ đồng), đường nối QL4C - 4D (77 tỷ đồng)... Tuy nhiên, lãnh đạo PMU6 mới đây cho hay, thủ tục giải ngân các dự án hiện đã đầy đủ, khả năng Ban này sẽ tổng kết năm với việc giải ngân đạt 95%  kế hoạch năm 2019”.

Đọc thêm