Đầu tư nguồn lực thỏa đáng cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật

(PLVN) -Thời gian qua, công tác tổ chức thi hành pháp luật ngày càng được quan tâm thực hiện và đạt nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên để tạo chuyển biến mạnh trong công tác này cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp.

Dịch vụ bổ trợ tư pháp phát triển mạnh

Theo Bộ Tư pháp, số lượng các luật, pháp lệnh còn nợ văn bản quy định chi tiết thi hành giảm đáng kể, trong đó có năm Chính phủ không nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, được Quốc hội ghi nhận. Công tác kiểm tra rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được triển khai thường xuyên, định kỳ và theo chuyên đề. Đặc biệt, để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 kịp thời, bảo đảm tính tối thượng của Hiến pháp, công tác rà soát, lập danh mục đề xuất văn bản quy phạm pháp luật cần bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Trong giai đoạn 2013 - 2020, các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã thực hiện 02 kỳ hệ thống hóa VBQPPL thống nhất trong cả nước, (kỳ hệ thống hóa 31/12/2013 và kỳ hệ thống hóa 2014 - 2018). Thông qua hoạt động rà soát thường xuyên, rà soát theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn, các bộ, ngành, cơ quan liên quan, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật; phát hiện và đề xuất nhiều giải pháp hoàn thiện pháp luật.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được đẩy mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, hướng về cơ sở; nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật đã bám sát thực tiễn, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đa dạng, phong phú phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, địa bàn. Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương ngày càng được kiện toàn, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tiếp cận của người dân đối với hệ thống pháp luật, về cơ bản, các cơ quan này đều có trang thông tin phục vụ công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Hệ thống các dịch vụ bổ trợ tư pháp và trợ giúp pháp lý có bước phát triển mạnh, tạo điều kiện để người dân tiếp cận tốt hơn với hệ thống tư pháp, pháp luật và nâng cao năng lực quản trị rủi ro pháp lý trong đầu tư, kinh doanh.

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật tiếp tục được tăng cường. Theo kết quả thống kê của Công an các đơn vị, địa phương, qua hơn 07 năm triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, lực lượng Công an nhân dân đã xử phạt vi phạm hành chính 34.737.167 với số tiền phạt thu được là 25.788.723.096.868 đồng; đã phát hiện, chuyển hồ sơ đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự 19.814 vụ; áp dụng biện pháp thay thế đối với người chưa thành niên là 48.860 trường hợp. Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đã tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ thanh tra các vụ việc phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Cuộc chiến chống tham nhũng thu được nhiều thành tựu nổi bật.

Có cơ chế thu hút, khuyến khích các chuyên gia, nhà khoa học

Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, việc tổ chức thi hành pháp luật còn chưa được quan tâm đúng mức, thiếu giải pháp đột phá nên hiệu quả thi hành pháp luật còn hạn chế. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa cao, tình hình vi phạm pháp luật, tranh chấp, khiếu kiện còn diễn biến phức tạp. Việc gắn kết giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực pháp luật chưa thực sự hiệu quả, chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu thực tiễn...

Chỉ ra nguyên nhân, Bộ Tư pháp cho rằng, thời gian tới, cần xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể trong quy trình xây dựng và thi hành pháp luật. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời chú trọng công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện; cần quan tâm thực chất, đầu tư nguồn lực thỏa đáng cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Có cơ chế thu hút, khuyến khích các chuyên gia, nhà khoa học, những người hoạt động thực tiễn có trình độ, kinh nghiệm chuyên sâu tham gia thực chất, hiệu quả vào công tác này. Thực hiện các giải pháp bảo đảm chất lượng các dịch vụ pháp lý, bổ trợ tư pháp, có chính sách cụ thể để “phủ sóng rộng” và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực này. Chú trọng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, tăng cường đối thoại, kịp thời giải đáp về các vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật.

Bên cạnh đó, tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật, phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và các hình thức tổ chức thi hành pháp luật khác.

Đọc thêm