Đầu tư nhân lực, đẩy mạnh giáo dục quốc phòng - an ninh

Trung tướng Nguyễn Hữu Cường - Tư lệnh Quân khu 4 trả lời phỏng vấn về công tác giáo dục quốc phòng - an  ninh (GDQP-AN) trên địa bàn Quân khu 4 - nơi có địa hình đa dạng, phức tạp, đặc biệt là vùng núi phía tây với 32 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 15%.

Trung tướng Nguyễn Hữu Cường - Tư lệnh Quân khu 4 trả lời phỏng vấn về công tác giáo dục quốc phòng - an  ninh (GDQP-AN) trên địa bàn Quân khu 4 - nơi có địa hình đa dạng, phức tạp, đặc biệt là vùng núi phía tây với 32 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 15%.

Trung tướng có thể cho biết hoạt động GDQP-AN của Quân khu?

- Luôn xác định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác GDQP-AN, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong thực hiện công tác quân sự, quốc phòng của quân khu và các địa phương, do đó, các địa phương, đơn vị đã tổ chức quán triệt các chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị định của Chính phủ. Các văn bản được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, sâu rộng từ Quân khu xuống cơ sở bằng nhiều hình thức, phương pháp phù hợp.

Trung tướng Nguyễn Hữu Cường
Trung tướng Nguyễn Hữu Cường

Để thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng, Bộ Tư lệnh, Hội đồng GDQP-AN Quân khu đã chỉ đạo Hội đồng GDQP-AN các tỉnh khảo sát, phân loại đối tượng. Trên cơ sở đó chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phân chỉ tiêu bồi dưỡng từng năm đến hết năm. Hàng năm, Quân khu, cơ quan quân sự, công an các cấp tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, thống nhất chương trình, nội dung, phương pháp cho cán bộ quản lý, giáo viên bồi dưỡng kiến thức QP-AN theo phân cấp; vì vậy, chất lượng bồi dưỡng không ngừng được nâng lên.

Hội đồng GDQP-AN các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn, đủ về số lượng, nâng cao chất lượng, có cơ cấu thành phần hợp lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đã ban hành quy chế hoạt động, kế hoạch công tác từng giai đoạn và hàng năm bám sát với tình hình địa phương cơ sở. Hoạt động của hội đồng, ban thường trực, cơ quan thường trực hội đồng đúng quy chế và đi vào nền nếp, hiệu quả hoạt động của hội đồng ngày càng được nâng lên nhất là ở Quân khu, tỉnh; chất lượng các phiên họp hội đồng, ban thường trực không ngừng được nâng lên, mang lại hiệu quả thiết thực, các thành viên hội đồng phát huy tốt vai trò trách nhiệm trên từng địa phương, lĩnh vực mình phụ trách, vì vậy, đã tham mưu đề xuất đúng, kịp thời cho Đảng ủy, BTL Quân khu, cấp ủy, chính quyền cùng cấp triển khai thực hiện có hiệu quả công tác GDQP-AN, góp phần quan trọng vào  nhiệm vụ quân sự, QP-AN trên địa bàn.

Thưa Trung tướng, thời gian qua, Quân khu đã làm gì để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên còn thiếu cả về số lượng và yếu về chất lượng? 

- Đối tượng giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN của Quân khu lớn. Toàn Quân khu có 33 trường đại học, cao đẳng, 45 trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, 341 trường trung học phổ thông(THPT) và khoảng 565.000 cán bộ, đảng viên trong diện bồi dưỡng kiến thức QP-AN. Trước năm học 2005-2006, giáo viên giảng dạy môn GDQP-AN ở hầu hết các trường cơ bản là sĩ quan quân đội, giáo viên dạy thể dục, giáo dục công dân kiêm nhiệm.

Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh phối hợp với trường ĐH Vinh, ĐH Huế đào tạo giáo viên ngắn hạn, ghép môn cho các trường THPT, Trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng trên địa bàn và phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự, công an hàng năm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên GDQP-AN các cấp.

Một số địa phương tổ chức cho cán bộ, giáo viên đi học tập kinh nghiệm các địa phương bạn để vận dụng tại địa phương mình. Vì vậy, đến nay, số lượng, chất lượng giáo viên GDQP-AN cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Cụ thể, toàn Quân khu có 916 giáo viên giảng dạy môn GDQP-AN, trong đó có 855 giáo viên đã qua đào tạo chính quy và đào tạo ngắn, 58 giáo viên qua bồi dưỡng, tập huấn và 7 giáo viên là các nguồn khác.

Xin Trung tướng cho biết kết quả GDQP-AN của Quân khu?

- Bồi dưỡng kiến thức QP-AN đã góp phần làm chuyển biến nhận thức, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ QP-AN, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, từ đó, giúp cho cán bộ vận dụng vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế, văn hóa - xã hội với QP-AN, góp phần quan trọng vào giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội. Xin cảm ơn Trung tướng.   

Quân khu 4 gồm 6 tỉnh, 85 huyện, thành, thị, 1.830 xã, phường, thị trấn trong đó có 22 huyện, 89 xã giáp biên giới. Dân số khoảng 10,5 triệu dân. Đến nay, toàn quân khu đã bồi dưỡng cho đối tượng 1 được 71/9%, đối tượng 2 được 98,2%, đối tượng 3 được 92,5%, đối tượng 4 được 95,3%, đối tượng 5 được 91,7%, chức sắc, nhà tu hành, chức việc các tôn giáo được 52,1%, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ được 4 lớp cho 96 người…Ngoài ra, các tỉnh còn bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ của nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.

Lam Hạnh (thực hiện)

Đọc thêm