Có một câu chuyện hết sức thơ mộng về cây phù dung, song lại rất hợp với đề tài ta sắp bàn. Một chị kia mới về làm dâu nhà nọ. Chị vẫn chưa thuộc hết đường đi lối lại ở quê chồng. Buổi sáng đi chợ, nhìn cây phù dung trước cổng, chị nghĩ bụng: cứ nhớ nhà ta có cây hoa màu trắng. Nhưng chiều về, chị tần ngần trước cổng nhà mình mà không dám vào. Chỉ vì cây phù dung buổi sáng hoa màu trắng giờ hoa mang màu đỏ.
|
Một tiết dò bài ôn thi môn sử của học sinh lớp 12A2 Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng |
Cây phù dung, cái cây có thật, cũng giống như lịch sử, toàn là chuyện có thật. Còn cái cây đó với hai màu hoa khác nhau có thể cũng giống như hai cách biểu đạt những cái có thật trong lịch sử: sử học và tác phẩm nghệ thuật có đề tài lịch sử.
Trước hết, nói về lịch sử thì cần nói ngay tới sự nhập nhằng lâu đời về khái niệm và thuật ngữ. Cùng một từ lịch sử, song đó có thể hiểu là “cái lịch sử” như một dòng chảy theo thời gian những việc có thật trong đời sống tự nhiên và xã hội. Và đó cũng có thể hiểu như là “cái sử học” với các nhà viết sử và những cuốn sách lịch sử nhiều khi tách biệt khỏi dòng chảy của những điều có thật của lịch sử.
Để tránh nhập nhằng một khái niệm “lịch sử” mang hai nhiệm vụ, ta nên gọi môn học này là sử học (tương tự với sinh học, hình học, toán học...). Ta sẽ thống nhất cách hiểu: lịch sử là dòng chảy không ngừng nghỉ hiện tượng tự nhiên và sự kiện xã hội trong thời gian; còn sử học là nghiên cứu và truyền bá tri thức để hiểu và rút được những điều bổ ích từ dòng chảy đó.
Dạy Sử cho các bậc học
Song, khi tính chuyện dạy sử học trong nhà trường, chúng ta cần xem xét trước hết điều vô cùng hệ trọng này: cách học - và kéo theo là cách dạy - ở các bậc học. Ta phải trả lời trước hết: nhiệm vụ của từng bậc học là gì, do đó cách học ở mỗi bậc học khác nhau ra sao. Chỉ như vậy mới có hướng đi và cách tiến hành từng môn học (trong đó có sử học).
Một nền giáo dục hiện đại hóa được phân biệt hoàn toàn với nền giáo dục cũ ở một điểm này: nền giáo dục cũ chú trọng dạy kiến thức (biết nhiều), còn nền giáo dục hiện đại hóa chú trọng việc dạy cách đi tìm kiến thức (cách biết).
Dĩ nhiên, một cách đi tìm kiến thức đúng phải dẫn tới kết quả. Nếu hệ thống giáo dục cũ tạo ra những cái đầu đầy kiến thức, thì hệ thống giáo dục hiện đại hóa dạy cách đi tìm kiến thức sẽ thể hiện ở những cái đầu có tổ chức. Điều này càng đặc biệt quan trọng ngày nay khi bên cạnh những thư viện sách báo in còn có thư viện ảo, mà chỉ cần một đầu óc cởi mở và biết cách tìm kiếm sẽ có kiến thức gấp trăm ngàn lần cách làm việc với những thư viện cồng kềnh.
Bây giờ nên đổi bậc tiểu học xưa nay thành bậc phổ thông cơ sở - kéo dài từ sáu năm (xem “Cần tính đến việc thay đổi hệ thống giáo dục”, tạp chí Thế Giới Mới và trên trang VietNamNet tháng 2-2010) hoặc chín năm (kiến nghị của giáo sư Hoàng Tụy tại buổi thuyết trình gần đây ở Ban Tuyên giáo trung ương). Hết bậc phổ thông cơ sở này, thiếu niên 15-16 tuổi có thể tự biết cách kiếm sống lương thiện.
Ngoài khả năng tự kiếm sống, thiếu niên đó cũng có thể học lên bậc trung học để hoặc là vào trường nghề bậc cao, hoặc là vào trường đại học. Cả hai hướng đi đó đều cần được chuẩn bị về phương pháp sống và làm việc, chứ không phải là chuẩn bị về kiến thức.
Chỉ nói như vậy đã thấy nhiệm vụ bậc học phải được xác định cho rõ thì mới tổ chức được việc học của con em. Bậc phổ thông cơ sở là bậc học cách học để biết cách tự chiếm lĩnh kiến thức, bậc phổ thông trung học hướng nghiệp là bậc học cách trang bị tri thức nghề nghiệp theo định hướng chuyên môn riêng rẽ, và bậc phổ thông trung học cơ bản là bậc học cách tập tự nghiên cứu để chuẩn bị vào học cách nghiên cứu thật sự ở bậc đại học.
Vậy, trước sự khác nhau về nhiệm vụ bậc học như thế, môn sử học sẽ tiến hành khác nhau ra sao?
Từ rung cảm lịch sử...
Trước hết, ở bậc phổ thông cơ sở, cách học - và tương ứng là cách tổ chức việc học, hoặc cách dạy - sẽ diễn ra như thế nào?
Theo sự nghiên cứu tâm lý lứa tuổi của nhà tâm lý học Thụy Sĩ Jean Piaget, ở bậc phổ thông cơ sở này, trẻ em có hai thời kỳ: thời kỳ của những thao tác cụ thể và thời kỳ của những thao tác trừu tượng.
Tương ứng với thời kỳ “cụ thể”, việc học sử học cần tiến hành để tạo ra những rung cảm lịch sử, những xúc động do tự đặt mình vào vai những nhân vật lịch sử trong những sự kiện lịch sử nhớ đời.
Đây không thể là giai đoạn ních đầy đầu những con số. Đây phải là thời kỳ thi nhau đóng vai, chẳng hạn như vai Trần Bình Trọng trả lời giặc: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”... Rồi đóng và diễn cảm cả những đoạn văn dài hơn, như của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa. Chỉ căm tức rằng chưa xả thịt lột da, moi gan uống máu quân thù, dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng nguyện xin làm...”.
Các nhà viết sách giáo khoa phải chuẩn bị những đoạn kịch mẫu để gợi cho các em tự tạo ra những đoạn kịch khác thể hiện những bối cảnh khác, chẳng hạn như cảnh vua Trần Thái Tông hoang mang để thái sư Trần Thủ Độ phải trấn an: “Đầu hạ thần chưa rơi xuống, thì xin bệ hạ chớ lo”.
...Đến tinh thần hoài nghi khoa học
Đến cuối bậc phổ thông cơ sở, các em bắt đầu đến với lịch sử để có tinh thần hoài nghi khoa học đối với sử học. Ở hai lớp cuối bậc phổ thông cơ sở, các giờ tiếng Việt tổ chức cho các em tập tổ chức hội thảo để tranh luận và tìm chân lý. Đó là cơ hội để các em đem kiến thức lịch sử vận dụng vào cách học đó. Thuật ngữ “hoài nghi khoa học” không có nghĩa là dạy nghi ngờ: ngay việc dạy các em tìm tư liệu để chứng minh những điều các em tin tưởng cũng là một phương cách chống lại việc tiếp nhận thụ động tất dẫn tới nghi ngờ tiêu cực.
Lên bậc phổ thông trung học (cả cơ bản và hướng nghiệp), sử học vẫn tiếp tục con đường nghiên cứu các sự kiện một cách khoa học. Trong suốt ba (hoặc bốn) năm học, với sự dẫn dắt của giáo viên, mỗi em (hoặc mỗi nhóm) tập làm một đề tài nghiên cứu, với yêu cầu đặt ra khác nhau giữa hai nhánh trung học hướng nghiệp và trung học cơ bản.
Những yêu cầu về dạy sử học ở trường phổ thông trên đây, nếu được đáp ứng, sẽ tạo ra những học sinh yêu sử học vì thấy mình được đến và đến được với lịch sử như đến với khoa học, chứ không đến với lịch sử như đến với “nghệ thuật”.
Tác phẩm khoa học có đề tài lịch sử Dịch giả Phan Ngọc khi giới thiệu Sử ký Tư Mã Thiên (Nhà xuất bản Văn Học, 2007) viết về chức sử quan: “Chức sử quan ngoài việc chép sử còn coi thiên văn, làm lịch, bói toán. Nghề viết văn, viết sử, xem sao, xem lịch cũng gần với bọn thầy bói, thầy cúng. Chúa thượng vẫn đùa bỡn nuôi như bọn con hát, còn thế tục vẫn coi thường. Tuy vậy, Tư Mã Đàm (cha của Tư Mã Thiên) vẫn thấy cái nghề của mình là cao quý vì ông biết nó có tác dụng to lớn đối với sự thịnh suy, hưng vong của một nước”. Phan Ngọc kể về một điển tích sử quan rất đáng suy nghĩ: “Chẳng hạn khi Thôi Trữ giết vua Tề thì quan thái sử nước Tề viết: “Thôi Trữ giết vua của mình là Trang Công”. Quan thái sử bị giết, người em lên thay vẫn viết như vậy nên bị giết luôn. Ngay lúc đó, người em thứ ba xin lên thay không thêm bớt một chữ. Thôi Trữ sợ không dám giết”. Nhưng liệu trên đời có được bao nhiêu phần trăm nhà sử học sống đàng hoàng như các sử quan ấy? Chính vì vậy, lúc này mới cần những tác phẩm nghệ thuật có đề tài lịch sử. Nếu như các nhà sử học đóng góp vào khoa học lịch sử bằng sự trung thực khoa học (và cả đối cực là sự trí trá khoa học) thì các nghệ sĩ lại chỉ đóng góp bằng cái thế mạnh duy nhất của họ: sự nhạy cảm. Sự nhạy cảm của những kẻ chỉ nhìn đời bằng con tim chứ không nhìn bằng mắt thường. Đề tài của họ là lịch sử, nhưng tâm sự của họ, tư tưởng của họ, cùng với tài năng của họ, sẽ gửi cho đời những thông điệp ứa máu. Khi không có thông điệp đó, tác phẩm đẻ ra có hoành tráng đến đâu, tiền có vung ra như rác thì cũng chỉ lộ diện những sử quan phi khoa học làm thuê. |
Theo Phạm Toàn
Tuổi Trẻ