Đẩy mạnh truyền thông về những chính sách quan trọng trong dự thảo văn bản

(PLVN) -Sáng 29/9, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Trưởng Ban soạn thảo đã chủ trì phiên họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập Đề án “Tổ chức thông tin, phổ biến chính sách quan trọng trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để tạo đồng thuận xã hội”.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Trưởng Ban soạn thảo chủ trì phiên họp.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Trưởng Ban soạn thảo chủ trì phiên họp.

Còn nhiều hạn chế, bất cập

Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Phan Hồng Nguyên cho biết, trong giai đoạn hiện nay, công tác tổ chức thi hành pháp luật nói chung, PBGDPL nói riêng ngày càng được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Công tác PBGDPL với vai trò là khâu đầu tiên của quá trình tổ chức thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống cần được đổi mới tư duy, cách thức thực hiện để phù hợp với tình hình hiện nay theo hướng gắn kết hơn nữa công tác PBGDPL với xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Phan Hồng Nguyên trình bày những nội dung cơ bản của Dự thảo Đề án.

Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Phan Hồng Nguyên trình bày những nội dung cơ bản của Dự thảo Đề án.

Trên thực tiễn, trong những năm qua, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), các đề xuất chính sách, dự thảo VBQPPL đã được tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Việc đăng tải công khai dự thảo VBQPPL trên các Cổng/Trang thông tin điện tử để lấy ý kiến người dân đã được thực hiện theo quy định. Một số dự thảo văn bản có nội dung chính sách quan trọng đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, nhà khoa học, cán bộ quản lý, chuyên gia về lĩnh vực liên quan.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc lấy ý kiến đối với đề xuất chính sách, dự thảo VBQPPL còn hạn chế, bất cập, như: chưa chú trọng lấy ý kiến của người dân, các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách; việc tổ chức lấy ý kiến dự thảo VBQPPL nhìn chung còn mang tính hình thức; việc tham gia góp ý dự thảo VBQPPL của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa được quan tâm đúng mức và kịp thời; một số VBQPPL sau khi ban hành mới xuất hiện ý kiến trái chiều, phản ứng chính sách từ cộng đồng xã hội...

Dự thảo Đề án tập trung vào các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công tác thông tin, phổ biến chính sách quan trọng trong dự thảo VBQPPL; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ trì soạn thảo; hoàn thiện thể chế chính sách; chỉ đạo, định hướng nội dung chính sách pháp luật quan trọng của dự thảo cần tập trung thông tin; các hình thức thông tin phù hợp từng đối tượng, địa bàn cụ thể; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ; huy động nguồn lực xã hội; tổ chức khảo sát đánh giá mức độ tiếp cận thông tin. Dự thảo đề án cũng xác định nhiệm vụ cụ thể của Bộ Tư pháp (cơ quan thường trực Đề án) và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, UBND cấp tỉnh…

Truyền thông từ giai đoạn nào?

Tại cuộc họp, bà Phạm Thuý Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ tên gọi của Đề án, các căn cứ pháp lý, nội dung của các chính sách. Đối với các đối tượng đặc thù, bà Hạnh cho rằng hiện nay đã có nhiều Đề án hướng đến nhóm đối tượng này, do đó cần phải rà soát kỹ để tránh trùng lắp, tiêu chí phải rõ ràng để dễ dàng triển khai trên thực tiễn.

Ông Nguyễn Uyên Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại phiên họp.

Ông Nguyễn Uyên Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại phiên họp.

Theo ông Nguyễn Uyên Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Ban Nội chính Trung ương, Đề án cần huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị; làm rõ tính đặc thù, tăng cường các giải pháp để thực hiện thông tin về chính sách quan trọng đến với cán bộ, nhân dân. Đề án không nên bó hẹp trong phạm vi 1 dự thảo văn bản nào mà nên dành quyền chủ động cho các Hội đồng PHPBGDPL trong công tác truyền thông, trong hoạt động xây dựng VB cùng với cơ quan chủ trì soạn thảo VB.

Cũng theo ông Minh, cần thông tin, phổ biến ngay từ giai đoạn đề xuất chính sách, những vấn đề còn ý kiến khác nhau; những vấn đề phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; những vấn đề thí điểm. Việc đồng thuận xã hội cần cả từ phía chủ thể ban hành VBQPPL.

Lấy ví dụ về câu chuyện giấy đi đường trong phòng chống dịch Covid tại Hà Nội vừa qua, bà Vũ Thị Thanh Tú, Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp TP Hà Nội thì cho rằng ngoài việc thông tin, phổ biến chính sách quan trọng trong dự thảo VBQPPL thì những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm cũng phải được phổ biến, truyền thông rộng rãi để nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền thông, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng, việc đẩy mạnh thông tin truyền thông trong quá trình soạn thảo một số dự án luật, là một trong yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng của các dự án, dự thảo luật. Sự thông qua cao hay thấp của các dự án luật hay các VBQPPL chính là từ dư luận xã hội, sự đồng thuận xã hội.

Chính vì vậy, việc đưa chính sách các dự án, dự thảo luật đến người dân ngay từ giai đoạn soạn thảo giúp người dân có thể tiếp cận sớm và nắm bắt được tinh thần cũng như chuẩn bị các điều kiện sau khi các VBQPPL được thông qua và triển khai thi hành. Bên cạnh đó, cần xác định rõ lấy ý kiến là một quy trình bắt buộc, được quy định cụ thể, đầy đủ trong Luật Ban hành VBQPPL và không thể dùng một phương thức khác để thay thế cho hoạt động lấy ý kiến.

Nhấn mạnh công tác xây dựng thể chế là một trong 3 trụ cột của Văn kiện Đại hội Đảng XIII, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập thống nhất lại tên gọi Đề án; chú trọng vào các giải pháp hiệu quả để tạo được sự đồng thuận của người dân, phải có kế hoạch truyền thông ngay từ khi các dự án Luật được đưa vào xây dựng chương trình luật, pháp lệnh.

Về phạm vi Đề án, Thứ trưởng đề nghị không giới hạn phạm vi, thực hiện truyền thông về tất cả các VBQPPL mà cấp có thẩm quyền ban hành để công khai, minh bạch với người dân. Ngoài ra, Thứ trưởng lưu ý phương thực hiện phải tránh trùng lắp với việc lấy ý kiến nhân dân theo quy trình Luật Ban hành VBQPPL. Đồng thời tăng cường nguồn lực, năng lực cho cơ quan soạn thảo văn bản, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan thông tấn, báo chí và các cơ quan liên quan…

Đọc thêm