Về Phần XI - Đẩy mạnh xây dựng Nhà nước Pháp quyền XHCN Việt Nam trong dự thảo Báo cáo chính trị, chúng tôi nhất trí với cơ cấu và có một số ý kiến đóng góp sau đây vào phần này của dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XI của Đảng.
1. Nâng cao nhận thức về xây dựng Nhà nước Pháp quyền XHCN. Cần khẳng định và chỉ rõ trong Báo cáo chính trị những nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam:
- Nhà nước Pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước thượng tôn pháp luật, các cơ quan Nhà nước, các công chức Nhà nước hoạt động trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp và luật. Khẩn trương xây dựng Toà án Hiến pháp làm công cụ bảo hiến. Tất cả các văn bản pháp luật vi hiến đều phải được huỷ bỏ, mọi hành vi vi hiến đều có chế tài xử lý nghiêm minh. Toà án Hiến pháp là thiết chế tối cao trong việc bảo vệ Hiến pháp;
- Ở nước CHXHCN Việt Nam, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân thực hiện quyền lực của mình thông qua các hệ thống cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và bằng các biện pháp dân chủ trực tiếp. Chủ quyền tối cao của Nhà nước thuộc về nhân dân, các vấn đề quan trọng nhất của đất nước do Quốc hội thay mặt nhân dân cả nước quyết định hoặc bằng biện pháp trưng cầu dân ý.
- Ở nước CHXHCN Việt Nam, các quyền con người và quyền công dân được tôn trọng, Nhà nước có các thiết chế cần thiết đảm bảo tôn trọng và thực hiện các quyền con người và quyền công dân.
- Ở nước CHXHCN quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, sự phối hợp và kiểm soát các cơ quan trong việc thực hiện 3 quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp.
2. Tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động bộ máy Nhà nước
Về mục này chúng tôi nhất trí với dự thảo là phải khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Hiến pháp 1992 đáp ứng công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế. Hiến pháp 1992 cho đến nay đã tồn tại được 17 năm và đã được sửa đổi bổ sung vào năm 2001 tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập đòi hỏi phải tiếp tục bổ sung, sửa đổi phù hợp với tình hình mới.
3. Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trong sạch, có năng lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Chúng tôi kiến nghị cần thiết phải xây dựng hệ thống tiêu chí mới của cán bộ công chức để đáp ứng những đòi hỏi về năng lực của cán bộ công chức trong thời đại mới-thời đại của nền kinh tế tri thức. Thực tiễn hiện nay cho thấy khi tuyển đội ngũ cán bộ công chức trẻ, chúng ta có yêu cầu khá cao về kiến thức tin học và ngoại ngữ, tuy nhiên đối với các cán bộ lãnh đạo khi đề bạt vào những chức vụ nhất định tiêu chuẩn về kiến thức ngoại ngữ và tin học không được đề cao. Để lựa chọn các chức vụ lãnh đạo từ cấp vụ trở lên nên tổ chức thi tuyển với 3 môn cơ bản là kiến thức chuyên môn liên quan đến lĩnh vực quản lý bao gồm cả phương diện lý luận và thực tiễn; trình độ thông thạo ngoại ngữ và trình độ tin học. Nên nhất thể hoá các chức vụ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước để tránh hiện tượng có hai bộ máy cùng tồn tại song song nhưng một cơ quan quyết định chủ yếu và một cơ quan quyết định hình thức.
PGS.TS Thái Vĩnh Thắng (Đại học Luật Hà Nội)