Dạy nghề cho nông dân: Từ nhu cầu thực tế

Trong tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng, mùa vụ, vật nuôi, nhiều diện tích đất canh tác được chuyển đổi, kéo theo sự phân công lao động nông nghiệp nên nhu cầu học nghề của nông dân là rất lớn. Với vai trò nòng cốt, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã tích cực tìm tòi và tổ chức dạy nghề cho hội viên nông dân.

Trong tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng, mùa vụ, vật nuôi, nhiều diện tích đất canh tác được chuyển đổi, kéo theo sự phân công lao động nông nghiệp nên nhu cầu học nghề của nông dân là rất lớn. Với vai trò nòng cốt, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã tích cực tìm tòi và tổ chức dạy nghề cho hội viên nông dân. Năm 2010, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (HND tỉnh) đã tổ chức 11 lớp dạy nghề cho trên 330 lượt hội viên nông dân; trong đó có 4 lớp dạy nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm; 4 lớp dạy nghề mây tre, bẹ chuối đan xuất khẩu; 2 lớp dạy nghề trồng hoa, cây cảnh và 1 lớp dạy nghề may. Trong quá trình dạy nghề, Trung tâm phối hợp với một số đơn vị, cá nhân như doanh nghiệp Cao Cường chuyên về sản phẩm mây tre, bẹ chuối đan xuất khẩu để giảng dạy và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Giáo viên các lớp dạy nghề đều là những cán bộ có kinh nghiệm, nhiệt tình gắn bó với nông dân, sát thực tế để có phương pháp giảng dạy phù hợp với trình độ của nông dân, gắn lý thuyết với vật mẫu; hướng dẫn cụ thể các đặc điểm sinh lý với giai đoạn sinh trưởng của cây, con… Đến nay, Trung tâm đã xây dựng được đội ngũ giáo viên là cán bộ các Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, Trạm Thú y, nghệ nhân làng nghề hiện đang công tác, làm việc ở địa phương. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức ký kết và triển khai chương trình phối hợp công tác dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho nông dân giai đoạn 2010-2015 với Sở LĐ-TB và XH. Để tổ chức thành công những lớp học này, Trung tâm đã tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên và tuyển sinh thông qua HND cơ sở; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của hội viên nông dân và chính sách dạy nghề, lợi ích của việc học nghề; mở lớp dạy nghề ngắn hạn tại chỗ cho nông dân nhằm tạo thuận lợi cho nông dân trong việc đi lại học tập. Đối tượng tuyển sinh là những người có nhu cầu thực sự và được chọn lựa từ cơ sở. Sau khi được đào tạo nghề nhiều hội viên đã tự tin, mạnh dạn đầu tư và áp dụng kiến thức đã học được để mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình. Các học viên được đào tạo nghề trở thành lực lượng tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại các địa phương.

Thời gian tới, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tiếp tục đa dạng các hình thức đào tạo, dạy nghề phù hợp với điều kiện của nông dân và đặc thù của từng môn học. Mở rộng loại hình dạy nghề gắn với tiêu thụ sản phẩm; dạy nghề gắn với giải quyết việc làm thông qua hợp đồng gia công sản phẩm, hỗ trợ vốn, tư vấn và cung cấp cây, con giống… cho hội viên nông dân./.

Hoàng Tuấn

Đọc thêm