Dạy nghề người nghèo - Giải pháp giảm nghèo bền vững

Kết quả nhiều cuộc điều tra, khảo sát cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến nghèo đói là do người nghèo thiếu kiến thức, tay nghề để có thể tham gia thị trường lao động, tạo việc làm, thu nhập cho  mình.

Kết quả nhiều cuộc điều tra, khảo sát cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến nghèo đói là do người nghèo thiếu kiến thức, tay nghề để có thể tham gia thị trường lao động, tạo việc làm, thu nhập cho  mình.

Có nghề mới thoát nghèo
Có nhiều hình thức đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, như đào tạo nghề chính quy, dạy nghề cho nông dân…, mới đây là Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn với kinh phí gần 24 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, với các hình thức dạy nghề trên, người nghèo khó tiếp cận vì nhiều lý do như quá tuổi đào tạo, không có điều kiện đi học xa nhà, không thể tham gia  vì là lao động chính trong gia đình… Mục tiêu hỗ trợ giảm nghèo sẽ không thể thực hiện có hiệu quả và bền vững nếu người nghèo không được đào tạo nghề. Vì vậy, trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010, dự án dạy nghề cho người nghèo trở thành một bộ phận của chương trình với mục tiêu tạo cơ hội để người nghèo tham gia các hình thức đào tạo nghề ngắn hạn phù hợp. Thông qua các cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp, người nghèo được học nghề trực tiếp, được truyền nghề, cấy nghề hoặc học nghề tại chỗ. Tham gia những lớp học này, người nghèo không phải đóng học phí và được hỗ trợ tiền ăn 15 nghìn đồng/người/ngày.

Hằng năm Hội Chữ thập đỏ thành phố tổ chức dạy nghề may cho người nghèo, giúp họ tự ổn định cuộc sống.
Trong ảnh: Thực hành nghề tại phòng máy.                                   Ảnh: Hải Ngọc

Thực hiện dự án dạy nghề người nghèo, Trung tâm giới thiệu việc làm Sở Lao động- Thương binh  và Xã hội khai giảng 2 lớp kỹ thuật thâm canh cây rau,  màu cho 60 người nghèo huyện Tiên Lãng. Tiếp đó, Trung tâm tư vấn kinh tế xã hội vì nhân đạo (Hội Chữ thập đỏ thành phố), Hội Chữ thập đỏ huyện Vĩnh Bảo phối hợp tổ chức lớp dạy nghề thêu ren ngắn hạn (3 tháng) cho 25 học viên là phụ nữ nghèo ở xã Đồng Minh (Vĩnh Bảo). Sau khóa học, Trung tâm và Hội Chữ thập đỏ huyện thành lập tổ, nhóm nhận gia công cho các công ty, cung cấp sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, góp phần thực hiện xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Anh Vũ Văn Ấn, thôn Đốc Hành, xã Toàn Thắng (Tiên Lãng) phấn khởi: “Gia đình tôi đông miệng ăn chỉ trông vào mấy sào ruộng gặp nhiều khó khăn. Tôi rất mừng khi được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh cây rau màu, vì ngoài việc được hỗ trợ 15 nghìn đồng/ngày, tôi còn được tiếp cận với kiến thức thâm canh, trồng trọt mới, khi áp dụng trên thửa ruộng của mình, chắc hiệu quả sẽ cao hơn…”.

Đào tạo nghề theo nhu cầu người học
Phó giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Lê Thị Đài cho biết: “Dự án dạy nghề cho lao động nghèo được triển khai từ năm 2007, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Theo mức chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố chiếm 8% với 40-50 nghìn hộ nghèo và hàng trăm nghìn người nghèo. Do đó, công tác giảm nghèo gặp không ít khó khăn, nhất là trong giai đoạn (2011-2015), thành phố phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo  còn 2%”.
Năm 2010, Hải Phòng được hỗ trợ 4 tỷ đồng để thực hiện việc đào tạo nghề cho người nghèo. Một số địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao như Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy, An Lão…được quan tâm hỗ trợ mở các lớp đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật phù hợp  tình hình phát triển kinh tế-xã hội địa phương, giúp người nghèo thoát nghèo bằng chính mảnh đất, thửa ruộng của mình. Tuy nhiên, việc thu hút người nghèo tham gia các lớp đào tạo nghề không dễ. Không ít người nghèo cho rằng đi làm thuê, buôn bán nhỏ mỗi ngày  cũng kiếm được 30.000–40.000 đồng, trong khi đi học nghề mỗi ngày chỉ được trợ cấp 15.000 đồng. Có lớp không mở được do không chiêu sinh đủ 30 học viên/lớp theo quy định, hoặc trong quá trình học, số học viên giảm dần.
Theo bà Đài, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo hiệu quả và bền vững phải hỗ trợ được thực hiện tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo. Việc hỗ trợ  thông qua đào tạo nghề miễn phí gắn với tạo việc làm cho họ với các hình thức phù hợp. Mặt khác, để thực hiện có hiệu quả dự án dạy nghề cho người nghèo phải tìm được đầu ra cho lao động nghèo sau khi được đào tạo. Do đó, các lớp dạy nghề người nghèo phải trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, có chính sách ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thu hút lao động nghèo vào làm việc; hoặc khai thác, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp có đầu ra ổn định, truyền nghề, cấy nghề cho lao động nghèo để tổ chức tạo việc làm dưới dạng “vệ tinh” của doanh nghiệp. Việc đào tạo nghề cần xuất phát từ nhu cầu học nghề của lao động nghèo để có những hình thức đào tạo nghề phù hợp và tìm kiếm các cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp bảo đảm điều kiện tạo việc làm cho lao động nghèo hoặc nhận lao động nghèo vào làm việc sau khi được đào tạo.

Lê Thanh

Đọc thêm