Để "kẻ nói có người nghe"

Đừng bao giờ đóng vai cô giáo hay luật sư trong mối quan hệ gia đình, ngay cả khi trong xã hội, bạn làm nghề đó.

Đừng bao giờ đóng vai cô giáo hay luật sư trong mối quan hệ gia đình, ngay cả khi trong xã hội, bạn làm nghề đó.

Ai cũng muốn bạn trai hay chồng mình nghe những điều mình nói, nhưng sao vẫn có lúc kẻ nói không có người nghe. Mâu thuẫn cũng nảy sinh từ đây.

Đừng dài dòng

- Bạn đang mất quá nhiều thời gian để truyền tải điều mình cần nói. Chẳng gì khiến chàng chán hơn là bạn cứ dài dòng lê thê, vào thẳng vấn đề đi. Cũng có khi chính bạn đang lái cuộc đối thoại thành màn độc thoại của riêng mình, nên biết ngừng nghỉ để chàng có cơ hội mà xen vào.

- Nếu bạn đã có "tiền sử" nói những điều mang tính xúc phạm, thiếu tôn trọng, thiếu tình cảm và gây tổn thương đến niềm tin, lòng tự trọng của chồng thì anh ấy sẽ tỏ ra "phòng thủ" bằng cách không thèm nghe bạn nói. Những gì bạn nói, nếu cứ ám chỉ gần xa, anh ấy cũng sẽ không muốn nghe. Nên nói thẳng điều bạn thực sự muốn nói.

Mô tả ảnh.

- Đừng bao giờ đóng vai cô giáo hay luật sư trong mối quan hệ gia đình, ngay cả khi trong xã hội, bạn làm nghề đó. Giọng điệu ngôn từ của bạn nếu mang "phong cách" rao giảng, hoặc chất vấn, hoặc quát mắng, anh ấy chắc chắn cũng không nghe.

- Có khi nào bạn cứ "vơ đũa cả nắm" và "chụp mũ" trong cách nói năng không? Những từ như "lúc nào cũng…", "không bao giờ…", "luôn luôn thế"… có thể "đuổi" anh ấy ra khỏi cuộc nói chuyện giữa hai người đấy. Không dùng những từ này khi nói đến chồng thì hơn.

- Anh ấy không muốn nghe cũng có thể vì bạn chọn không đúng lúc. Bạn có để ý rằng chồng mình đang mệt, đang bận rộn với những suy nghĩ khác, đang phải hoàn thành dự án, đang xem TV hoặc đang dùng máy tính khi bạn "khơi ngòi" cuộc nói chuyện hay không?

Cách tốt nhất là bảo với chồng rằng bạn có việc muốn bàn với anh ấy, hỏi xem anh ấy có thời gian không. Nếu anh ấy nói chưa rảnh, bạn đừng nhăn nhó khó chịu.

- Đừng cố mang những vấn đề cũ ra nói đi nói lại. Bất cứ chủ đề nào đã từng được tranh luận nhiều lần trước đó đều có thể khiến anh ấy mệt mỏi và nhàm chán.

- Chồng bạn có thể đã trở nên mệt mỏi vì lúc nào cũng phải nghe những lời phàn nàn, ca thán, bạn nên nói điều gì khác tích cực hơn.

- Cũng có thể anh ấy không nghe bạn vì bạn chẳng bao giờ lắng nghe anh ấy cả. Nhìn lại mình đi nhé.

Lựa chọn thời điểm nói

Nếu khởi đầu câu chuyện không đúng lúc, bạn có thể phải ra về trắng tay mà không nhận được sự quan tâm chứ đừng nói đến ủng hộ của chồng.

Các thời điểm sau nhất định nên tránh: Khi TV đang tường thuật một sự kiện thể thao, khi chồng vừa trở về sau một ngày làm việc hoặc đúng lúc anh ấy định ngủ.

Đừng xúc động

Vì đàn ông thông thường sẽ nghĩ "đúng là đàn bà" rồi xem nhẹ điều bạn đang cố gắng truyền tải.

Nhắc lại nếu cần...

Đôi khi bạn cũng phải nói lại hai lần để sáng tỏ ý mình muốn nói.

... song không lải nhải

Một vấn đề bị mang ra nói đi nói lại đến 10 lần hoặc tầm đó bị xem là "lải nhải". Đức lang quân sẽ chán nản và chẳng buồn nghe bạn nữa đâu. Anh ấy có khi còn mất hết kiên nhẫn và lảng tránh bạn ấy.

Tận dụng vũ khí mạnh

Thứ vũ khí ấy đương nhiên không phải nước mắt, mà chính là những món ăn ngon. Sau bữa tối thịnh soạn là thời gian hoàn hảo để bạn "trình đệ" bất cứ mong muốn nào, bởi khi ấy, chồng bạn đã được ăn no và trở nên cực kỳ dễ thương, dễ tính.

Nhớ rằng:

- Anh ấy không phản ứng lại nhiều không có nghĩa là anh ấy không nghe bạn. Vẫn có kiểu đàn ông thuộc týp "trầm ngâm" như vậy mà.

- Nếu bạn hỏi, nên đảm bảo rằng bạn lắng nghe anh ấy trả lời. Còn nếu bạn chẳng bỏ tâm nghe câu trả lời, thì anh ấy cần gì nghe câu hỏi của bạn chứ.

- Hãy cảm ơn anh ấy vì đã nghe bạn nói. Đàn ông là thế đấy, làm gì đó mà được người khác biết ơn, lần sau anh ấy sẽ lại phát huy hơn.

Theo Tiền Phong

Đọc thêm