Qua 3 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), công tác gia đình nói chung và phòng, chống BLGĐ ở tỉnh ta đã có những bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai đã nảy sinh những bất cập cần được các cấp, các ngành, các cơ quan chuyên môn quan tâm tháo gỡ để luật thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam bền vững.
Kết quả bước đầu...
Ảnh minh họa (nguồn: Internet) |
Xã Nam Tiến (Nam Trực) có nghề truyền thống đúc đồng nên người dân, trong đó đa số là phụ nữ thường xuyên đi khắp nơi làm nghề “đồng nát”. Tuy đời sống kinh tế được nâng cao nhưng nhiều năm qua xã cũng phải đối mặt với thực trạng tệ nạn xã hội xâm nhập đe dọa sự bình yên trong mỗi gia đình và cộng đồng. Tình trạng BLGĐ có chiều hướng gia tăng do những mâu thuẫn trong đời sống. Trước thực tế trên, xã được chọn thực hiện thí điểm xây dựng mô hình can thiệp phòng chống BLGĐ do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức. Mô hình ở Nam Tiến được xây dựng và duy trì từ năm 2008 đến 2010, gồm 5 CLB Gia đình phát triển bền vững, 5 nhóm phòng, chống BLGĐ tại các thôn Giả Cổ, An Nông, Thạch Cầu, Đồng Quỹ, Lạc Chính. Mỗi CLB thu hút trên 25 chị em tham gia. Qua các buổi sinh hoạt CLB, chị em được tuyên truyền phổ biến về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới, các vấn đề về xây dựng gia đình hạnh phúc, các kỹ năng quản lý gia đình, giáo dục con cái, xử lý các mâu thuẫn gia đình, các tình huống có nguy cơ dẫn đến BLGĐ, cách nhận biết và ngăn ngừa dấu hiệu BLGĐ… Nhờ đó, chị em được nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của mình trong việc tham gia phòng, chống BLGĐ; giúp chị em tự tin, vượt qua các rào cản tâm lí mạnh dạn đấu tranh với nạn BLGĐ. Các nhóm phòng, chống BLGĐ với thành phần là cán bộ cơ sở, các đoàn thể phụ nữ, cựu chiến binh, hội người cao tuổi, công an viên với chức năng, nhiệm vụ phát hiện, có biện pháp can thiệp, hòa giải, đấu tranh kịp thời ngăn chặn các vụ việc BLGĐ. Mỗi thành viên CLB, nhóm phòng, chống BLGĐ là một tuyên truyền viên tích cực đến những người khác trong xã. Qua 3 năm hoạt động, mô hình đã góp phần tích cực làm giảm tình trạng BLGĐ tại địa phương, ổn định xã hội được các cấp chính quyền và nhân dân ghi nhận. Tình trạng BLGĐ ở các thôn đã giảm rõ rệt, năm 2010 chỉ còn 1 trường hợp.
Thực hiện chủ chương của Đảng và Nhà nước về công tác gia đình, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 150/KH-UB thực hiện chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam tỉnh Nam Định giai đoạn 2005-2010 trên cơ sở nội dung Chỉ thị 49/CT-TW của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ CNH - HĐH đất nước và Quyết định số 106/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2005-2010. Nhận thức sâu sắc sự cần thiết, tính cấp bách của công tác gia đình, phòng chống BLGĐ trong quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế, các cấp, các ngành chức năng, các đoàn thể xã hội đã tích cực vào cuộc triển khai thực hiện kế hoạch. Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động của phong trào, lồng ghép việc thực hiện các nội dung của Luật Phòng chống BLGĐ với các tiêu chí bình xét, công nhận gia đình văn hoá; đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Phòng, chống BLGĐ và hướng dẫn cơ sở thực hiện các thông điệp tuyên truyền nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Quốc tế xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11); phát hành 90 nghìn tờ rơi, trang bị 1.500 cuốn sách về các kiến thức gia đình, bình đẳng giới, tập huấn những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Nghị định 08/NĐ-CP ngày 4-2-2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống BLGĐ đến các cán bộ làm công tác gia đình cấp huyện và cán bộ văn hoá xã hội của 100% xã, phường, thị trấn. Các cấp hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, các buổi nói chuyện chuyên đề, hội thảo, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phổ biến kiến thức pháp luật; thành lập 2.046 CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, đã tổ chức được 1.967 buổi tuyên truyền lồng ghép Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới, các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, các kỹ năng ứng xử trong gia đình. Sở Tư pháp đã tích cực chủ động tổ chức triển khai linh hoạt, đa dạng hoá các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật về gia đình nói chung và Luật Phòng, chống BLGĐ nói riêng cho 3.583 tổ hòa giải và các tầng lớp nhân dân. Qua đó, nhận thức của cộng đồng xã hội về vấn đề BLGĐ đã chuyển biến rõ rệt.
Và những việc cần làm tiếp
BLGĐ gây nên những tổn hại cả về vật chất và tinh thần cho gia đình và xã hội, làm xói mòn những giá trị đạo đức gia đình truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nạn nhân của BLGĐ thường là người già, phụ nữ, trẻ em. BLGĐ làm cho gia đình không còn là tổ ấm và trở nên đáng sợ đối với những người bị bạo lực, kéo theo những hệ lụy xã hội nặng nề. Nguyên nhân dẫn đến BLGĐ là các tai, tệ nạn xã hội và ngược lại cũng chính BLGĐ lại là nguyên nhân làm nảy sinh tai, tệ nạn xã hội, thậm chí tội phạm. Đối với con cái, gia đình là nơi đầu tiên, quyết định sự hình thành nhân cách. Những gia đình thường xuyên xảy ra nạn BLGĐ có thể dẫn đến những tổn thương nặng nề, nghiêm trọng về tâm lý, nhân cách của trẻ. Nhiều trường hợp BLGĐ không được đấu tranh ngăn chặn kịp thời đã chuyển hóa phức tạp, thậm chí trở thành vụ việc hình sự với những hậu quả hết sức nặng nề. Trong 3 năm (2008-2010) có 11 vụ BLGĐ phải xử lý hình sự, làm 6 người chết, 15 người bị thương. Trong đó có 4 vụ giết người, 7 vụ cố ý gây thương tích. Nguyên nhân các trường hợp này do tranh chấp đất đai ghen tuông, mâu thuẫn giữa con dâu với mẹ chồng, nghiện hút,… Vụ việc xảy ra ngày 11-5-2010, giữa hai anh em Vũ Viết Luân (SN 1959) và Vũ Viết Mười (SN 1971) ở xã Hải Đường (Hải Hậu), vì tranh chấp đất đai, anh trai đã đánh chết em. Hay vụ việc xảy ra ngày 14-7-2010 tại thành phố Nam Định, vì ghen tuông nghi ngờ vợ không chung thủy, Đinh Khắc Hiếu ở 32 phố Hoàng Ngân đã mất hết nhân tính khi không chỉ hãm hại vợ, mà còn dùng dao lam rạch kẽ tay và cắt đứt gân, rạch mắt cá chân hai con nhỏ(!)… Năm 2010, Toà án nhân dân tỉnh đã giải quyết 79 vụ ly hôn, gần gấp đôi năm trước mà nguyên nhân là do BLGĐ. Sự gia tăng tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên, thậm chí thiếu niên; những vụ án hình sự giết người, hành hạ người khác, cố ý gây thương tích... gia tăng các vụ ly hôn có một nguyên nhân sâu xa từ BLGĐ.
Trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ và các công tác liên quan, nhiều khó khăn trở ngại đang làm giảm hiệu lực, hiệu quả của luật. Trước hết là rào cản về tâm lí, phong tục tập quán ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân với các tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, định kiến bất bình đẳng giới, hay sự lạm dụng, hiểu sai mục đích của biện pháp nghiêm khắc trong giáo dục con cái theo quan niệm “yêu cho roi, cho vọt” dẫn đến nhiều bậc cha mẹ tự cho mình quyền được đánh đập, hành hạ con cái mình. Nhiều người vẫn quan niệm chuyện chồng đánh vợ, cha mẹ đánh con là chuyện riêng của mỗi gia đình, người khác không thể can thiệp. Với quan niệm “xấu chàng hổ ai” khiến nhiều phụ nữ cố nhẫn nhịn chịu đựng nạn BLGĐ. Về mặt pháp luật, đối với những trường hợp BLGĐ phải xử lý hình sự thì luật cũng có những bất cập. Chẳng hạn, quy định khoảng cách giữa những người đến can thiệp với nạn nhân là 30m. Hoặc các quy định về tỷ lệ tổn hại sức khỏe giám định lại sau khi đã đi điều trị, quy định này làm mất tính răn đe kịp thời. Không những thế có những trường hợp dù tỷ lệ tổn hại sức khỏe đủ để khởi tố nhưng lại phải có yêu cầu từ phía người bị hại cơ quan chức năng mới có thể thực hiện được, điều này rất khó thực hiện đối với truyền thống tâm lý người Việt Nam, và việc bảo vệ nạn nhân của nạn BLGĐ mất tính kịp thời. Mặc dù có nhiều ngành, đoàn thể tham gia công tác này nhưng lại không có cán bộ chuyên trách về công tác gia đình ở cơ sở, trình độ cộng tác viên còn nhiều hạn chế, chủ yếu hoạt động bằng kinh nghiệm và uy tín cá nhân nên hiệu quả chưa cao.
Để nâng cao hiệu quả công tác gia đình, phòng chống BLGĐ, đưa Luật Phòng, chống BLGĐ đi vào cuộc sống, công tác tuyên truyền giáo dục cần được đẩy mạnh. Cần xây dựng các cơ chế, mô hình hoạt động hữu hiệu như các CLB, các địa chỉ hỗ trợ nạn nhân tin cậy, can thiệp kịp thời các trường hợp bị BLGĐ. Trong công tác phòng, chống BLGĐ, phải lấy phòng là chính, ngăn chặn từ gốc. Làm tốt công tác xây dựng đời sống văn hóa, môi trường sống lành mạnh làm cho BLGĐ “không có đất sinh sôi nảy nở”. Thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tích cực đấu tranh chống bất bình đẳng giới, đề cao, tôn vinh đúng vị thế, vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Xây dựng nếp sống văn hóa, đấu tranh xóa bỏ những quan niệm, tập quán lạc hậu về những vấn đề trong gia đình, tạo cho mọi thành viên trong mỗi gia đình có nhiều điều kiện, cơ hội để được cả gia đình và cộng đồng xã hội quan tâm, chăm lo, bảo vệ./.