Để luật sư hội nhập được bằng thực lực

Nâng cao chất lượng luật sư (LS) luôn được xác định như một trong những giải pháp trọng tâm để nghề LS đủ sức “bao sân” và cạnh tranh được với đồng nghiệp, không chỉ trên thị trường dịch vụ pháp lý trong nước mà cả quốc tế.

Nâng cao chất lượng luật sư (LS) luôn được xác định như một trong những giải pháp trọng tâm để nghề LS đủ sức “bao sân” và cạnh tranh được với đồng nghiệp, không chỉ trên thị trường dịch vụ pháp lý trong nước mà cả quốc tế.

Ảnh minh họa

Cứ tranh chấp quốc tế là... nghĩ đến Luật sư nước ngoài

Thực tế đó không hề xa lạ, nhất là từ sau khi Việt Nam chính thức là thành viên của tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Các vụ tranh chấp trong những năm gần đây về bán giá với Mỹ, về quyền sở hữu trí tuệ (cà phê Trung Nguyên, nhãn hiệu Interbrand…), Vietnam Airline với một công dân Italia, giữa Liên đoàn bóng đá Việt Nam với huấn luyện viên Christian Letard... đã “bóc trần” sự thật về sự bị động và thiếu hụt đội ngũ luật sư “thông thạo pháp luật quốc tế và ngoại ngữ” để giải quyết các tranh chấp thương mại và tư vấn cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong đàm phán, kinh doanh nên các cơ quan, tổ chức của Việt Nam vẫn phải thuê luật sư nước ngoài làm đại diện, tư vấn và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Mà muốn thuê luật sư trong nước cũng rất khó vì hiện mới chỉ có khoảng 20 luật sư chuyên sâu trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại (sở hữu trí tuệ, tài chính ngân hàng, hàng không, hàng hải, bảo hiểm, thương mại quốc tế…) có trình độ ngang tầm với luật sư trong khu vực – một tỷ lệ rất thấp so với yêu cầu.

Số luật sư sử dụng được ngoại ngữ trong quá trình hành nghề là rất ít ỏi (mới có khoảng 1,2% số luật sư), chưa nói đến việc có thể tham gia tư vấn hay tranh tụng trong quy trình tố tụng và theo luật pháp của nước ngoài.

Theo Bộ Tư pháp, nguyên nhân cơ bản của thực trạng đó là chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo cử nhân luật, đào tạo nghề luật sư nước ta còn hạn chế, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đa số các luật sư hành nghề bằng kinh nghiệm tự đúc rút, tự học hỏi lẫn nhau; việc cập nhật, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng mới mang tính bắt buộc cũng như việc truyền đạt thông tin, trao đổi kinh nghiệm hành nghề chưa được thực hiện thường xuyên.

Nội dung kiến thức và kỹ năng của LS liên quan đến giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế còn chưa được coi trọng trong chương trình đào tạo, chưa được thiết kế một cách toàn diện và chuyên sâu... khiến LS sau khi được đào tạo vẫn “ngơ ngác” trước các vấn đề và vụ việc tranh chấp có yếu tố nước ngoài và hầu như “nhường” thị phần trong nước cho luật sư nước ngoài.

Thí điểm đào tạo tại chỗ tạo nguồn LS hội nhập

Trung tâm đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế dự kiến sẽ được xây dựng để đáp ứng thách thức của việc hội nhập kinh tế quốc tế và nâng cao khả năng của đội ngũ luật sư nước nhà trong việc tham gia giải quyết tranh chấp đầu tư, kinh doanh, thương mại quốc tế, tư vấn các vụ việc có yếu tố nước ngoài.

Thông qua việc liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo nghề, tổ chức xã hội nghề nghiệp tiên tiến trên thế giới, Trung tâm sẽ là một đầu mối để thực hiện việc đào tạo tại chỗ tạo nguồn luật sư, cán bộ pháp luật giỏi, có đủ khả năng tư vấn và tranh tụng các vụ việc có yếu tố nước ngoài cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay ở Việt Nam.

Để thu hút người học và đánh giá đúng giá trị của khối lượng kiến thức mà học viên đã được đào tạo, đề án đưa ra giải pháp về chính sách miễn chứng chỉ đào tạo nghề luật sư cho các đối tượng đã tham gia khóa đào tạo luật sư hội nhập, các chứng chỉ tốt nghiệp khóa học phải được các cơ quan, tổ chức có liên quan ghi nhận và đánh giá cao giá trị, ưu tiên tuyển dụng, ưu tiên trong việc sắp xếp và bố trí công việc.

Đồng thời, trong 3 năm đầu nhà nước có thể đài thọ toàn bộ chi phí đào tạo. Sau khi đã đi vào nền nếp và có cơ sở ban đầu tương đối hoàn chỉnh mới tính đến việc thu học phí…

Đề án đang được lấy ý kiến. Theo lộ trình, cuối tháng này, đề án sẽ được phê duyệt và ban hành. Dự kiến khóa đào tạo đầu tiên sẽ bắt đầu từ quý 3/2013 sau khi Trung tâm được thành lập vào tháng 9/2012.

Đề án xác định chỉ tiêu đào tạo cụ thể là đến năm 2015, số lượng luật sư được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại quốc tế là 400 người; năm 2020 số lượng này là 1.000 người. Tuy nhiên, với những điều kiện khó khăn ban đầu, 1-2 năm đầu Trung tâm xác định mục tiêu đào tạo khoảng 40-50 học viên; các năm tiếp theo tiếp tục phát triển về số lượng và cho đến 2020 cố gắng đáp ứng được 80% chỉ tiêu Đề án đề ra trên cơ sở đánh giá, khảo sát nhu cầu của người học và các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng nguồn luật sư hội nhập.

Huy Anh

Đọc thêm