Đề nghị gia hạn khoảng 22.600 tỷ đồng thuế GTGT, 4.500 tỷ đồng tiền thuê đất để “cứu” thị trường trước dịch COVID-19

(PLVN) -  Bộ Tài chính đã soạn thảo Nghị định gia hạn về thuế, tiền thuê đất nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ thị trường trước ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Bộ Tài chính đang tính toán đề xuất gia hạn về thuế, tiền thuê đất. Ảnh minh họa.
Bộ Tài chính đang tính toán đề xuất gia hạn về thuế, tiền thuê đất. Ảnh minh họa.

Nghị định dự kiến gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, áp dụng cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề do dịch COVID-19 (trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành và tổ chức quốc tế ).

Về số thuế gia hạn, với thuế giá trị gia tăng (GTGT), theo quy định của Luật Quản lý thuế thì cơ sở kinh doanh thực hiện khai thuế theo tháng nếu có tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở lên; thực hiện khai thuế theo Quý nếu có tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ dưới 50 tỷ.

Đồng thời, đối với số thuế GTGT kê khai theo tháng, doanh nghiệp phải thực hiện nộp thuế trước ngày 20 của tháng tiếp theo; đối với số thuế GTGT kê khai theo Quý, doanh nghiệp thực hiện nộp thuế chậm nhất là ngày thứ 30 (ba mươi) của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.

Do vậy, để không ảnh hưởng đến cân đối Ngân sách Nhà nước năm 2020, Bộ Tài chính đề nghị thời gian gia hạn là 5 tháng. 

Căn cứ vào tổng hợp của các bộ ngành liên quan, cơ quan quản lý đã tính toán xác định các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 như: dịch vụ du lịch; nông, lâm, thủy hải sản; vận tải (đường sắt; đường bộ; đường thủy; hàng không); sản xuất, chế biến thực phẩm; ngành dệt may, da giầy; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất, lắp ráp ô tô (trừ sản xuất, lắp ráp ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống); dịch vụ kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải; dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống (có danh mục cụ thể).

Bộ Tài chính đánh giá tác động, việc thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT 5 tháng đối với số thuế GTGT phải nộp từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2020 (nộp thuế trong tháng 4 đến tháng 7) thì số thu ngân sách nhà nước (NSNN) của các tháng đó giảm khoảng khoảng 22.600 tỷ đồng.

Trong đó: số thuế GTGT giãn của doanh nghiệp theo ngành kinh tế: 11.700 tỷ đồng; số thuế GTGT giãn của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ: 10.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu NSNN của năm 2020 không giảm do doanh nghiệp phải thực hiện nộp vào NSNN trước ngày 31/12/2020.

Bộ Tài chính đánh giá tác động trên cơ sở số thuế phát sinh phải nộp năm 2019 của nhóm được gia hạn là khoảng 3.000 tỷ đồng nhưng số thu NSNN của năm 2020 không giảm do hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện nộp vào NSNN trước ngày 15/12/2020.

Đối với tiền thuê đất, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2020 của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định, hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm và sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh thuộc các ngành kinh tế xác định. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp tiền thuê đất theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính đánh giá tác động, dự kiến số tiền thuê đất được gia hạn khoảng 4.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu NSNN của năm 2020 không giảm do doanh nghiệp hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện nộp vào NSNN trước ngày 31/10.

Được biết, dịch COVID-19 đã và đang tác động trực tiếp đến nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất của nước ta, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và ảnh hưởng gián tiếp đến toàn bộ nền kinh tế do suy giảm tăng trưởng kinh tế từ Trung Quốc và toàn cầu.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì trong trường hợp khống chế được dịch COVID-19  trong Quý I/2020 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta cả năm 2020 dự báo đạt 6,25%, giảm 0,55 điểm % so với chỉ tiêu 6,8% đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ; trường hợp dịch được khống chế trong Quý II/2020 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,96%, giảm 0,84 điểm % so với mục tiêu.

Đọc thêm