Dù Bộ Giáo dục - Đào tạo chưa phê duyệt kế hoạch tuyển sinh 2010, nhưng nhiều trường đã công bố chỉ tiêu và mở nhiều chuyên ngành mới để hút thí sinh. Tuy nhiên, việc phải “cõng” nhiều chuyên ngành có thể khiến chất lượng đào tạo của một số ngành giảm sút.
Thực tế, việc mở một ngành đào tạo mới thường rất khó khăn do phải xin phép Bộ GD-ĐT, chưa kể năm nay, quy trình mở ngành mới sẽ thay đổi theo hướng siết chặt từ việc kiểm tra thực tế đến hậu kiểm. Do vậy, thay vì mở ngành đào tạo, các trường đã tự mở thêm các chuyên ngành mới để thu hút đối với thí sinh.
Một ngành "cõng" 18 chuyên ngành
Thông tin công khai trong cuốn "cẩm nang" tuyển sinh trong hai năm gần đây (2008 - 2009) của các trường cho thấy, chuyện ngành "đẻ" chuyên ngành phổ biến ở một số trường dân lập và nhiều trường có "thương hiệu" như: ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Mỏ - Địa chất, ĐH Kinh tế và Quản trị kinh doanh (ĐH Thái Nguyên)... Năm 2008, ngành Kinh tế của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân "cõng" 17 chuyên ngành (với 1.100 chỉ tiêu), thì năm 2009 tiếp tục bổ sung thêm chuyên ngành Kinh tế đầu tư - nâng tổng số lên 18 chuyên ngành với chỉ tiêu tăng lên 1.300.
Tương tự, ngành Quản trị kinh doanh "cõng" 14 chuyên ngành; ngành Ngân hàng - Tài chính năm 2008 (1.100 chỉ tiêu) cũng "cõng" 7 chuyên ngành, đến năm 2009 giảm xuống còn 6 chuyên ngành (bỏ chuyên ngành Đầu tư). Ở trường ĐH Mỏ Địa chất, ngành "cõng" nhiều chuyên ngành nhất là Dầu khí (6 chuyên ngành). Kế đến là các ngành Địa chất, Công nghệ thông tin, Kinh tế - Quản trị Kinh doanh - mỗi ngành đều "cõng" 5 chuyên ngành.
|
Thay vì chạy vạy để được mở ngành mới, nhiều ĐH mở chuyên ngành để hút thí sinh |
Nhanh chóng học hỏi các trường công đi trước, không ít trường ngoài công lập cũng tuyển sinh một số chuyên ngành "hot" nhưng với mức điểm chuẩn chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn điểm sàn một chút. Thậm chí, năm 2009, ĐH dân lập Hồng Bàng còn có những chuyên ngành rất lạ như: Bóng rổ, Cầu Lông, Bóng đá, Bơi lội, Bóng chuyền, Võ thuật, Thể hình thẩm mỹ, Điền kinh, Công nghệ SPA và Y - Sinh học - Thế dục thể thao (thuộc ngành Thể dục thể thao)
Theo ông Đỗ Thanh Duy, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), việc mở chuyên ngành do hiệu trưởng quyết định chứ không có quy định "khống chế" mỗi ngành được mở bao nhiêu chuyên ngành. Tuy nhiên, trong bằng tốt nghiệp không ghi "chuyên ngành" mà sẽ ghi tên ngành đào tạo nên nhiều trường đã tìm cách “lách” luật bằng cách “đẻ” ra nhiều chuyên ngành có tên gọi “mỹ miều” để hút thí sinh.
“Lách” luật để lấp đầy chỉ tiêu
Một lãnh đạo Bộ GD-ĐT thừa nhận, việc "nở rộ" chuyên ngành là do sự thiếu hiểu biết của lãnh đạo một số trường. Việc mở ngành phải được xem xét các nguyên tắc sau: phải khảo sát về nhu cầu nhân lực của chuyên ngành đào tạo; nhân lực đào tạo phải đáp ứng nhu cầu chứ không phải mở theo thị hiếu.
Vị lãnh đạo này nêu thực tế, rất nhiều trường rất kém về phát triển chương trình đào tạo; trong khi việc xây dựng mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra có sự trùng lặp. Thế nhưng, từ chủ trương các trường ĐH được tăng chỉ tiêu tuyển mới khoảng 10% mỗi năm, nên các trường đã "lách" bằng việc mở thêm các chuyên ngành để tuyển cho hết chỉ tiêu được giao.
Chuẩn bị cho việc ban hành danh mục chương trình đào tạo mới trong năm 2010, Bộ GD-ĐT đã tiến hành rà soát gần 5.000 chương trình đào tạo của 336 trường ĐH, CĐ và học viện trong cả nước. Kết quả đã phát hiện một số trường vi phạm nghiêm trọng như CĐ bán công Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp đã đào tạo và cấp phát bằng CĐ cho 5 ngành đào tạo từ năm 2002 đến nay dù chưa có quyết định mở ngành.
ĐH dân lập Hồng Bàng tổ chức tuyển sinh, đào tạo và cấp phát bằng ngành với tên khác với tên ngành theo quyết định mở ngành. Cũng trong đợt kiểm tra này, Bộ cũng phát hiện một số chương trình có khối lượng kiến thức không đủ yêu cầu tối thiểu đối với trình độ đào tạo, kiến thức chuyên ngành được đưa vào khối đại cương; đại cương lại xếp vào khối chuyên ngành...
Theo Đất Việt