Đề xuất cho phép ủy quyền thực hiện tống đạt giấy tờ

(PLVN) -Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của nước ngoài thông qua Văn phòng Thừa phát lại (TPL) do Bộ Tư pháp xây dựng.
Đề xuất cho phép ủy quyền thực hiện tống đạt giấy tờ

Bộ Tư pháp lựa chọn Văn phòng TPL

Hiện nay, yêu cầu tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự (TTTP) chủ yếu do tòa án nhân dân cấp tỉnh thực hiện theo quy định của Luật tương trợ tư pháp năm 2007 (Luật TTTP) và Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 19/10/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao quy định trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự. Do công tác xét xử của tòa án nhân dân cấp tỉnh đang trong tình trạng “quá tải” khi số lượng vụ việc tòa án giải quyết gia tăng hàng năm, nguồn nhân lực bị cắt giảm nên việc thực hiện yêu cầu TTTP của nước ngoài không nhận được sự quan tâm thích đáng, nhiều yêu cầu không được thực hiện hoặc chậm thực hiện gây ảnh hưởng đến cam kết của Việt Nam tại các điều ước quốc tế về lĩnh vực này. Chính vì vậy, việc giao yêu cầu TTTP của nước ngoài cho cơ quan ngoài nhà nước thực hiện sẽ giải quyết được khó khăn nêu trên, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động TTTP.

Theo Vụ Pháp luật quốc tế, qua nghiên cứu mô hình xã hội hoá của một số quốc gia thì có nước chỉ chọn 01 tổ chức thực hiện (Hoa Kỳ), có nước lại giao cho nhiều tổ chức thực hiện theo lãnh thổ (Úc, Ca-na-đa, Pháp,…). Số lượng yêu cầu tống đạt giấy tờ của nước ngoài theo kênh Công ước tống đạt đến Việt Nam hiện nay có khoảng 700 yêu cầu/năm nhưng không tập trung tại một vùng/miền mà trải đều khắp cả nước. Việc xã hội hoá hoạt động tống đạt giấy tờ nước ngoài lần đầu tiên được giao cho tổ chức ngoài nhà nước thực hiện, quy trình thực hiện tống đạt giấy tờ nước ngoài cũng có những đòi hỏi riêng, đặc thù khác tống đạt giấy tờ trong nước nên chưa thể khẳng định mô hình giao 01 Văn phòng Thừa phát lại hay giao nhiều Văn phòng Thừa phát lại thực hiện sẽ là tối ưu.

Do đó, dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của nước ngoài thông qua Văn phòng thừa phát lại quy định theo hướng Bộ Tư pháp sẽ lựa chọn một hoặc một số Văn phòng Thừa phát lại thực hiện để tạo sự linh hoạt, có thể thay đổi phù hợp với điều kiện thực tế từng thời điểm mà không phải sửa đổi Thông tư. Việc xác định số lượng Văn phòng Thừa phát lại thực hiện tống đạt dựa trên việc đánh giá số lượng yêu cầu và thực tiễn tống đạt giấy tờ của cơ quan nước ngoài tại các địa phương.

Cụ thể, Thông tư đưa ra quy trình lựa chọn Văn phòng Thừa phát lại thông qua hoạt động của Tổ đánh giá. Tổ đánh giá do Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập. Kết quả lựa chọn được công bố công khai trên Trang thông tin điện tử Bộ Tư pháp và thông báo kết quả cho các Văn phòng Thừa phát lại được lựa chọn.

Thủ tục lựa chọn quy định trong Thông tư tương tự như thủ tục tổ chức đấu thầu để lựa chọn một hoặc một số Văn phòng Thừa phát lại có năng lực phù hợp nhất để thực hiện một công việc thay cho Nhà nước (các tòa án nhân dân cấp tỉnh). Kết quả của thủ tục này là hợp đồng dân sự được ký giữa Bộ Tư pháp và Văn phòng Thừa phát lại được lựa chọn. Nhà nước không thanh toán chi phí tống đạt giấy tờ cho Văn phòng Thừa phát lại mà khoản tiền này sẽ do cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài chi trả.

Uỷ quyền nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí

Theo dự thảo Thông tư, sau khi lựa chọn được Văn phòng Thừa phát lại thực hiện tống đạt giấy tờ của nước ngoài, Bộ Tư pháp ký hợp đồng với Văn phòng thừa phát lại được lựa chọn.

Dự thảo cũng quy định những vấn đề cơ bản, đặc trưng của hợp đồng giao thực hiện tống đạt giấy tờ trên cơ sở quy định về nội dung hợp đồng dân sự tại Bộ luật dân sự 2015, gồm 06 nội dung chính. Đặc biệt hợp đồng có nội dung về ủy quyền thực hiện tống đạt xuất phát từ việc Thông tư quy định lựa chọn 01 hoặc một số ít Văn phòng Thừa phát lại thực hiện tống đạt giấy tờ (hiện nay mới chỉ có khoảng 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Văn phòng Thừa phát lại chủ yếu tập trung ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, chưa phủ khắp được trên cả nước. Bên cạnh đó, số lượng yêu cầu tống đạt của cơ quan nước ngoài về Việt Nam không quá lớn) nhưng trong trường hợp địa chỉ tống đạt quá xa địa hạt thì chi phí phát sinh cho việc đi lại rất lớn và Thừa phát lại cũng không thông thuộc địa hình dẫn đến việc tống đạt khó khăn và kéo dài thời gian. Cơ chế ủy quyền sẽ khắc phục được những nhược điểm này.

Về thời hạn hợp đồng, dự thảo Thông tư quy định tối đa là 05 năm, được gia hạn nhiều lần, mỗi lần không quá 05 năm. Hiện nay số lượng yêu cầu tống đạt theo Công ước tống đạt chiếm ½ tổng số lượng yêu cầu của nước ngoài gửi cho Bộ Tư pháp. Hoạt động tống đạt được thực hiện thường xuyên và liên tục nên cần có Văn phòng Thừa phát lại thực hiện ổn định và uy tín. Tối đa là 05 năm là khoảng thời gian hợp lý để Văn phòng Thừa phát lại được chọn thực hiện hợp đồng ổn định và dần đi vào chuyên nghiệp hóa.

Đọc thêm