Đề xuất chủ phương tiện phải có tài khoản để chờ…phạt: Vướng vì hành lang pháp lý

(PLO) - Thời gian qua Công an TP  Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải đã nêu ý kiến đề xuất sửa đổi Luật Giao thông đường bộ theo hướng bắt buộc các chủ xe phải mở tài khoản tại ngân hàng để thuận tiện cho việc “phạt nguội” đối với các trường hợp vi phạm luật giao thông.
Để thuận tiện cho việc “phạt nguội”, chủ xe phải mở tài khoản tại ngân hàng
Để thuận tiện cho việc “phạt nguội”, chủ xe phải mở tài khoản tại ngân hàng

Nhiều ý kiến cho rằng, đây sẽ là bước tiến giúp đơn giản, minh bạch hóa thủ tục nộp phạt. Tuy nhiên, cũng không ít quan điểm cho rằng, khi đi vào cuộc sống, chủ trương này có thể sẽ gặp khó vì hành lang pháp lý hiện nay chưa đồng bộ. 

Chủ trương đúng nhưng…

Theo thống kê, tốc độ gia tăng trung bình hàng năm của ô tô trên địa bàn Hà Nội là 10,2%, xe máy là 6,7%. Trong khi đó, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông của TP chỉ ở mức bình quân 3,9%. Sự phát triển mất cân đối giữa phương tiện giao thông cá nhân với kết cấu hạ tầng giao thông, cùng với ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa cao đã trực tiếp dẫn đến ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Cho đến nay, hình thức “phạt nguội” các vi phạm giao thông đã không còn quá xa lạ. Hoạt động này thay cho hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thông qua việc sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, cụ thể là thiết bị camera giám sát được thực hiện tự động. Quy định về “phạt nguội” cũng đã được hướng dẫn tại Thông tư 06/2017/TT-BGTVT (ngày 28/2/2017) của Bộ Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, việc thực thi “phạt nguội” trên thực tế không đạt hiệu quả do người vi phạm trốn tránh hoặc cố ý không thực hiện nghĩa vụ nộp phạt.

Trước thực trạng trên, UBND TP Hà Nội và Bộ Công an đã yêu cầu chủ phương tiện phải có tài khoản được mở tại ngân hàng. Việc này được đưa ra để tăng tính thuận tiện cho việc xử “phạt nguội” đối với các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Chia sẻ quan điểm về chủ trương trên, ông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc sử dụng tài khoản ngân hàng để nộp phạt vi phạm giao thông sẽ đem lại một số lợi ích như chống tham nhũng, tránh tình trạng rửa tiền…

Đồng quan điểm này, trên khía cạnh là một chủ phương tiện ô tô, anh Đinh Hữu Hải (trú tại Định Công Hạ, quận Hoàng Mai) cho biết, theo hình thức truyền thống, lái xe vi phạm sẽ phải lấy biên bản đến kho bạc nộp phạt rồi lại quay lại lấy giấy tờ, việc làm này sẽ rất phiền hà cho người vi phạm. Bởi vậy, việc mở tài khoản sẽ khiến cho việc nộp phạt được minh bạch hơn, số tiền nộp phạt “chạy thẳng” vào ngân hàng, sẽ tránh hiện tượng “bôi trơn” giữa người vi phạm với lực lượng cảnh sát giao thông, gây ra nạn tham nhũng.

Nhìn nhận vấn đề trên góc độ pháp lý, theo Luật sư Lê Thế Vinh - Đoàn Luật sư Hà Nội, đề xuất trên vẫn còn tồn tại những khó khăn nhất định, Chẳng hạn, việc bắt buộc công dân phải mở tài khoản là chưa thực sự phù hợp. Bên cạnh đó, quy định này không thể tự Bộ Công an hay Chính phủ đưa ra mà phải được Quốc hội xem xét thông qua vì nó liên quan đến quyền của người dân.

Quanh đề xuất này, nhiều ý kiến cũng cho rằng những mục đích hướng đến của chủ trương trên là đúng nhưng việc người dân phải duy trì một khoản tiền lớn như vậy chỉ để chờ nộp phạt là một lãng phí rất lớn. Hơn nữa, việc trả tiền qua tài khoản hay không là sự lựa chọn của người dân chứ không phải ra quy định bắt buộc. 

Nên hay không?

Khách quan nhìn nhận, hiện nay “kênh” giúp thu tiền phạt của người vi phạm là thông qua các trạm đăng kiểm theo nguyên tắc: nộp phạt thì mới được đăng kiểm định kỳ. Theo quy định hiện hành thì các xe ô tô phải tiến hành đăng kiểm định ký 6 tháng, 1 năm hoặc 1,5 năm… tuỳ theo đời xe. Vì vậy, nếu chủ xe vi phạm cố ý chây ỳ cho đến kỳ đăng kiểm mới nộp phạt thì ngân sách sẽ thất thu do nộp phạt chậm.

Việc chủ xe có tài khoản ngân hàng để thuận tiện nộp phạt khi vi phạm đã áp dụng rất nhiều nước. Hơn nữa, hoạt động này cũng thuận tiện cho người vi phạm, vì tránh được việc đi lại nộp phạt mất thời gian. Giải pháp này cũng chứng minh được tính hiệu quả, góp phần chống tiêu cực trong lực lượng thi hành công vụ và giảm được biên chế lực lượng tuần tra kiểm soát.

Theo chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc “phạt nguội” chủ xe vi phạm qua tài khoản và yêu cầu các chủ xe phải lập tài khoản có nhiều cái lợi, nhưng cần thí điểm. Theo ông Kiêm, nhìn vào các nước phát triển trên thế giới có thể dễ dàng nhận ra, khi thực hiện việc xử “phạt nguội” trong vi phạm giao thông, họ đã có một chính sách rất đồng bộ hoàn chỉnh, đặc biệt là hệ thống làm luật và tính pháp lý rất cao. Chế tài xử phạt đối với những người vi phạm giao thông được thực hiện rất nghiêm.

Ngoài ra ở nước ngoài, việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức khi thực hiện một chủ trương, chính sách nào đó luôn rất tốt. Trong khi ở nước ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm, như việc phối hợp của các cơ quan, đơn vị lâu nay vẫn chưa tốt. Thậm chí có nhiều trường hợp ngành này làm, ngành kia không làm, ngành này có chính sách, ngành kia không có chính sách... Sự vênh nhau này không những không tạo điều kiện cho mọi người cùng làm mà còn triệt tiêu lẫn nhau.

Rõ ràng, đề xuất chủ phương tiện phải có tài khoản có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, Nhà nước cần đồng bộ hóa và hoàn thiện các công cụ khác như hệ thống hạ tầng cơ sở, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tham gia giao thông. Bởi nếu chỉ tập trung vào một công cụ là xử phạt vi phạm, coi đây là cách thức duy nhất để quản lý giao thông thì cách quản lý này sẽ mang tính chất cực đoan, đồng thời tác động ngược đến ý thức của người tham gia giao thông. 

Đọc thêm