Đề xuất gói vay 3.500 tỷ hỗ trợ học sinh, sinh viên mua máy tính học trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mức cho vay được đề xuất tối đa là 7 triệu đồng/học sinh, sinh viên, dự kiến tổng nguồn vốn bố trí là khoảng 3.500 tỷ đồng.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về gói tín dụng hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị học tập phục vụ học trực tuyến.

Theo đó, đối tượng vay vốn là học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 là con trong gia đình có bố hoặc mẹ mất do dịch COVID-19 và chưa có máy tính để học tập trực tuyến (đối tượng học sinh, sinh viên khó khăn được hỗ trợ bám sát theo chủ trương hỗ trợ của Chương trình “Sóng và máy tính cho em”).

Mục đích vay vốn là để mua trang thiết bị học tập phục vụ học trực tuyến do dịch bệnh COVID-19.

Bộ Tài chính cho biết, điều kiện vay vốn là tại thời điểm vay vốn, hộ gia đình có học sinh, sinh viên không có đủ máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến và học sinh, sinh viên đó chưa được hưởng chính sách hỗ trợ máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến dưới mọi hình thức.

Về hồ sơ xác nhận đối tượng vay vốn, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân cấp xã, phường xác nhận đối tượng được vay vốn để Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai cho vay.

Mức cho vay được đề xuất tối đa là 7 triệu đồng/học sinh, sinh viên. Với mức cho vay tối đa này, dự kiến tổng nguồn vốn bố trí để cho vay là khoảng 3.500 tỷ đồng.

Thời hạn cho vay dưới 1 năm, tương tự như đối với chính sách hỗ trợ cho vay trả lương theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Nghị quyết số 68/NQ-CP).

Theo Bộ Tài chính, lãi suất cho vay là 0%/năm; lãi suất nợ quá hạn là 6,6%/năm bằng lãi suất cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội hiện nay.

Thời gian giải ngân từ ngày Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/3/2022 (thời gian giải ngân căn cứ vào tình hình dịch bệnh, tương tự như đối với chính sách hỗ trợ cho vay trả lương theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ).

Về nguồn vốn để cho vay, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai gói tín dụng 7.500 tỷ đồng từ nguồn vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ để cho vay trả lương cho người lao động. Tuy nhiên, đến nay số hồ sơ đề xuất vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội từ người sử dụng lao động là chưa lớn.

Do đó, để kịp thời triển khai hỗ trợ cho học sinh, sinh viên tham gia học trực tuyến, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và một số bộ, ngành đã đề xuất trước mắt xem xét trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho bổ sung hỗ trợ đối tượng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn được vay vốn ưu đãi từ gói 7.500 tỷ đồng tại Nghị quyết số 68/NQ-CP nêu trên để mua máy tính, thiết bị học tập phục vụ học trực tuyến.

Trong quá trình triển khai, trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc về đối tượng vay vốn cũng như nguồn lực để triển khai, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan sẽ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng trình Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan có liên quan rà soát bổ sung nội dung chương trình hỗ trợ học sinh, sinh viên như báo cáo Thủ tướng Chính phủ nêu trên vào trong Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đọc thêm