Đề xuất quy định mới về xác nhận liệt sĩ, thương binh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 9/12/2020, thay thế Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Trên tinh thần Pháp lệnh có nhiều nội dung mới về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công và quy định bổ sung các chế độ ưu đãi đối với người có công, thân nhân người có công… Bộ LĐ-TB&XH đã dự thảo Nghị định gồm 8 chương, 204 điều.

Tại Chương 2 của dự thảo, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất bổ sung Mục 12 quy định về xác nhận liệt sĩ, thương binh đối với người hy sinh, mất tích, bị thương trong chiến tranh (đối với những trường hợp còn tồn đọng). Theo dự thảo, đối tượng xác nhận liệt sĩ, thương binh đối với người hy sinh, mất tích, bị thương trong chiến tranh là người tham gia cách mạng hy sinh, bị thương, mất tích thuộc các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh và các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, làm nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường C, K, tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc, chiến tranh biên giới Tây Nam đến nay chưa được xác nhận là liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh...

Căn cứ xác nhận liệt sĩ trong trường hợp này được đề xuất: Trường hợp còn giấy tờ có giá trị pháp lý được xác lập từ ngày 31/12/1994 trở về trước liên quan đến trường hợp hy sinh: Giấy báo tử trận; danh sách liệt sĩ lưu tại cơ quan, đơn vị có ghi tên người hy sinh, trường hợp danh sách liệt sĩ không có dấu xác nhận của cơ quan, đơn vị tại thời điểm lập, ghi sổ thì Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng hướng dẫn cụ thể; các giấy tờ, tài liệu khác có ghi nhận là liệt sĩ hoặc hy sinh trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh.

Trường hợp không còn giấy tờ liên quan đến trường hợp hy sinh thì sử dụng một trong các căn cứ sau: Người hy sinh trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh đã được chính quyền và nhân dân suy tôn đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sĩ địa phương nơi hy sinh, được gắn bia mộ liệt sĩ từ ngày 31/12/1994 trở về trước; được ghi nhận là liệt sĩ trong Huân chương; Huy chương; Giấy chứng nhận đeo Huân chương; Giấy chứng nhận đeo Huy chương; Bảng vàng danh dự; Bảng gia đình vẻ vang; lịch sử Đảng bộ cấp xã trở lên được cơ quan Đảng có thẩm quyền thẩm định bằng văn bản và đã xuất bản; được ghi nhận liệt sĩ trong nhà bia ghi tên liệt sĩ.

Trường hợp mất tích theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều 14 của Pháp lệnh thì phải có phiếu xác minh ban hành quyết định trợ cấp ưu đãi theo quy định của cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng (Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh) hoặc Bộ Công an (Công an cấp tỉnh).

Trường hợp phức tạp thì Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Công an cấp tỉnh trực tiếp hoặc báo cáo, đề nghị cấp trên thành lập đoàn xác minh, kết luận rõ về đơn vị, trường hợp mất tích; có hay chưa có chứng cứ phản bội, đầu hàng, chiêu hồi, đào ngũ, tiêu cực, vi phạm pháp luật…

Đọc thêm