Đề xuất sửa đổi một số quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Quốc phòng vừa gửi Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền.
ảnh minh họa
ảnh minh họa

Theo Bộ Quốc phòng, Việt Nam có đường biên giới đất liền tiếp giáp với 3 nước là Trung Quốc, Lào và Campuchia với chiều dài 5.032,025km, bao gồm 117 cửa khẩu (trong đó có 27 cửa khẩu quốc tế, 23 cửa khẩu chính, 67 cửa khẩu phụ) và 77 lối mở biên giới. Hệ thống cửa khẩu biên giới trên đất liền có vai trò quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, là cầu nối tăng cường hợp tác, củng cố tình hữu nghị với các nước có chung đường biên giới và là cửa ngõ giao thương, hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ngày 21/11/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 112/2014/NĐ-CP là văn bản quy phạm pháp luật quy định cơ bản, toàn diện nội dung quản lý nhà nước đối với cửa khẩu biên giới đất liền, tạo cơ sở pháp lý thống nhất để các bộ, ngành chức năng và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện.

Qua hơn 6 năm triển khai thực hiện Nghị định số 112/2014/NĐ-CP, cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực, một số quy định của Nghị định cần phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với văn bản pháp luật mới ban hành, cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển của tình hình thực tiễn. Do đó, thời điểm hiện tại là thích hợp để sửa đổi Nghị định 112/2014/NĐ-CP.

Liên quan đến các đề xuất sửa đổi cụ thể, Bộ Quốc phòng cho biết, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định bao gồm: hoạt động kiểm tra, kiểm soát, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền. Hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh đối với người; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập đối với phương tiện; xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh, chuyển khẩu đối với hàng hóa, vật phẩm qua cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền.

Khu vực cửa khẩu; ra, vào, lưu trú, tạm trú, hoạt động trong khu vực cửa khẩu; điều kiện, thẩm quyền, thời gian hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền. Mở, nâng cấp, quy hoạch, xây dựng phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền.

Xuất phát từ những bất cập trong thực tiễn triển khai, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 112/2014/NĐ-CP gồm 5 nội dung chính. Thứ nhất, điều chỉnh loại hình cửa khẩu biên giới đất liền theo hướng tách riêng loại hình cửa khẩu với lối mở biên giới và phân chia loại hình cửa khẩu trên từng tuyến biên giới phù hợp với điều ước quốc tế về biên giới, cửa khẩu đã ký kết với nước có chung biên giới; bổ sung hình thức một cửa khẩu có nhiều tính chất hoạt động (đường bộ, đường sông) và bổ sung loại hình đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc nội hàm lối mở biên giới.

Thứ hai, sửa đổi trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng cửa khẩu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng theo quy định của Luật Biên phòng Việt Nam, các luật về xuất nhập cảnh mới ban hành và không chồng chéo với trách nhiệm của lực lượng hải quan theo quy định của Luật Hải quan năm 2014.

Thứ ba, sửa đổi quy định về giấy tờ xuất nhập cảnh; thực hiện hạn chế, tạm dừng qua lại biên giới tại cửa khẩu biên giới đất liền phù hợp với Luật Biên phòng Việt Nam và văn bản pháp luật về xuất nhập cảnh mới ban hành.

Thứ tư, bổ sung các quy định về công tác phối hợp, cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin trong quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu; thực hiện thủ tục qua lại biên giới tại cửa khẩu theo phương thức điện tử và công tác phối hợp quản lý cửa khẩu với cơ quan hữu quan nước láng giềng.

Thứ năm, điều chỉnh bổ sung, các quy định về xác định phạm vi khu vực cửa khẩu; mở, nâng cấp cửa khẩu; quy hoạch xây dựng khu vực cửa khẩu; quy hoạch phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền. Cụ thể: bổ sung thành phần Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc thực hiện xác định phạm vi khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương.

Bổ sung nguyên tắc mở, nâng cấp cửa khẩu phải đảm bảo tiêu chí về cơ sở hạ tầng, môi trường, nhân lực, lưu lượng người, phương tiện, hàng hóa xuất, nhập và bổ sung nội dung báo cáo các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, môi trường, nhân lực, lưu lượng người, phương tiện, hàng hóa xuất, nhập khi đề nghị mở, nâng cấp cửa khẩu, lối mở biên giới.

Bổ sung quy định nguyên tắc mở, nâng cấp cửa khẩu, lối mở biên giới phải phù hợp với thỏa thuận song phương về phát triển cửa khẩu giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước có chung biên giới. Đồng thời, bổ sung quy định về phối hợp tổ chức lễ công bố khai trương cửa khẩu (trong trình tự thực hiện mở, nâng cấp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (song phương) theo hướng: trong trường hợp chính quyền cấp tỉnh phía đối diện không thống nhất tổ chức lễ công bố khai trương mở, nâng cấp cửa khẩu hoặc vì lý do bất khả kháng hai bên không thể tổ chức lễ công bố khai trương mở, nâng cấp cửa khẩu thì chính quyền cấp tỉnh hai bên trao đổi bằng văn bản thống nhất thời gian cửa khẩu vận hành chính thức./.

Đọc thêm