Đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông: Còn nhiều ý kiến khác nhau

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Góp ý kiến với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng mà Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ, nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng không ít ý kiến trái chiều.
Cảnh sát giao thông dừng xe vi phạm.
Cảnh sát giao thông dừng xe vi phạm.

Người cho rằng thời điểm chưa phù hợp

Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, ông Bùi Sinh Quyền cho rằng hiện người dân, doanh nghiệp vô cùng khó khăn do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 mà đặt vấn đề nâng mức xử phạt thì riêng chỉ bàn đến thời điểm đã thấy không phù hợp.

“Tôi thấy trong thời gian vừa qua, đưa ra sửa đi, sửa lại Nghị định về xử phạt giao thông đường bộ (GTĐB) nhiều lần. Một Nghị định đưa vào cuộc sống, tối thiểu cũng phải được 3 năm đến 5 năm, sơ kết, tổng kết, đánh giá rồi mới sửa”, ông Quyền nói.

Theo ông Quyền, Nhà nước quản lý trật tự giao thông vận tải (GTVT) không nên chỉ dựa vào biện pháp tăng chế tài. Có hai yếu tố cốt lõi cơ quan chức năng phải đặt ưu tiên xem xét khi muốn sửa đổi, bổ sung: Chế tài xử phạt đã phù hợp mức thu nhập của người dân và áp dụng mạnh mẽ công nghệ giám sát hoạt động giao thông để đảm bảo nguyên tắc “ai vi phạm đều bị phát hiện kịp thời và xử lý đúng quy định”.

Cũng theo ông Quyền, cần học hỏi các quốc gia phát triển trong áp dụng công nghệ giám sát hoạt động giao thông bằng lắp camera, cân tự động trên đường để ghi nhận dữ liệu; sau đó nếu vi phạm thì cơ quan chức năng lập biên bản, xử phạt nguội. Bên cạnh đó, cần kiểm soát, giám sát tốt hoạt động của lực lượng công vụ giao thông. Lực lượng này phải hết sức công minh, làm việc đúng pháp luật.

“Nếu làm đồng thời được tất cả các vấn đề trên thì hoạt động giao thông vận tải sẽ được đảm bảo. Còn nếu chỉ giải quyết bằng một biện pháp tăng chế tài lên thì sẽ không phù hợp và nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp”, ông Quyền nói.

Ông Quyền cho rằng, mỗi năm Nhà nước thu tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB không ít. Nếu sử dụng số tiền đó cho việc hiện đại hóa thiết bị phục vụ công tác xử phạt thì trong vòng 5 năm sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu trên các tuyến quốc lộ và đô thị lớn.

Người ủng hộ, đồng tình

Trong khi đó, đồng tình với đề xuất của Bộ GTVT, LS Nguyễn Huy Long (Đoàn LS Hà Nội) cho rằng, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông bằng tăng mức xử phạt là điều cần thiết; là một yếu tố giảm thiểu TNGT.

Mục đích của xử phạt hành chính là ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm, việc nâng mức tiền phạt không phải để tăng nguồn thu cho ngân sách hay mà để pháp luật được tôn trọng bảo vệ. “Tăng mức phạt để người dân có ý thức hơn trong chấp hành quy định về ATGT”, Luật sư (LS) Long nói.

Theo LS Long, thực tế hiện nay, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh kéo dài, nhiều người mất việc làm, không có thu nhập. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến nghĩa vụ chấp hành quy định về ATGT của người tham gia giao thông.

Đồng quan điểm, LS Phạm Ngọc Đạt (Đoàn LS Hà Nội) cho rằng, hiện tình trạng một số con đường giao thông từ quốc lộ đến đường tỉnh, liên huyện đang bị băm nát bởi những xe chở quá khổ, quá tải. Do đó, cần xử phạt thật nặng để răn đe, phù hợp với tính chất mức độ vi phạm của các đối tượng.

Không những vậy, còn xuất hiện tình trạng xe ô tô lưu thông trên các tuyến đường có lắp camera phạt nguội cố tình che biển số để né tránh vi phạm, là vấn nạn cần xử nghiêm. Hoặc tình trạng một biển số lắp cho nhiều xe, lắp biển số giả cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Chính vì thế, việc tăng mức phạt là điều cần thiết.

Trong dự thảo, với hành vi chở quá tải, Bộ GTVT đề xuất 3 mức vi phạm: 10%-20%; 20%-50%; trên 50%; tương ứng mức phạt 4-6 triệu đồng; 13-15 triệu đồng; 40-50 triệu đồng.

Với hành vi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội nhưng không cài quai đúng quy cách với người đi xe máy, đề xuất nâng mức phạt lên 400 - 600 nghìn đồng.

Trường hợp sản xuất, lắp biển số trái phép với cá nhân có thể bị phạt 30-35 triệu đồng; tài xế sử dụng biển số không đúng quy định bị phạt 10-12 triệu đồng.

Đọc thêm