Hôm qua (2/3), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, các Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính, Phạm Quý Tỵ đã nghe báo cáo về xây dựng Đề án giải quyết án tồn đọng.
Minh họa Internet |
Án tồn: phần lớn là đối tượng lang thang, cơ nhỡ
Theo thống kê của 63 tỉnh, thành phố tính đến ngày 31/3/2011, cả nước có hơn 52 ngàn việc trên hơn 280 ngàn việc chưa thi hành (chiếm 18,3%) với số tiền gần 2.417 tỷ đồng (trên 23.680 tỷ đồng chưa thi hành –chiếm hơn 10,2%).
Việc thi hành án dân sự tồn đọng tập trung vào các nhóm đối tượng: người phải thi hành án là đối tượng lang thang, cơ nhỡ, không có mặt tại địa phương, không xác định được nơi cư trú (đây là nhóm việc nhiều nhất, lên tới hơn 34 ngàn việc, chiếm gần 67% án tồn đọng); người phải thi hành án phải thi hành khoản ngân sách nhà nước nhưng lại quá nghèo hoặc khánh kiệt, không có tài sản để thi hành án; có căn cứ xác định trong quá trình xét xử có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hoặc có tình tiết mới làm thay đổi nội dung vụ án, nhưng đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; bản án, quyết định tuyên không rõ, có sai sót; bản án, quyết định tuyên trả lại tiền, tài sản cơ quan thi hành án dân sự đã nhiều lần báo gọi, nhưng đương sự không đến nhận; bản án, quyết định hình sự tuyên xử lý vật chứng, tài sản nhưng cơ quan điều tra không chuyển giao vật chứng hoặc vật chứng mất mát, hư hỏng chưa xác định được nguyên nhân và bản án, quyết định mà đương sự là người nước ngoài.
Nguyên nhân dẫn đến việc thi hành án tồn đọng, theo Tổng cục Thi hành án dân sự, do quy định của pháp luật còn nhiều bất cập (BLHS, Luật Thi hành án dân sự…), các chế tài liên quan chưa đủ mạnh. Ngoài ra, một phần nguyên nhân cũng xuất phát từ năng lực của cơ quan, cán bộ thi hành án còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Đề xuất “xóa nợ” hoặc “khoanh nợ”
Theo Dự thảo Đề án, giải pháp trước mắt sẽ đề nghị Quốc hội “xóa nợ” cho người phải thi hành án đối với trên 50 ngàn việc tồn thuộc hai trường hợp: thứ nhất, bản án, quyết định tuyên đương sự phải thi hành các khoản thu cho ngân sách nhà nước như phạt tiền đối với những đối tượng tổ chức hút, vận chuyển ma túy; khoản phạt, truy thu tiền thu lợi bất chính; phạt bồi thường tài nguyên rừng…nhưng đương sự quá nghèo hoặc bị khánh kiệt, không có tài sản để thi hành án.
Trường hợp thứ hai là người phải thi hành án là đối tượng lang thang, cơ nhỡ, không có mặt tại địa phương, không xác định được nơi cư trú mới và tài sản của họ; doanh nghiệp bị giải thể, hoặc “biến mất” mà không xác định được địa chỉ, không có tài sản để thi hành án.
Nhóm việc đề nghị Quốc hội cho xóa sổ thụ lý lập sổ theo dõi riêng (tương tự việc “khoanh nợ” của các tổ chức tín dụng) đối với 1.680 việc đối với 5 trường hợp, trong đó có án tuyên không rõ, khó thi hành, cơ quan thi hành án đã có văn bản đề nghị giải thích nhiều lần nhưng không nhận được trả lời hoặc trả lời không rõ dẫn tới bản án, quyết định không thể thi hành. Lâu dài, để giảm án tồn đọng, Tổng cục Thi hành án dân sự cho rằng phải sửa Luật Thi hành án dân sự và các văn bản liên quan.
Quá trình lấy ý kiến một số Bộ, ngành, địa phương, Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, nhiều đơn vị đồng tình với phương án nêu trên của Dự thảo Đề án.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phạm Quý Tỵ, việc xóa án tồn nên tập trung vào các tội tổ chức, sử dụng, tàng trữ chất ma túy. Bởi có một thời gian BLHS quy định các tội ma túy đều bị phạt 20 triệu đồng (nay đã sửa-PV), “Cái này địa phương kêu lắm, tuyên thì vậy nhưng thực tế rất nhiều trường hợp không thể thi hành”.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường đồng tình: khoản nộp ngân sách trong án ma túy nên đề nghị miễn nhưng không nên chỉ “khoanh vùng” trong án ma túy mà các trường hợp khác cũng phải đào sâu, cân nhắc thận trọng. “ Khi Quốc hội có Nghị quyết cho miễn án không quá 500 ngàn, ta đã bớt được một “gánh nặng” tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều việc tồn đọng, thậm chí tồn đọng hàng chục năm. Đã đến lúc phải “dọn dẹp” những tồn tại của quá khứ để tập trung cho những việc mới, giảm bức xúc cho xã hội”, Bộ trưởng nói.
Thu Hằng