Đêm bị khủng bố kinh hoàng của các "sao" cải lương vang bóng

Cuối năm 1955, giọng ca vàng Hữu Phước gia nhập đoàn cải lương Kim Thoa. Nhưng ngay trong lần đầu tiên lên sân khấu, Hữu Phước đã bị thương trong một vụ khủng bố sân khấu đẫm máu làm nhiều nghệ sĩ thiệt mạng.

Cuối năm 1955, giọng ca vàng Hữu Phước gia nhập đoàn cải lương Kim Thoa. Nhưng ngay trong lần đầu tiên lên sân khấu, Hữu Phước đã bị thương trong một vụ khủng bố sân khấu đẫm máu làm nhiều nghệ sĩ thiệt mạng.

Hữu Phước và Út Bạch Lan thời trẻ.

Đêm khai trương kinh hoàng

Đây là vở tuồng dã sử Việt Nam lấy bối cảnh thời Trịnh Nguyễn phân tranh chia đôi đất nước với chủ đề là khát vọng hòa bình thống nhất đất nước của dân tộc.

Nội dung vở diễn rất sát hợp với tình hình đất nước bị chia cắt do hiệp định Geneve. Địa điểm diễn được chọn rất long trọng là rạp Nguyễn Văn Hảo, lớn nhất Sài Gòn thời bấy giờ. Ngày khai trương đoàn hát cũng là ngày khai trương vở diễn mới, là ngày rất quan trọng đối với ông bà bầu lẫn anh em nghệ sĩ, được chuẩn bị chu đáo. Khán giả đến xem rất đông nhưng biến cố bất ngờ đã xảy ra.

Nghệ sĩ Duy Lân, nhân chứng và cũng là nạn nhân của sự kiện này kể lại: "Vở hát được diễn tròn trịa không một sơ suất lỗi lầm. Nội dung của vở diễn “Lấp sông Gianh” lôi cuốn người xem có một cảm quan cùng người hát say sưa với cốt chuyện đang dần đến đỉnh điểm của kịch bản, là đại cảnh lấp sông Gianh - cảnh chót.

Đến đoạn hầu hết diễn viên phụ xuất hiện dưới sự điều động của hai vai chánh, hô hào lấp cho kỳ bằng con sông chia hai miền Nam - Bắc..., thì tang tóc máu lửa đã xảy đến cho đêm hát. Sự kiện kết thúc cuộc đời của hai nghệ sĩ cùng một ký giả và nhiều người khác bị thương nặng nhẹ, trong đó, tôi đã văng mất một nửa chân trái, chịu mang tật vĩnh viễn suốt đời".

Một trái lựu đạn chẳng biết do ai chủ trương, do ai ném lên sân khấu gây ra tiếng nổ kinh thiên động địa. Nghệ sĩ bị thương nằm la liệt, đèn tắt tối thui, máu chảy lan từ sàn sân khấu xuống dàn nhạc. Tiếng la hét, tiếng cầu cứu vang dội, khán giả đạp lên nhau chạy thoát ra ngoài.

Nghệ sĩ Phước Cương (là cha ruột nghệ sĩ Kim Cương), người "khai quang điểm nhãn", cầm cây son đầu tiên vẽ mặt, dạy Hữu Phước hóa trang, thiệt mạng lúc 4h.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Mai tắt thở tại chỗ. Soạn giả Nguyễn Huỳnh (chồng nữ nghệ sĩ Hoài Dung, tác giả tuồng “Tướng cướp Bạch Hải Đường”) bị thương nặng. Kịch sĩ Duy Lân cụt một chân. Ông Bảy Xê, cô Kim Thoa và chính nghệ sĩ Hữu Phước cũng bị thương.

Vừa được giao vai chính thì đoàn tan rã

Dư luận đồn rằng chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức ném lựu đạn để khủng bố tinh thần những người tổ chức đấu tranh đòi thi hành hiệp định Geneva, đấu tranh đòi thống nhất đất nước.

Với đoàn Kim Thoa thì đây là tổn thất quá lớn, nhưng bà Kim Thoa không chịu thua. Bà "cắm đầu cắm cổ" chạy vay nợ, tái lập gánh Kim Thoa. Lần ra quân kỳ này, đoàn gom góp một số nghệ sĩ trung thành còn lại gồm các nghệ sĩ: Hữu Phước, Văn Sa, Từ Anh, Văn Lang…

Vì chưa có vai diễn, Hữu Phước và Hề Minh ca sáu câu vọng cổ ngoài màn nhung mỗi khi chờ bên trong dọn thay cảnh trí, khán giả đã vỗ tay khen nồng nhiệt hai danh ca trẻ này. Vì vậy, khi tập tuồng “Công chúa cá, phò mã cùi” của soạn giả Nguyễn Huỳnh, đào chánh Ngọc Lợi yêu cầu lấy vai tuồng phò mã, trước đây đã trao cho kép Văn Sa, nay trao cho Hữu Phước thủ diễn.

Lần đầu tiên hát trên sân khấu đại bang, Hữu Phước đã được đóng vai chính, ngang hàng với kép Văn Lang.

Lúc này lương đêm của Hữu Phước là 200 đồng, giao kèo một năm là 20 ngàn đồng. Giọng ca Hữu Phước tuy được khán giả ưa chuộng nhưng vẫn không cứu nổi đoàn hát đã bị thiệt hại quá lớn sau vụ nổ. Không thể cạnh tranh với các đại bang khác ở Sài Gòn, đoàn Kim Thoa trôi giạt xuống các tỉnh ở miền Tây, càng hát càng lỗ vốn.

Nhằm tháng 7, tháng 8, trời mưa dầm dề suốt tuần lễ, đoàn ế khách, bầu và nghệ sĩ đói lả ruột. Đoàn Kim Thoa làm một buổi tiệc đơn giản chia tay rã gánh tại Gò Công. Hữu Phước vừa mới lên vai kép chính đã phải thất nghiệp.

Trở lại sân khấu nhờ tình yêu nghệ thuật và tình yêu nghệ sĩ Út Bạch Lan

Trong bối cảnh long đong đó, do cảm mến giọng hát, do tình yêu chớm nở, nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan đã đi tìm Hữu Phước, giới thiệu ông gia nhập đoàn Thanh Minh - Năm Nghĩa (Năm Nghĩa là ba nghệ sĩ Thanh Nga, làm bầu đoàn này).

Nhiều dư luận cho rằng lúc này Út Bạch Lan và Hữu Phước yêu nhau, dù lúc ấy Hữu Phước đã có gia đình. Chính nghệ sĩ Hương Lan (con gái đầu của Hữu Phước) đã kể lại: “Ba tôi hồi trẻ tuy ông không đẹp trai nhưng ông rất duyên dáng trên sân khấu và nói chuyện rất ngọt ngào cho nên ông đào hoa lắm”.

Nghệ danh của nghệ sĩ Hương Lan là dấu ấn của mối tình nghệ sĩ này. Chính soạn giả Kiên Giang đặt nghệ danh Hương Lan ghép từ tên hai nghệ sĩ mà Hữu Phước ái mộ là Út Bạch Lan và Thanh Hương. Cố nghệ sĩ Hữu Phước từng giải thích về mối tình này: "Chúng tôi yêu nhau vì mến tài, vì tuổi trẻ bồng bột. Yêu trong vòng lễ giáo, chớ chưa có đứa nào xâm phạm tiết hạnh của đứa nào".

Như vậy chính tình yêu nghề và tình yêu của nghệ sĩ Út Bạch Lan đã đưa Hữu Phước trở lại sân khấu. Chính thức được thu nhận vào đại bang, nhưng Hữu Phước chưa có vai nào riêng mà phải làm quân dự bị, khi có vai trống mới có suất diễn.

Dịp may, khi đoàn Thanh Minh - Năm Nghĩa tập vở “Đứa con hai dòng máu” của soạn giả Lê Khanh sắp khai trương thì kép chánh của đoàn là Út Nhị dở chứng, bỏ tuồng ngang, về Mỹ Tho đi bụi đời, nhậu nhẹt say li bì không biết ngày đêm. Đoàn đã cho Hữu Phước đóng thử thử và chấp thuận ông thế kép Út Nhị.

Hát đúng hai tháng, tên tuổi Hữu Phước được khán giả khắp nơi ái mộ. Đoàn Thanh Minh ký giao kèo mỗi năm 260 ngàn đồng là khá cao trong thời điểm đó (nhưng vẫn còn rất thấp so với hợp đồng 1,5 triệu của nghệ sĩ Út Trà Ôn).

Cậu Tư Kiêng và những vai diễn “vàng”

Sự ưa chuộng và nổi tiếng của Hữu Phước trong giai đoạn này vẫn chỉ là giọng ca chứ chưa phải khả năng diễn xuất. Trong vở “Mưa rừng”, tức “Sơn nữ Phà Ca” cùng đóng chung với nghệ sĩ Thanh Nga (lúc đó mới 16 tuổi), trong khi Thanh Nga được nhà báo Trần Tấn Quốc hết lời khen là “diễn như diễn kịch”, thì Hữu Phước bị chê khéo là “diễn như cải lương”.

Có thể chính nhờ sự khích tướng này mà Hữu Phước đã nỗ lực chuyển hướng và chinh phục đỉnh cao diễn xuất, tạo ra sự bùng nổ dư luận trong vai Cậu Tư Kiên trong tuồng “Con gái chị Hằng”. Hữu Phước diễn vai cậu của một đứa cháu ngây thơ chạy theo giá trị hình thức, bội bạc với mẹ hy sinh cả đời mình, tin lời người cha sở khanh, đang âm mưu bán đứng con gái mình để trừ nợ.

Cậu Tư Kiên sống nghề lái heo, vấn khăn rằn, mặc bộ đồ bà ba, búi tóc xi nhông quê mùa, bình dị nói chuyện xóc hông, móc lò nhưng đôn hậu và tận tụy bảo vệ chị, cháu...

Để diễn sống thực vai cậu Tư Kiên, khoảng 5h mỗi ngày, Hữu Phước chạy xe qua Cầu Chữ Y, đứng trước cửa lò heo Chánh Hưng quan sát những người lái heo, dân thôn quê chở ghe heo lên Sài Gòn bán.

Ông quan sát cách mặc quần áo, hút thuốc rê, tư thế đứng, ngồi, ăn, uống, nói chuyện, cách phát âm giọng miền Tây "rặt". Hữu Phước mất 3 tháng thực tập lấy ở nhà, nhìn vô kiếng diễn đúng các động tác thói quen của một người dân quê miền Nam.

Khi bước ra sân khấu, hình ảnh người đàn ông quần ống thấp ống cao, tay xách túi đệm bàng, đầu búi xi nhong đã làm khán giả ngỡ ngàng thán phục.

Không chỉ thực về hình thức, bằng diễn xuất nội tâm sâu sắc, Hữu Phước đã làm người xem khi ngả nghiêng cười vẻ quê kệch, trực tính khúc mắc của ông trước sự dối trá hợm hĩnh, khi thán phục trước vẻ cứng cỏi, quyết liệt đối đầu với người anh rể độc ác để bảo vệ chị và cháu, khi phải rưng rưng nước mắt trước nỗi đau của một người em, người cậu đau khổ…  Đã trên 60 năm qua, chưa người nghệ sĩ nào có đủ khả năng thay thế Hữu Phước trong vai Cậu Tư Kiên.

Làm nghệ sĩ, tạo được một vai “vàng” đã khó, nhưng sau cậu Tư Kiên, Hửu Phước còn có ít nhất hai vai “vàng” khác. Trong giới sân khấu có người khen Hữu Phước ở vai Lý Anh Huy trong tuồng “Tỉnh mộng” của Thu An - Phong Anh do đoàn Kim Chưởng trình diễn. Vai này diễn tả một đứa con mang hai dòng máu Việt - Chiêm Thành, kéo quân về tàn sát quê hương và xử tử luôn mẹ của mình. Vai nổi bật ở khía cạnh nội tâm giằng co giữa sự phản quốc, giết mẹ và khi "tỉnh mộng" thì mọi việc đã quá trễ.

Trong tuồng “Gió ngược chiều”, do soạn giả Năm Châu viết phỏng theo một tác phẩm của văn hào Victor Hugo, diễn trên đoàn Thanh Minh, hát chung với Thanh Nga, Bảy Nhiêu, Út Trà Ôn; Hữu Phước đóng vai trò một vị nam tước đội lớp sở khanh, quyến rũ công chúa, dụ dỗ nàng làm gián điệp và tiến hành âm mưu lật đổ triều đình. Nhưng trong những tuồng xã hội đến nay vẫn còn lưu truyền, người ta vẫn nhớ đến Hữu Phước trong vai Tấn của tuồng “Tấm lòng của biển”. Bề ngoài lấc cấc, ngang bướng nhưng bên trong đôn hậu, đa cảm.

Là người kế thừa tài năng và tình yêu nghệ thuật của cha, nghệ sĩ Hương Lan đã khẳng định chân thực: “Ba tôi có tài là ông đóng được nhiều vai, làm nổi bật nhân vật, trong nhiều giai đoạn. Ông đóng vai độc cũng rất là độc tham hiểm, mà đóng vai mùi cũng rất là thương, các vai đều hay cả.

Tôi còn nhớ tuồng “Tấm lòng của biển”, ông lớn tuổi hơn cô Thanh Nga, nhưng ông đóng vai em trai của Thanh Nga, tĩnh tình rất là lóc chóc. Trên sân khấu, khi ông xuất hiện, sẽ nhìn thấy ngay là người em trai lấc ca lấc cấc của Thanh Nga liền, không thấy ông lớn tuổi hơn. Ông đóng vai nào ra vai đó, làm nổi bật vai trò đó lên.

Đó là điểm rất đặc biệt của ông. Có những người chỉ đóng được vai độc, kép độc, rất là hay, nhưng mà qua tới vai kép mùi đóng không được hoặc là ca không được, chỉ hát những bài bản. Phong cách diễn phải mạnh mới diễn được vai kép độc, phải có giọng hát rất ngọt ngào mới ca được vai kép mùi. Mà ông lại có giọng hát rất là ngọt ngào, tôi mê nhất là giọng hát của ông”.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm