Đêm hội vòng xòe Thái và Lễ hội “Áp hô chiêng” là điểm mới của Lễ hội Then Kim Pang 2022

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam được UNESCO công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại" vào tháng 12/2021. Lễ hội “Áp hô chiêng” đã được huyện Phong Thổ phục dựng vào năm 2014. Đây là những điểm mới trong Lễ hội Then Kin Pang 2022 của tỉnh Lai Châu.

Nhắc đến dân tộc Thái là nhắc đến những nét văn hóa đặc sắc, những tinh hoa ẩm thực của một dân tộc vùng cao Tây Bắc. Chẳng ai biết múa xòe dân tộc Thái xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết rằng từ bao đời nay những giá trị văn hóa đặc trưng của điệu xòe vẫn được người Thái bảo lưu, gìn giữ qua nhiều thế hệ để rồi chính điệu xòe đã làm đắm say bao người khách thập phương và hơn cả là say tình người nồng ấm trong mỗi Đêm hội xòe.

Điệu xòe vòng tròn cổ tay là một trong các điệu xòe của dân tộc Thái.Ảnh Nguyễn Nga

Điệu xòe vòng tròn cổ tay là một trong các điệu xòe của dân tộc Thái.Ảnh Nguyễn Nga

Phụ nữ Thái rạng rỡ trong điệu nắm tay cùng xòe tại Đêm hội. Ảnh: Nguyễn Nga

Phụ nữ Thái rạng rỡ trong điệu nắm tay cùng xòe tại Đêm hội. Ảnh: Nguyễn Nga

Lễ hội “Áp hô chiêng” (Lễ hội gội đầu). Lễ hội đã được huyện Phong Thổ phục dựng vào năm 2014. Đây là năm đầu tiên trong Lễ hội Then Kin Pang tổ chức Lễ hội gội đầu. Lễ hội “Áp hô chiêng” ở huyện Phong Thổ, gắn với câu chuyện về Nàng Han giả trai đi đánh giặc, chiến thắng trở về vào ngày 30 Tết, nàng cùng quân lính nghỉ ngơi, tắm gội bên dòng Nậm Bó để ăn mừng chiến thắng và đón năm mới.

Nghi thức Lễ tại nhà Then trước khi ra suối để gội đầu. Ảnh: Nguyễn Nga Nghi thức Lễ tại nhà Then trước khi ra suối để gội đầu. Ảnh: Nguyễn Nga

Để tỏ lòng kính trọng và biết ơn công lao to lớn của Nàng, người dân đã lập miếu thờ cúng Nàng vào dịp Lễ, Tết và tổ chức nghi lễ gội đầu vào chiều 30 Tết hàng năm để cầu mong Nàng che chở, ban phát cho người dân sức khỏe, tình yêu, hạnh phúc và bản làng yên vui, mùa màng bội thu. Lễ hội có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của bà con người Thái trắng nói chung và người Thái trắng Phong Thổ nói riêng. Lễ hội thể hiện tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, mang tính nhân văn sâu sắc, thân thiện của con người với tự nhiên.

Phụ nữ dân tộc Thái gội đầu ở suối Nậm Lùm trong Lễ hội "Áp hô chiêng". Ảnh: Nguyễn Nga

Phụ nữ dân tộc Thái gội đầu ở suối Nậm Lùm trong Lễ hội "Áp hô chiêng". Ảnh: Nguyễn Nga

Đêm hội vòng xòe Thái, Lễ hội “Áp hô chiêng” đã thu hút đông đảo đại biểu, người dân và du khách thập phương tham gia. Qua đó, thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể có sức sống lâu bền trong cộng đồng người Thái nói riêng và 54 dân tộc Việt Nam nói chung.

Đọc thêm