Là một trong những ngành kinh tế có kim ngạch xuất khẩu lớn, song ngành dệt may Việt Nam (DMVN) đang bỏ ngỏ thị trường 86 triệu dân trong nước… Bà Đặng Thị Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DMVN treo đổi về việc làm thế nào để DMVN chinh phục được thị trường nội địa.
- Thưa bà, không dễ gì “ngày một ngày hai” sản phẩm made in Vietnam thực sự có chỗ đứng trên thị trường thế giới, song ngay cả trên thị trường nội địa, sao ngành DM vẫn để ngỏ cho các đối thủ cạnh tranh?
- Đúng là ngành DM của ta hiện là ngành có kim ngạch XK cao nhất. 10 tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu DM đã đạt 9,1 tỷ USD, còn 2 tháng nữa ước khoảng mỗi tháng hơn 1 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu năm nay dự báo sẽ vượt mức đề ra, đạt trên dưới 11 tỷ USD. Bên cạnh thành tích xuất khẩu, ngành DM giờ đây cũng hiểu rằng mình đang kinh doanh trên đất nước hơn 86 triệu dân. Đây là thị trường tiềm năng do mức sống đang ngày càng nâng lên, người tiêu dùng trong nước đang quan tâm nhiều hơn đến thời trang. Tuy nhiên, vì mải “mang chuông đánh xứ người” cho nên lâu nay mình chưa chú trọng thích đáng…
|
Bà Đặng Thị Phương Dung. |
- Thực ra các DN DM cũng đã nhận thức được điều này nhưng phải chăng cũng có “cái khó bó cái khôn”?
Phải nói thật, nhiều DN hiện vẫn chưa quan tâm đúng mức đến thị trường nội địa, mẫu mã chưa đa dạng, giá cả còn chưa cạnh tranh, dịch vụ bán hàng chưa chuyên nghiệp… Điều này cũng do chúng ta chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, dù sao cũng đòi hỏi phải có thời gian để các DN làm quen.
Đã đến lúc các DN không chỉ dừng lại ở khâu giới thiệu sản phẩm mà phải là kinh doanh một cách chuyên nghiệp và không chỉ một vài đơn vị làm, mà các DN DM sẽ phải thực hiện chính sách hợp tác liên kết với nhau để trở thành những chuỗi cung ứng toàn diện. Có như vậy thì từ đầu vào - cung cấp nguyên phụ liệu - đến tạo ra những sản phẩm hoàn thiện, đến phân phối, phải tạo sự hợp tác lớn trong toàn ngành. Như vậy ngành DMVN mới đảm bảo đủ khả năng cạnh tranh trên sân nhà.
- Thực tế nhiều DN DMVN đã khá thành công trên sân nhà, nhưng nói về liên kết, thì đây là điểm yếu chung của các DN VN chứ không riêng gì DN DM. Có ý kiến cho rằng điểm yếu nhất của các DN DMVN hiện nay vẫn là khâu thiết kế?
- Hiện tại thì trên thị trường nội địa, ngành DM của chúng ta đang có những gì? Một số DN sản xuất lớn đã có chiến lược phát triển thị trường nội địa song song với xuất khẩu như Việt Tiến, May 10, Nhà Bè, Phương Đông, Việt Thắng, Hanosimex…
Họ đã xây dựng được hệ thống cửa hàng bán lẻ tiêu thụ sản phẩm cho DN, đã và đang xây dựng các thương hiệu sản phẩm, các dòng sản phẩm khác nhau được người tiêu dùng tin dùng. Một số DN sản xuất - thương mại cũng đã tham gia thị trường nội địa tích cực, như An Phước, Thời trang Việt, Sơn Kim, Hafasco, NEM...
Nhưng thực tế thời gian qua nhìn lại, tại sao DMVN chưa có thể phát triển tốt ở thị trường trong nước? – Câu trả lời đó là do khâu thiết kế sản phẩm. Chúng ta đã có những trung tâm thiết kế thời trang, hội chợ thời trang, các trường nghề cũng đã dạy về thiết kế thời trang…, nhưng thiết kế thời trang ứng dụng từ những ý tưởng sang sử dụng được, phát triển những nguyên phụ liệu đó tạo ra những sản phẩm đặc thù, thích ứng được thị hiếu thì VN chưa mạnh.
Chúng ta chưa có những trung tâm thiết kế quốc tế để tạo ra những mẫu mốt phù hợp với thị trường. Do vậy, mục tiêu của ngành DMVN thời gian tới là “thời trang hóa ngành DM”, không chỉ dừng lại làm gia công, làm theo đơn đặt hàng mà tự mình sáng tạo ra sản phẩm riêng của mình để tạo ra thương hiệu made in Vietnam trọn vẹn…
- Cám ơn bà.
My My