Dự báo, kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm 2010 sẽ đạt hơn 11 tỉ USD, tăng 22% so với năm trước.
'Người hùng' xuất khẩu
Hiệp hội Dệt May Việt Nam vừa tổ chức Đại hội lần thứ IV với nhiều vấn đề “hot”: thông báo kết quả kinh doanh của toàn ngành, bầu lại chức danh Chủ tịch Hiệp hội, công bố các doanh nghiệp có thành tích, nêu Chiến lược phát triển ngành tới năm 2015…
Ông Lê Quốc Ân - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin: tín hiệu tăng tốc sản xuất và xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đã rõ nét ngay từ đầu năm 2010 khi mà nền kinh tế của các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã bắt đầu hồi phục.
Xuất khẩu 9 tháng đầu năm đạt trên 8 tỉ USD, tăng trên 20% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thị trường Hoa Kỳ tăng đến trên 22%, EU tăng 7%, Nhật tăng 14%, Hàn Quốc tăng 63%, Canada tăng 21%, Nga tăng 25% , Thổ Nhĩ Kỳ tăng 42%... Ước xuất khẩu tháng 10 đạt trên 1,16 tỉ USD và kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành 10 tháng ước đạt 9,16 tỉ USD.
Dự báo, kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm 2010 sẽ đạt hơn 11 tỉ USD, tăng 22% so với năm trước.
Đặc biệt, những chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng đã được cải thiện rõ rệt, tỉ lệ thặng dư ngoại tệ trong hàng xuất khẩu của toàn ngành đạt từ 42-44% kim ngạch xuất khẩu, tỉ lệ nội địa hóa của hàng xuất khẩu đạt trên 40%. Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia Cuộc bình chọn Doanh nghiệp tiêu biểu ngành Dệt may & Da giày năm 2009 và 2010 đã gia tăng. Đơn cử, TCty May Việt Tiến có lợi nhuận 120 tỉ và tỉ suất lợi nhuận 44%. Hơn 40% số lượng doanh nghiệp tham gia bình chọn đều có tỉ suất lợi nhuận trên 40%. Nổi bật, Cty cổ phần may Hưng Long có tỉ suất lợi nhuận 170%...
Nhiều doanh nghiệp vừa có doanh số lớn vừa có tăng trưởng kinh doanh trong năm gần gấp đội so với năm trước như Cty cổ phần Dệt 10/10, TCty cổ phần May Nhà Bè, TCty cổ phần Dệt may Gia Định đạt doanh số trên 2.000 tỉ đồng và tăng trưởng gần gấp đôi. Các thương hiệu Việt Tiến, Phong Phú, Nhà Bè, An Phước đã được công nhận là thương hiệu quốc gia năm 2010, với các nhãn hàng Việt Nam như Nino Maxx, N&M, Foci, Sanciaro, Mahattan, Mattana, De Celco, Sanding, FC, Wow, Vera, Brillant, Burtley, Three Camel, F house, An Phước, Thaituan, Pharon, Chambray, Molis…
Mục tiêu 19 tỷ USD
Tuy nhiên, ngành dệt may vẫn đang phải đối mặt với giá nguyên liệu cao nhất trong lịch sử ngành dệt may thế giới trong 140 năm qua. Giá bông hiện nay đã là 3.1-3.4 USD/kg; giá xơ Polyester đã là 1.6-1.8 USD/kg; giá sợi 30 T/c đã đến 3,2-3,3 USD/kg; sợi 40 CM 5,5-6,0 USD/kg. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển, giá điện, tình hình lao động, tiền lương vẫn tiếp tục là vấn đề nóng hổi của ngành dệt may…
Tại đại hội, 100% đại biểu biểu quyết tán thành bầu ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, thay ông Lê Quốc Ân- đã hoàn thành vai trò Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam ba nhiệm kỳ. |
Ông Ân cũng cho biết, hiện các thành viên của Hiệp hội đang thực hiện nhiều giải pháp chuẩn bị tích cực cho việc ổn định và phát triển của kế hoạch 2011-2915, như: cải tiến quản lý tổ chức sản xuất để tăng năng suất lao động nhằm tăng thu nhập cho người lao động; tăng cường mặt hàng có giá trị gia tăng cao; tăng cường thiết kế thời trang, đẩy mạnh việc xây dựng và quảng bá thương hiệu; di dời và phát triển sản xuất may mặc phân tán về các vùng có lao động nông nghiệp; vận hành và mở rộng việc thí điểm thỏa ước lao động tập thể ngành nhằm góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong toàn ngành; tích cực áp dụng các phương pháp sản xuất sạch hơn; bảo vệ môi trường tại nơi sản xuất và đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng…
Theo đó, ngành dệt may đặt mục tiêu, phấn đấu đến năm 2015 đạt từ 17-19 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu với tỉ lệ nội địa hóa là 60%.
Cũng nhân dịp này, 84 doanh nghiệp tiêu biểu của hai ngành dệt may và da giày, gồm 64 doanh nghiệp dệt may tiêu biểu và 20 doanh nghiệp ngành da giày đã được bình chọn là “Doanh nghiệp tiêu biểu ngành Dệt may & Da giày Việt Nam 2010”.
Mai Hoa