ĐH Đảng bộ huyện An Lão lần thứ 6: Khai thác tốt tiềm năng, đẩy mạnh CNH-HĐH và đô thị hóa

Nhiệm kỳ 2005-2010, với quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, huyện An Lão có những bước phát triển nhảy vọt về kinh tế-xã hội, đạt và vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 5 đề ra, một số chỉ tiêu hoàn thành sớm từ nửa đầu nhiệm kỳ.

Nhiệm kỳ 2005-2010, với quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, huyện An Lão có những bước phát triển nhảy vọt về kinh tế-xã hội, đạt và vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 5 đề ra, một số chỉ tiêu hoàn thành sớm từ nửa đầu nhiệm kỳ.

Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, với 14,15%/năm (chỉ tiêu 11,5%/năm), chuyển dịch đúng hướng, giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng hơn 70%. Năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước đạt 1.423 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2005. Năm 2005, trên địa bàn huyện mới có 48 doanh nghiệp, nay tăng lên 220 doanh nghiệp. Các cụm công nghiệp An Tràng, ven quốc lộ 10 lấp đầy diện tích và đang tiếp tục mở rộng, Cụm công nghiệp Tiên Cựu, An Thọ-Chiến Thắng đang xây dựng. Thương mại - dịch vụ - du lịch tốc độ tăng trưởng bình quân 17,85%/năm, chiếm tỷ trọng 22,84%. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn định hình rõ nét. Sản xuất nông nghiệp chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản. Nhiều mô hình sản xuất áp dụng kỹ thuật mới, quy mô lớn, thu nhập cao được áp dụng, như mô hình sản xuất lúa giống, mô hình trang trại chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp hoá. Kinh tế hộ gia đình phát triển, việc khai thác, sử dụng đất đai, lao động, tiền vốn hiệu quả hơn. Người dân xây dựng 163 trang trại các loại và hàng nghìn gia trại với thu nhập cả trăm triệu đồng/năm. Hạ tầng kỹ thuật đổi thay rõ nét, 100% số đường giao thông liên thôn, liên xã được nhựa hoá, 80% đường thôn, làng, xóm nhựa hoá, bê tông hoá; hoàn thành chương trình kiên cố hoá kênh mương sau trạm bơm. Trụ sở làm việc, trạm xá, nhà văn hoá của các xã, thị trấn được nâng cấp, cải tạo khang trang. Năm 2005, huyện mới chỉ có 4 xã được cải tạo hệ thống lưới điện. Đến nay, 100% lưới điện của các xã, thị trấn được nâng cấp, từng bước bàn giao cho ngành điện quản lý. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 630 tỷ đồng, tăng bình quân 28%/năm, gấp 2,3 lần so với kế hoạch. Công tác quản lý, sử dụng đất, tài nguyên - môi trường được tăng cường. Tỷ lệ hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 91%. Công tác giải phóng mặt bằng đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng đất của các dự án, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hoạt động các lĩnh vực văn hoá, giáo dục- đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ được nâng cao. Đến nay, toàn huyện có 22 trường đạt chuẩn quốc gia. Bệnh viện Đa khoa huyện được nâng cấp lên hạng 2, 100% số trạm y tế xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá phát triển sâu rộng, 71 làng đạt danh hiệu làng văn hoá; phát động xây dựng 5 dòng họ văn hoá. Số lao động qua đào tạo nghề đạt 45%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5%/ năm. Công tác quốc phòng địa phương luôn phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong việc củng cố nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và xây dựng khu vực phòng thủ huyện vững chắc.

Khu đô thị ở thị trấn huyện An Lão.

Cùng với tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ huyện chú trọng công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị gắn tổ chức thực hiện với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.  Hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng ngày càng củng cố, có sức lan tỏa. Nhiệm kỳ qua, huyện có thêm 23 tổ chức cơ sở Đảng được thành lập, trong đó có 3 tổ chức cơ sở Đảng của doanh nghiệp ngoài quốc doanh, kết nạp 1068 đảng viên.   

Thực hiện mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, nâng cao hơn nữa đời sống người dân, định 4 nhiệm vụ cơ bản, then chốt  cần tập trung làm tốt trong 5 năm tới. Đó là: huy động tối đa các nguồn lực để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng xây dựng quy hoạch, quản lý nhà nước về thực hiện quy hoạch nông thôn mới, phát triển đô thị, các cụm, khu công nghiệp mới; quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên và môi trường có hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư phát triển; thời tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá và sử dụng đội ngũ cán bộ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Để phát triển kinh tế, huyện huy động tối đa các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, kết nối hạ tầng giao thông. Huy động và sử dụng tốt các nguồn lực cho phát triển công nghiệp, nhất là những ngành công nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, khả năng thích ứng nhanh với biến động của thị trường, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. Củng cố, mở rộng, phát triển các nghề và làng nghề truyền thống; phối hợp với các nhà thầu giải phóng mặt bằng thực hiện các công trình dự án đúng tiến độ. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp, tiếp thu ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đưa giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Về văn hóa- xã hội, mỗi năm có 1-2 xã đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới”; 90% số làng, khu dân cư văn hoá đạt chuẩn; mỗi xã, thị trấn có 3 dòng họ văn hoá trở nên. Để sớm biến những mục tiêu trên thành hiện thực, việc nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân, tổ chức chính trị - xã hội có ý nghĩa then chốt. Đảng bộ huyện tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá và sử dụng đội ngũ cán bộ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.  /.

Đọc thêm