“Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới, phát triển toàn diện, bền vững” là chủ đề chính được Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo xác định, tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2010-2015.
Phát huy truyền thống quê hương danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Bảo đoàn kết, chủ động, sáng tạo trong khai thác các yếu tố thuận lợi của địa phương, hoàn thành khá toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ do Đại hội lần thứ 23 đề ra, trong đó nhiều chỉ tiêu vượt cao:
Kinh tế của huyện phát triển tương đối toàn diện, tăng trưởng khá cao, bình quân 5 năm đạt 12,27%/năm, tổng sản phẩm năm 2010 tăng gấp 1,4 lần so với năm 2005. Thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu đồng/người/năm, gấp gần 2 lần so với năm 2005. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch rõ nét, đến năm 2010, tỷ trọng nông nghiệp - thuỷ sản: 50,5%, công nghiệp - xây dựng: 23,2%, thương mại - dịch vụ: 26,3%. Thu ngân sách trên địa bàn tăng 33%/năm, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển. Năng suất lúa của huyện liên tục đứng đầu thành phố, đạt 12,5 tấn/ha (năm 2009). Chăn nuôi - thuỷ sản phát triển theo hướng sản xuất tập trung, quy mô trang trại, gia trại. Đến năm 2009, toàn huyện có 298 trang trại và hàng nghìn gia trại các loại. Một số mô hình cách làm mới có hiệu quả như: Chuyển đổi vùng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản tập trung theo hướng bán công nghiệp, công nghiệp. Mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ rau màu tập trung tại các xã phía Bắc huyện; hoàn thành rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất năm 2010 và đến năm 2020. Đến năm 2010, số hộ dân được dùng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 90%...
|
Thị trấn Vĩnh Bảo hôm nay. |
Lĩnh vực công nghiệp, thủ công nghiệp của huyện có bước phát triển mới, góp phần tạo thêm việc làm cho người dân nông thôn. Hình thành một số khu, cụm công nghiệp như: Tân Liên, Giang Biên 2, An Hòa, Vinh Quang, bước đầu thu hút một số doanh nghiệp vào hoạt động, giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương. Đến năm 2010 toàn huyện có gần 50 doanh nghiệp tư nhân và 5.665 hộ sản xuất kinh doanh cá thể với số lao động xấp xỉ 1,5 vạn người... Giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển, 5 năm liền huyện có học sinh đỗ thủ khoa vào các trường đại học. Chương trình y tế quốc gia, y tế cộng đồng, thực hiện các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt kết quả rõ nét. Quốc phòng-an ninh và công tác nội chính được tăng cường; an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cùng với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, công tác xây dựng Đảng luôn được chú trọng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo gắn với thực hiện cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Công tác xây dựng chính quyền, cải cách thủ tục hành chính lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung cao vào nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, khâu then chốt, hướng về cơ sở.
Nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo lãnh đạo thực hiện mục tiêu phát triển địa phương với những giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung vào các khâu mang tính đột phá, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế huyện. Đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội theo tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh CNH-HĐH nông thôn, tăng cường bảo vệ môi trường. Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Phát huy tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển bền vững, khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp-thuỷ sản tăng 5-5,5%/năm. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, thuỷ sản theo mô hình trang trại, gia trại; đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp theo hướng lấy phát triển công nghiệp trong các cụm, điểm công nghiệp tập trung làm bước đột phá, mở rộng ngành nghề hiện có, tiếp thu phát triển ngành nghề mới. Phấn đấu đến năm 2015 giá trị sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp tăng bình quân 18-20%/năm; lao động công nghiệp, thủ công nghiệp chiếm 25-30%; giá trị xây dựng cơ bản tăng bình quân 18-19%/năm. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng; hình thành các trung tâm thương mại, dịch vụ; phát triển hệ thống chợ; từng bước hoàn chỉnh các hạng mục khu di tích danh nhân văn hoá Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm... Phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ 4.500-5.000 tỷ đồng trở lên. Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hoá-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết tốt các vấn đề lao động, việc làm; đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng gắn với đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng; củng cố và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội từ huyện đến cơ sở.
Nguyễn Khắc Quý
(Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Bảo)