ĐH Đảng XI giữ trách nhiệm lịch sử to lớn trước dân tộc

 Đại hội XI của Đảng cần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đề cao tinh thần tự phê bình nghiêm túc, để kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện những thành tựu và yếu kém, khuyết điểm, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm…

Tới dự phiên khai mạc của Đại hội Đảng XI hôm qua có các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, MTTQ Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và  các đại biểu khách mời trong nước, đại diện Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhân sỹ trí thức tiêu biểu, đại diện thế hệ trẻ Việt Nam, các Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa X và các vị Đại sứ, đại diện ngoại giao các nước, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

Kinh tế đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức

Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng có trách nhiệm lịch sử to lớn trước toàn dân tộc. Đại hội cần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đề cao tinh thần tự phê bình nghiêm túc, để kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện những thành tựu và yếu kém, khuyết điểm, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm…

Tại Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X do Tổng bí thư Nông Đức Mạnh trình bày trước Đại hội đã khẳng định: Mặc dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do những yếu kém vốn có của nền kinh tế, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính  và suy thoái kinh tế toàn cầu…, nhưng nền kinh tế đã vượt qua khó khăn, thách thức đạt được thành tựu quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội X đề ra.

Mười năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 – 2010, Tổng Bí thư đánh giá: Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, rất quan trọng, nhiều mục tiêu chủ yếu của Chiến lược 2001 - 2010 đã được thực hiện. Kinh tế tăng trưởng nhanh, đạt tốc độ bình quân 7,2%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 theo giá thực tế gấp 3,4 lần so với năm 2000; thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 5 lần so với năm 2000; GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.168 USD. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt thành tựu quan trọng trên nhiều mặt, chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.

Đánh giá chung, Tổng Bí thư nhận định: Đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, vào công cuộc đổi mới và triển vọng phát triển của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu theo Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh còn có một số hạn chế, yếu kém trong nhiệm kỳ X, cần được khắc phục như: Kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá còn chậm; các cân đối vĩ mô chưa thật vững chắc; chế độ phân phối còn nhiều bất hợp lý… và một số yếu kém trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa – xã hội còn chậm được giải quyết.

Phát triển nhanh nhưng phải bền vững

Theo Tổng Bí thư, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 được xác định là tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển nhanh, bền vững; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo định hướng XHCN.

Năm năm 2011 - 2015 là bước rất quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Trong 5 năm tới, phải phấn đấu thực hiện được các chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm: 7 - 7,5%. Năm 2015, GDP bình quân đầu người khoảng 2.000 USD; cơ cấu GDP: nông nghiệp 17 - 18%, công nghiệp - xây dựng 41 - 42%, dịch vụ 41 - 42%; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 12%/năm, giảm nhập siêu, phấn đấu đến năm 2020 cân bằng được xuất nhập khẩu; giảm mức bội chi ngân sách xuống 4,5% GDP vào năm 2015. Giải quyết việc làm cho 8 triệu lao động.

Tốc độ tăng dân số đến năm 2015 khoảng 1%. Tuổi thọ trung bình năm 2015 đạt 74 tuổi. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm bình quân 2%/năm. Tỉ lệ che phủ rừng năm 2015 đạt 42 - 43%....

Khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992

• “Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm Nhà nước ta thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo; thực hiện tốt chức năng quản lý kinh tế, quản lý xã hội; giải quyết đúng mối quan hệ giữa Nhà nước với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, với nhân dân, với thị trường. Nâng cao năng lực quản lý và điều hành của Nhà nước theo pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và kỷ luật, kỷ cương. Nhà nước chăm lo, phục vụ nhân dân, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của mọi người dân. Nghiên cứu xây dựng, bổ sung các thể chế và cơ chế vận hành cụ thể để bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để vận hành có hiệu quả nền kinh tế và thực hiện tốt các cam kết quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001) phù hợp với tình hình mới. Tiếp tục xây dựng, từng bước hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền”.

• “Đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về hình sự, dân sự, thủ tục tố tụng tư pháp và về tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, bảo đảm tính khoa học, đồng bộ, đề cao tính độc lập, khách quan, tuân thủ pháp luật của từng cơ quan và chức danh tư pháp. Đổi mới hệ thống tổ chức toà án theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm cải cách hoạt động xét xử là trọng tâm của cải cách hoạt động tư pháp; mở rộng thẩm quyền xét xử của toà án đối với các khiếu kiện hành chính. Viện kiểm sát được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức toà án, bảo đảm tốt hơn các điều kiện để viện kiểm sát nhân dân thực hiện hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức và hoạt động của cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối; xác định rõ hoạt động điều tra theo tố tụng và hoạt động trinh sát trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tiếp tục đổi mới và kiện toàn các tổ chức bổ trợ tư pháp. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp. Tăng cường các cơ chế giám sát, bảo đảm sự tham gia giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp”.

(Trích Báo cáo Chính trị của BCH TƯ (khoá X) tại Đại hội XI)

 Thu Hằng - Hồng Thúy

Đọc thêm