“Đi đâu tôi cũng tự hào mang VNPT ra khoe”

(PLO) - Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trong buổi làm việc với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) mới đây.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh mic.gov.vn
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh mic.gov.vn

VNPT đề nghị được sở hữu 20% vốn điều lệ của Mobifone

Ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc VNPT cho biết, tổng lợi nhuận thực hiện của VNPT giai đoạn 2011 – 2015 đạt 37,037 nghìn tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch, tốc độ tăng trưởng bình quân 1,6%/năm. Riêng giai đoạn 2013 – 2015, giai đoạn trọng điểm tái cơ cấu VNPT, lợi nhuận tăng trưởng bình quân 16%/năm.

Giai đoạn 2016 – 2020, VNPT đặt mục tiêu tổng lợi nhuận toàn VNPT dự kiến đạt 19,5 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,8%/năm, tăng 97,1% so với dự kiến thực hiện giai đoạn 2011-2015. Tổng lợi nhuận hợp nhất toàn VNPT giai đoạn 2016-2020 dự kiến đạt 18,6 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11%/năm, tăng 105,3% so với dự kiến thực hiện giai đoạn 2011-2015.

Tổng doanh thu toàn VNPT giai đoạn 2016-2020 dự kiến đạt 499,7 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6%/năm, tăng 27,7% so với giai đoạn 2011-2015, trong đó doanh thu Viễn thông – Công nghệ thông tin (VT-CNTT) trực tiếp từ khách hàng của khối kinh doanh dịch vụ VT-CNTT đạt 247,350 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,8%/năm, tăng 29% so với giai đoạn 2011-2015. Tổng doanh thu hợp nhất toàn VNPT giai đoạn 2016-2020 dự kiến đạt 269,12 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,5%/năm, tăng 17,8% so với dự kiến thực hiện giai đoạn 2011-2015.

Tổng nộp ngân sách của VNPT giai đoạn 2016-2020 dự kiến đạt 21,12 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,8%/năm, tăng 14,9% so với giai đoạn 2011-2015. Tổng vốn đầu tư thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 dự kiến là 52,2 nghìn tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu phấn đấu hàng năm hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2020 phấn đấu đạt trên 10%.

Tổng số thuê bao điện thoại trên mạng đến hết năm 2020 dự kiến là 37,7 triệu thuê bao, trong đó thuê bao di động là 34,5 triệu thuê bao, tăng 5,8 triệu thuê bao so với cuối năm 2015. Tổng số thuê bao băng rộng cố định có trên mạng đến cuối năm 2020 dự kiến đạt 6 triệu thuê bao, tăng 2,4 triệu thuê bao so với cuối năm 2015. 

Trong số các kiến nghị, đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo VNPT đề nghị cho phép VNPT được sở hữu 20% vốn điều lệ của Tổng Công ty Mobifone, đồng thời được sử dụng một phần số tiền thu được từ việc bán cổ phần của Tổng Công ty Mobifone khi Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện cổ phần hóa Tổng Công ty Mobifone nhằm hỗ trợ về nguồn vốn cho VNPT cho các hoạt động của hệ thống Vinasat 1& 2 và bổ sung vốn điều lệ của VNPT khi thực hiện việc điều chuyển các đơn vị (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Mobifone, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Bưu điện Trung ương, 02 Trường trung học BCVT&CNTT) về Bộ, ngành và các UBND tỉnh, thành phố mà chưa thực hiện cơ chế bù đắp.

“Xương sống mạng viễn thông đã đủ khỏe chưa?”

Nói về hoạt động của Tập đoàn,  Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, về CNTT, Tập đoàn cần phải có lộ trình cụ thể, mục tiêu rõ ràng tới từng cán bộ, công nhân viên, phải cụ thể hóa bằng doanh thu và hiệu quả, hàng năm phải xem có đạt mục tiêu không, tránh chuyện chuyển doanh thu từ mảng này sang mảng khác. Về viễn thông, VNPT phải xây dựng được hạ tầng viễn thông thông minh, an toàn cho người sử dụng.

“Về kinh doanh, sau tái cấu trúc đã có chuyển biến rõ nét nhưng cần tạo sự khác biệt trong kinh doanh, đáp ứng khách hàng trong khoảng thời gian cam kết - Bộ trưởng Tuấn cho biết - Nếu không tạo sự khác biệt thì sự quyết liệt vào cuộc chuyên biệt tái cấu trúc đều hạn chế”.

Bộ trưởng cũng cho rằng, con người là yếu tố quan trọng nhất, đặc biệt trong tất cả các công ty viễn thông và CNTT chứ không riêng VNPT: “Để cạnh tranh, VNPT cần có chiến lược con người theo chuẩn quốc tế để vươn ra biển lớn. Phải sắp xếp con người vào đúng vị trí để phát huy năng lực và trình độ. Phải có tiêu chuẩn để xét tuyển từng vị trí chủ chốt, dựa trên năng lực và sự phù hợp của từng vị trí”.

Liên quan đến lĩnh vực công nghệ viễn thông, Bộ trưởng Tuấn nhận định, mạng viễn thông là nền tảng, “xương sống” kinh doanh và phát triển của VNPT, từ đó phải triển khai các dịch vụ viễn thông, CNTT. “Phải xem lại một cách thực chất xem “xương sống” đã đủ khỏe, đủ chắc chắn để bảo vệ an toàn cho người sử dụng, qua được các đợt tấn công của tin tặc quốc tế hay chưa”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Tuấn chia sẻ, với bề dày lịch sử phát triển trong 70 năm qua, VNPT là đơn vị đầu tiên của Việt Nam kinh doanh dịch vụ viễn thông, CNTT và dịch vụ gia tăng, có nhiều cơ hội thu hút vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. “VNPT có thương hiệu mạnh, đi sâu vào tâm trí của người dân, có uy tín cao trên thị trường với hệ thống phân phối rộng khắp. Tôi là người của Bộ Thông tin và Truyền thông nên đi đâu cũng tự hào mang VNPT ra khoe”, Bộ trưởng Tuấn cho hay. 

Đọc thêm