TAND tỉnh Tuyên Quang ngày mai, 12/9, mở phiên phúc thẩm đối với 3 bị cáo Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Quốc Toàn (trú tại Hải Phòng) và Nguyễn Thị Thanh Xuân (trú tại huyện Sơn Dương,Tuyên Quang) trong vụ “Cưỡng đoạt tài sản” của “con nợ” Trần Kim Tuyên vào ngày 18/5/2011. Tuy đều kêu oan và không nhận tội, nhưng tại phiên tòa sơ thẩm các bị cáo đã bị kết án từ 3,5 đến 4,5 năm tù…
3 bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm |
Muốn không phạm tội, phải đi đòi nợ một mình?
Như PLVN từng thông tin trong số báo ngày 12/5/2012, vụ án bắt nguồn từ việc Trần Kim Tuyên nhiều lần vay tiền của bị cáo Xuân, tổng số khoảng 1,6 tỷ đồng. Khi bị đòi nợ, chị Tuyên đã không thanh toán sòng phẳng mà còn có ý thoái thác nghĩa vụ trả nợ, gây bức xúc cho chủ nợ.
Theo quy kết của cơ quan công tố, bị cáo Xuân đã nhờ Tuấn đến đòi nợ nhà chị Xuân với mức tiền công là 50%, đòi được bao nhiêu thì đòi. Sáng 18/4/2011, sau khi cầm giấy nợ của Xuân, Tuấn nói với Toàn (em Tuấn) và Quân, Khôi (bạn Toàn): “Ở đây có đứa nợ em tao gần 3 tỷ. Ăn xong, anh em mình đi đòi một củ để tiêu”. Sau đó, Tuấn, Toàn, Quân, Khôi đi 2 xe ô tô đến nhà chị Tuyên để đòi nợ. Tại đây, sau khi nói chuyện qua lại, hai bên đã cãi vã và anh Khoa (chồng Tuyên) hô: “Chúng mày lên hết đây, trói chúng nó lại để báo công an”.
Thấy vậy, Tuấn liền nói “Mày thích gì?. Hôm nay mày chết rồi” và chạy ra xe ô tô cầm 1 khấu súng ngắn (dạng đồ chơi) chạy vào doạ nhưng bị người nhà chị Tuyên hạ cửa cuốn xuống nên đã lái xe về (Toàn và Quân, Khôi đã ra ngoài trước). Nhận được tin báo, lực lượng công an đã bắt giữ Toàn, Tuấn và khởi tố vụ án, khởi tố 2 người này về tội “cưỡng đoạt tài sản”. Chủ nợ Xuân cũng bị khởi tố, bắt giam về tội danh này vì bị quy là “đồng phạm” với Tuấn.
Tại phiên sơ thẩm do TAND TP Tuyên Quang xử, Tuấn cho rằng: “Bị cáo đến nhà Tuyên để nói chuyện “nhắc nợ”, không có hành động doạ nạt gia đình chị Tuyên. Còn HĐXX, tuy không quy kết bị cáo có hành vi “đe dọa sẽ dùng vũ lực” nhưng đã phán: “Tuấn đã rủ em trai là Toàn và bạn là Quân đi đòi nợ cùng để tạo thanh thế có đông người thì chị Tuyên sẽ phải sợ và việc đòi nợ sẽ có hiệu quả”. Điều này đồng nghĩa với việc HĐXX đã coi “đi đông người” là một thủ đoạn để bị cáo “uy hiếp tinh thần bị hại”.
Vậy, thực tế thì việc “đi đông người” này có đủ để uy hiếp tinh thần bị hại như quy kết trên? .Theo mô tả tại cáo trạng thì khi Tuấn, Toàn vào nhà, chồng chị Tuyên đã chối nợ và lớn tiếng rằng “vợ tao nợ con Xuân hay nợ chúng mày” hay “tao đang thích chết đây”.
Thậm chí, chồng chị Tuyên còn hô người nhà, “chúng mày lên hết đây, trói chúng nói lại để báo công an”. Với hành động như trên, ai dám khẳng định, vợ chồng chị Tuyên bị Tuấn “uy hiếp tinh thần” để chiếm đoạt “1 củ”?. Xét về mức độ uy hiếp thì việc “đi 3 người” của Tuấn còn kém xa với hành động hô hào người nhà “trói nói lại” của chồng chị Tuyên.
Không có một quy định nào của pháp luật cấm 3 người đi đòi nợ cùng nhau. Hồ sơ vụ án cũng không có chứng cứ nào khẳng định ý định trong đầu của Tuấn là, đi đông người để “gây thanh thế”. Còn theo quy kết tại bản án sơ thẩm thì từ nay, nếu không muốn bị quy là “cưỡng đoạt” thì người dân khi đến Tuyên Quang đòi nợ sẽ phải đi một mình mà không được rủ thêm người nào khác?.
Quýt làm, cam chịu?
Giá trị tiền “chiếm đoạt” trong vụ án này được các cơ quan tiến hành tố tụng TP Tuyên Quang xác định là 100 triệu đồng dựa trên quy kết, Tuấn nói với mọi người “ở đây có đứa nợ em tao gần 3 tỷ. Ăn xong, anh em mình đi đòi một củ để tiêu”.
Tuy nhiên, dù có chuyện “1 củ” hay không thì bị cáo Xuân cũng không biết, không bàn bạc cụ thể về số tiền đồi nợ cunxgnhw phương thức đòi nợ. HĐXX sơ thẩm thừa nhận chi tiết này nhưng có quan điểm, “hành vi thực hiện tội phạm của bị cáo Tuấn đến đâu thì bị cáo phải chịu trách nhiệm đến đó”.
Như vậy, nếu bị cáo Tuấn đến cưỡng đoạt 3 tỷ (đúng như số nợ mà Tuấn tuyên bố) thì Xuân cũng chịu trách nhiệm về mức tiền 3 tỷ, trong khi số nợ chỉ là 1,6 tỷ đồng. Hoặc giả sử hôm đó, chẳng may Tuấn gây ra một vụ giết người thì Xuân cũng bị quy là đồng phạm với Tuấn về Tội giết người?.
Tại Toà, Xuân và Tuấn (bị cách ly) đều có lời khai trùng khớp rằng “bị cáo biết Tuyên không còn tài sản vì đã tẩu tán hết nên chỉ cần Tuấn đến nhắc nợ mà thôi”. Điều này còn được minh chứng qua việc Tuấn chỉ cầm giấy nợ phô tô (chứ không phải giấy gốc) đến nhà Tuyên.
Như vậy, nếu giả sử bị cáo Tuấn có dùng vũ lực để lấy “1 củ” là đã nằm ngoài thỏa thuận ban đầu với bị cáo Xuân. Xuân không thể biết việc làm ngoài thỏa thuận này thì tại sao lại bị quy là đồng phạm, là cùng cố ý thực hiện việc “cưỡng đoạt” với bị cáo Tuấn?.
Trong xã hội hiện nay, việc đòi nợ và nhờ người khác đòi nợ giúp diễn ra khá phổ biến. Tuy cùng hướng tới 1 khoản tiền nhưng vai trò, trách nhiệm của chủ nợ và người đi đòi nợ là rất khác nhau. Người nào có hành vi vi phạm thì người đó phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Hy vọng, Tòa cấp phúc thẩm làm rõ vấn đề này trong phiên tòa tới đây.
Khoa Lâm