Từ lâu, trong những câu chuyện về miền núi, người ta vẫn nhắc đến một thứ bùa, khiến những người vốn không có tình cảm bỗng trở nên quyến luyến, nhớ thương nhau, đó là bùa yêu…Thực thực, ảo ảo của bùa yêu càng khiến cho vùng cao trở nên kỳ bí, đầy chất liêu trai. Chuyến công tác tại vùng miền núi Tuyên Quang, tôi đã có dịp đi tìm lời giải của bùa yêu. Theo người dân địa phương, bùa yêu còn được gọi bằng một cái tên khác là “bùa riu”. Ở vùng này có nhiều tộc người sinh sống,trong đó người dân tộc Tày chiếm số lượng đông thứ nhì, sau người Kinh. Và họ truyền tai nhau rằng, chỉ có người Tày mới biết thả “bùa riu”.
Huyền bí những chuyện tình Thổ Bình (huyện Chiêm Hoá - Tuyên Quang) là một xã thuần nông, nằm cách tỉnh lỵ cả trăm kilomet đường rừng. Cảm nhận đầu tiên khi đến vùng này, ấy là vẫn còn giữ được những nét đặc trưng của một xã vùng cao: những nếp nhà sàn ẩn khuất sau luỹ tre làng, những người dân hiền lành trong những bộ trang phục đặc trưng của dân tộc mình. Hỏi về câu chuyện “bùa riu”, ai cũng e dè, ngại ngần không muốn đề cập đến. Gặng hỏi mãi, họ thừa nhận rằng có thứ bùa khiến con người ta say đắm, mê mẩn nhau ấy. Tôi được giới thiệu để gặp một nhân vật mà theo họ, đã từng bị thả “bùa riu”. Người tôi tìm gặp là một thanh niên ngoài 30 tuổi. Gặng hỏi anh về chuyện “bùa riu”, anh Mai Nhân Thuỳ kể: “Năm tôi học lớp 11, tôi chơi với người bạn ấy rất bình thường thôi, không bao giờ có suy nghĩ yêu đương gì đối với người đó cả. Sau đó, tôi có tâm trạng rất khác, lúc nào cũng nhớ đến người ta, lúc nào cũng muốn gặp người ta, một ngày không gặp tôi không thể chịu nổi, phải tìm mọi cách để được gặp. Một thời gian sau, tự tôi cảm thấy chán ghét người đó, cảm giác rất ghét, không còn muốn nhìn mặt người đó nữa. Sau thời gian đó, tôi nghĩ lại, có thể là do tôi bị thả bùa yêu. Bùa yêu chỉ có tác dụng trong một thời gian nhất định, nếu muốn duy trì thì người đó phải thả tiếp, nếu không tự khắc nó mất đi. Tôi bị “bùa riu” trong trường hợp nào thì tôi không biết. Người ấy sống cùng bản với tôi, giờ tôi không muốn nhắc đến tên nữa, vì họ đã lấy chồng, có con rồi.” Ở bản Phu này người ta còn rỉ tai nhau rằng chị Pêêc biết thả “bùa riu”. Chẳng thế mà người đàn bà lam lũ, xấu xí, bàn tay co quắp vì dị tật ấy lại có thể khiến cho người đàn ông đã có vợ và hai người con trai mê mẩn mình. Chị Pêêc đã sinh một đứa con gái. Không công khai bố đứa bé là ai nhưng dường như ai ở cái bản này cũng biết đó là con của người đàn ông đã có gia đình kia. Tôi tìm gặp người đàn bà ấy trong một buổi chiều muộn. Chị sống cùng đứa con gái nhỏ trong một gian nhà tranh. Cái nghèo hiển hiện trong từng vật dụng của mẹ con chị: cái chén vại sứt miệng cáu bẩn, chiếc chõng tre ọp ẹp... Tôi hỏi chị về chuyện “bùa riu”, chị thừa nhận “Có đấy, nhưng chỉ làm vào dịp tết là linh nghiệm nhất, ngày thường người ta không làm bùa đâu.” Nhưng khi tôi hỏi chị có biết thả thứ bùa đó không, chị lắc đầu và từ giây ấy, tuyệt nhiên chị không nhắc gì đến câu chuyện “bùa riu” nữa. Hỏi thêm về thứ bùa bí ẩn này, tôi được Noóng - một cô gái dân tộc Tày - kể: “Trước kia ở đây có chị Loan Coong đem lòng yêu một anh lái xe đường dài tên Chiến. Anh này đã có vợ con ở phố rồi nên chẳng để ý đến chị ấy đâu. Thế mà một thời gian sau, mọi người thấy anh Chiến quấn quýt chị Loan Coong lắm, bỏ cả việc lái xe để ở lại đây. Đã có người trong bản nhìn thấy chị ấy đến nhờ bà Ngấm làm bùa mà. Giờ thì anh kia đã bỏ vợ, lấy chị ấy và lên phố sống rồi”. Để chứng minh cho lời kể của mình, Noóng dẫn tôi đến cuối bản, chỉ cho tôi ngôi nhà trước đây của chị Loan Coong. Gian nhà tranh không người ở hoang tàn, cũ nát. “Thỉnh thoảng thấy chị ấy về quê, chắc để làm bùa đấy, vì thứ bùa này chỉ có tác dụng trong một thời gian nhất định, muốn duy trì phải làm lại” - Noóng thì thầm chỉ đủ cho tôi nghe.Lời niệm chú của bùa yêu Trong câu chuyện Noóng kể, tôi nghe được thông tin về người biết thả “bùa riu”. Vào vai một người thất tình, tôi tìm gặp một bà Ngấm để xin học cách làm bùa. Bà Ngấm năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng còn khá minh mẫn. Sau lần ngã khi leo lên bậc thang nhà sàn, bà Ngấm chỉ có thể nằm để tiếp chuyện tôi. Sau một hồi than vãn, năn nỉ, bà lão đồng ý dạy tôi cách thả “bùa riu” vào một ngày rằm trong tháng. Bà Ngấm dặn tôi cách thức thả bùa: “Khi gần người mình yêu, miệng lẩm nhẩm đọc lời thần chú bằng tiếng dân tộc, vừa đọc vừa đặt tay lên vai người mình yêu. Nhớ là phải bí mật, không để đối tượng biết việc làm đó, nếu không tự nhiên sẽ ghét nhau lắm đấy”. Rồi bà đọc để tôi chép lại lời thần chú: “Cằm câu pấu mác phung lấn khoẳn Cằm câu pấu mác mặn lấn ăn Cằm câu pấu báo đai lừm me Cằm câu pấu báo ké lừm rườn Mừ mí hăn câu mừ hảy Mừ hăn câu nả phằng khua mà thú… Thương câu nắc Rặc câu lai” Tạm dịch là: “Lời tao thổi vào quả mơ, quả mơ rụng Lời tao thổi vào quả mận, quả mận rơi Lời tao thổi khiến con trai độc thân quên mẹ Lời tao thổi khiến đàn ông có vợ quên nhà Mày không nhìn thấy tao, mày khóc Mày nhìn thấy tao mày cười, tìm về Thương tao rất nhiều Yêu tao rất nhiều” Thay cho lời kết Một thời gian sau đó, tôi có dịp trở lại vùng núi Tuyên Quang và ghé thăm bà Ngấm - người đã truyền dạy cho tôi những lời niệm chú bùa yêu mà tôi chưa có dịp tự mình kiểm chứng hôm nào. Bà Ngấm đã yếu hơn nhiều sau lần bị ngã ấy, giờ đây bà chỉ có thể ngồi được một lát rồi lại phải nằm xuống giường ngay vì lưng vẫn đau mỏi. Đã quá trưa, tôi ở lại dùng bữa cùng gia đình bà cụ. Một điều khá đặc biệt là bữa cơm ấy được chính anh con trai bà Ngấm chuẩn bị. Thậm chí, mọi việc chăm sóc, thuốc men, vệ sinh cá nhân của bà cụ cũng một tay anh con trai làm, điều mà trước đây là công việc của chị con dâu của bà Ngấm. Sau bữa trưa, tôi tế nhị hỏi thăm về chị con dâu. Bất ngờ, bà cụ buồn rầu thổ lộ: "Nó về bên ngoại rồi. Chúng nó đang xin xã để được bỏ nhau, làm đơn rồi". Tôi thắc mắc, rằng tại sao bà cụ không truyền cho con trai cách làm bùa yêu, để anh ấy giữ gìn hạnh phúc gia đình mình, bà cụ lắc đầu tỏ vẻ bất lực: "Nó không yêu nhau nữa rồi, đã làm bùa nhưng không có tác dụng gì". Tôi chào bà cụ ra về, đầu vẫn vảng vất câu niệm chú bà truyền dạy hôm nào: "Lời tao thổi khiến con trai (con gái) độc thân quên mẹ. Lời tao thổi khiến đàn ông (đàn bà) có vợ quên nhà..."
|
Anh Thuỳ đang kể lại chuyện mình bị thả bùa |
Theo VnMedia.vn