“Đi tù về, sẽ cưới bị hại làm vợ”

(PLO) -Sự việc xảy ra tại một bản làng vùng cao người Pa Kô. Theo hủ tục, người ta có thể “ỉm đi”, làm lễ cưới cho cặp đôi, rồi mọi chuyện sẽ đi vào quên lãng. Thế nhưng gia đình bị hại đã không làm thế, họ chọn pháp luật, nhờ tòa án phân xử.
Cuộc sống người Pa Kô có những phong tục tập quán độc đáo
Cuộc sống người Pa Kô có những phong tục tập quán độc đáo

Mẹ bị hại bảo không muốn bị cáo đi tù, nhưng làm sai thì phải chịu phạt. Nhà bị cáo đã dắt heo, gà sang nhà mình, làm lễ cúng xin lỗi Giàng. Họ cũng xin rước đứa con gái mới 12 tuổi của chị về, nhưng chị không cho. Con còn nhỏ, không thể cho đi làm dâu nhà người ta.

Lỡ sau này con trai người ta không còn thương con mình, thì con mình khổ. Bị hại dáng nhỏ tí, đen nhẻm nép sau lưng mẹ. Trước câu hỏi có yêu bị cáo không, cô bé rụt rè, phân vân hết gật đầu, rồi lắc đầu. Còn bị cáo thì bảo: “Đi tù về, mình sẽ cưới bị hại”.

Gia đình bị cáo bị hại cùng đi chung chuyến xe

Bị cáo và bị hại là người dân tộc Pa Kô. Bị hại mới 12 tuổi, còn bị cáo Lê Văn Hiêng năm nay đã 20 tuổi. Cả hai đều ngụ ở huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế. 

Để đến dự phiên tòa “Hiếp dâm trẻ em”, mà Hiêng là bị cáo, cả hai gia đình bị cáo và bị hại phải khăn gói xuống núi từ lúc 8h sáng, để kịp dự buổi xét xử diễn ra vào buổi chiều. Khi ông mặt trời đứng ngay trên đỉnh đầu, mọi người mới về đến Huế. Ghé quán cơm ăn vội cho no cái bụng, tất cả lục tục kéo đến tòa án, ngồi lăn lóc ngổn ngang trên sân tòa xác xơ đầy lá rụng vì khán phòng vẫn chưa đến giờ mở cửa.

Trời hầm hập nóng, nhưng mẹ bị hại mặc chiếc áo ấm thật dày. Trên tay người phụ nữ còn bồng đứa con đỏ hỏn, nhỏ tí như con mèo. Chị mới sinh dậy chưa đầy 2 tháng, nhưng vì phải đến tòa cùng con gái, nên đành bồng theo đứa trẻ, do chẳng thể nhờ ai trông giúp. Bị hại trong vụ án là con gái đầu của chị. Sau cô bé còn một cậu em trai đang học cấp 1 và cô em gái đang nằm ngủ trong tay mẹ. Vì chuyện của em, nên cả gia đình 5 người hôm nay đều kéo hết về phố.

Lúc nhận được giấy triệu tập của tòa, biết phải đi về phố dự khán, chị lo lắm. Vì nhà không có tiền. Cái ăn phải chạy từng ngày, từng bữa, lấy đâu ra tiền để đi xe. Nhà bị cáo cũng nghèo, nhưng biết gia đình bị hại không có xe về, nên họ “đánh liều” thuê nguyên một chiếc ô tô để chở gia đình bị hại cùng đi. Vì thế, nhiều người thân bị cáo cũng bỏ hết việc lên rẫy, theo xe về xuôi thăm bị cáo mà nhiều tháng nay chưa được gặp mặt. 

Lúc bị cáo bước xuống xe tù, người nhà nháo nhào chạy đến. Nhưng nhìn những cảnh sát bảo vệ mặc áo xanh đứng dọc ngang quanh bị cáo, có lẽ thấy lạ, họ khựng lại, chỉ đứng xa xa nhìn bị cáo. 

“Ăn trái cấm” trong đêm tâm sự

Hiêng khai tại tòa, bị cáo và bị hại quen biết nhau từ trước nên vào chiều ngày 23/3/2017, bị hại gọi điện rủ bị cáo đi chơi. Lúc đó bị cáo đang ngồi uống rượu với ba người bạn. Đến 7h tối cùng ngày, bị cáo rủ cả nhóm cùng đi chơi. Cả 4 thanh niên chạy trên 2 chiếc xe, khi đến đoạn đường liên thôn gần nhà bị hại, thì gặp bị hại đang đứng chơi cùng các bạn.

Sau khi dừng xe, đứng nói chuyện với bị hại một lúc, Hiêng rủ bị hại đi chơi. Vì trời đã tối, bị hại không đồng ý mà bỏ đi. Bị hại quay lưng đi được một đoạn thì Hiêng đuổi theo, kéo cô bé lại gần xe máy rồi bồng cô bé lên xe. Bạn của Hiêng cầm lái, chạy xe đến trước UBND thì dừng lại, mượn xe máy của Hiêng chạy đi có việc. 

Hiêng dẫn cô bé đi bộ vào sân bóng đá của thôn cách đó 300m ngồi chơi. Trên đường đi đến sân bóng, Hiêng nảy sinh ý định giao cấu. Khi vừa đặt chân vào vườn cây trong sân bóng, Hiêng đẩy ngã cháu bé xuống đất, rồi thực hiện hành vi. Sau đó cả hai đi bộ ra đường liên thôn thì gặp một người quen. Hiêng mượn xe của người này chở bị hại về nhà.

Chiều ngày hôm sau, trong lúc giặt áo quần cho con gái, thấy áo quần của con có những dấu vết lạ, mẹ bị hại tra hỏi, lúc này cô bé mới khai rõ ngọn ngành. Người mẹ liền lật đật chạy đi báo công an. Mẹ bị hại bảo, lúc gây án, bị cáo không biết hành vi đó là vi phạm pháp luật. Ba mẹ bị cáo cũng không biết bị cáo vi phạm pháp luật. Nhưng chị biết bị cáo làm vậy là sai, là phạm pháp, nên mới báo công an. 

Nhưng mà chị dự định báo sự việc lên công an vậy thôi, rồi hai bên gia đình sẽ sắp xếp chứ không nghĩ bị cáo lại đi tù. Bị cáo còn trẻ, dù con chị là bị hại, chịu thiệt thòi, nhưng chị không muốn bị cáo đi tù. Chị nói, thấy bị cáo bị bắt, chị cũng đau cái bụng, buồn lắm, xót lắm. Mước mắt mẹ bị hại rớt xuống lộp độp, rơi cả lên mặt đứa con gái bé nhỏ đang say ngủ trong lòng.

“Ăn trái cấm” với “người yêu” 12 tuổi, bị cáo bị tuyên phạt 7 năm tù
“Ăn trái cấm” với “người yêu” 12 tuổi, bị cáo bị tuyên phạt 7 năm tù  

Yêu hay không yêu?

Tại phiên tòa, bị cáo nói mình có tình cảm với bị hại. Tối hôm đó, bị cáo bắt bị hại lên xe, mục đích chỉ muốn kiếm một chỗ cùng bị hại trò chuyện, chứ không có ý định làm hại cô bé. Nhưng do trong người có chút bia rượu, nên khi đi bên cạnh “người trong mộng”, bị cáo mới không làm chủ được ham muốn của bản thân.

Tòa hỏi bị hại: “Cháu quen biết bị cáo lâu chưa?”. 

Bị hại đưa 1 ngón tay lên. “Câu trả lời” của cô bé khiến cả khán phòng xôn xao. Người phiên dịch phải dịch lại câu hỏi của tòa cho cô bé nghe rõ, lúc này cô bé lại đưa 1 ngón tay lên bảo: “Một năm”. Tòa hỏi cô bé: “Cháu có tình cảm với bị cáo không?”. Bị hại: “Không”.

Mẹ bị hại chia sẻ, con gái chị mới sinh ra đã mắc bệnh thận. 12 năm qua, cô bé sống được là nhờ “ướp” không biết bao nhiêu là thuốc vào người. Mỗi lần mua thuốc, phải tốn đến mấy triệu bạc. Nên cả hai vợ chồng chị dù chăm chỉ làm nương làm rẫy, rồi làm thuê làm mướn, nhưng cái nghèo cứ đeo đẳng mãi.

Hồi chị mới lọt lòng thì người mẹ qua đời. Ít lâu sau, cha chị cũng theo mẹ chị mà bỏ lại chị trên đời. Chị lớn lên được là nhờ người mẹ nuôi tàn tật, không chồng con nuôi dưỡng. Nghĩ đến mình sống đơn độc trên đời, không có anh em để nương tựa, khi buồn không có anh chị em an ủi, động viên, khi đói lòng không có người san sẻ hạt cơm cho no bụng. Nên dù nghèo, chị vẫn ráng sinh 3 đứa con, để sau này chúng có chị có em. 

Nghĩ đến phận mình đơn độc, nghĩ đến người mẹ nuôi không chồng, chị lại rớt nước mắt khi nghĩ đến đứa con gái tội nghiệp. Con bé sinh ra đã chịu đắng cay vì một thân mang trọng bệnh, giờ tí tuổi đã chịu cảnh éo le. Chị sợ con bé lớn lên không có ai hỏi cưới, sẽ phải sống đơn độc một mình. Dẫu lo lắng như thế, nhưng nhà bị cáo hỏi “xin”, chị vẫn không chịu. Nếu sau này không ai cưới con bé, chị chấp nhận sẽ nuôi con bé cả đời. 

“Đi tù về, sẽ cưới bị hại làm vợ” 

Người mẹ bộc bạch, ngày đó khi chị tra hỏi con, biết được con gái bị người ta làm hại, lòng vừa thương con, lại vừa giận con vô cùng. Chị không kiềm chế được mà cầm roi đánh con bé không thương tiếc. Nhưng càng đánh con, lòng chị càng thêm đau. Chị lại sợ, nhỡ may con bé nghĩ quẩn, lại đi tìm cái chết thì nguy mất. Nên thời gian sau đó, cả hai vợ chồng chị suốt ngày cứ phải chằm chằm để mắt trông coi con.

Tòa hỏi gia đình bị hại có yêu cầu bị cáo bồi thường không. Mẹ bị hại bảo không yêu cầu bồi thường. Chị xin tòa giảm án cho bị cáo. Trước đó, khi vụ án xảy ra, chị cũng có viết đơn xin bãi nại cho bị cáo. Chị kể, gia đình bị cáo có mang đến gia đình chị 3 triệu đồng. “Nhà mình không đòi tiền bồi thường. Nhưng họ mang đến thì mình nhận, chứ mình không xin”, chị bộc bạch.

Giờ nghị án, gia đình bị cáo và cả gia đình bị hại đều kéo hết vào phòng cách ly. Bị hại ngồi khép nép bên bị cáo, khuôn mặt non nớt của cô bé chẳng thể hiện được là đang buồn hay đang giận. Trong lúc mọi người đang trò chuyện với bị cáo, thì cha bị hại chạy đi kiếm người, hỏi cách thức kháng cáo xin giảm nhẹ mức án cho bị cáo, dù chưa biết tòa sẽ tuyên mấy tháng mấy năm. 

Mẹ bị cáo bảo, bị cáo và bị hại đã “yêu nhau” một năm, nhưng trong nhà không ai biết. Mẹ bị hại thì lắc đầu, nói con gái chị còn nhỏ lắm, chưa biết yêu là gì, nên hai đứa không thể có chuyện yêu đương. Hỏi cô bé đang nép bên cạnh mẹ, giương đôi mắt tròn xoe nhìn xung quanh, rằng có tình cảm với bị cáo không? Cô bé phân vân bảo “có”, sau đó lại lắc đầu nói “không có”. Còn bị cáo thì bảo: “Đi tù về, sẽ cưới bị hại làm vợ”.

Tòa tuyên phạt bị cáo 7 năm tù. Cả hai gia đình ai nấy điều mặt mày rầu rĩ. Thấy bố mẹ bị hại kham khổ, đến tòa nhưng áo quần đều cũ kỹ, sờn rách, một cán bộ ở tòa liền gom mấy bọc quần áo không sử dụng gửi tặng. Người phiên dịch cũng gửi hết tiền công tác phí hôm ấy cho mẹ bị hại mang về mua gạo. Nhìn cả gia đình bị hại lếch thếch, nheo nhóc rời tòa, người dự khán ai cũng ưu tư.

Đọc thêm